Xung đột giữa người và voi, giải quyết ra sao?

Xung đột giữa người và voi, giải quyết ra sao?
TP - Muốn giải quyết tình trạng xung đột giữa voi và người, trước tiên phải thay đổi nếp nghĩ của con người là “cùng chung sống, cùng tồn tại với voi cũng như động vật hoang dã”.

Voi là loài động vật rất thông minh và có trí nhớ rất tốt. Trong thiên nhiên chúng sống thành bầy đàn rất kỷ luật và có “tình cảm” với nhau. Rất nhiều câu chuyện cảm động được các nhà khoa học, những cư dân sống gần rừng nơi có bầy voi sinh sống và những người thuần dưỡng voi ghi nhận.

Xung đột giữa người và voi, giải quyết ra sao? ảnh 1
Muốn giải quyết xung đột giữa voi và người, cần chấm dứt tình trạng tàn phá rừng nơi có voi sinh sống

Trong thiên nhiên voi thường sống trong những khu rừng rộng lớn, mênh mông có diện tích hàng trăm ngàn kilômét vuông, xa các khu dân cư. Phạm vi hoạt động của chúng rất rộng, với bán kính hàng trăm km.

Chúng tôi đã nhiều lần tiến hành nghiên cứu về loài bò xám ở khu vực Yok Don (nay là Vườn Quốc gia Yok Don) và vùng rừng tỉnh Champassak phía nam Lào.

Đây là những khu rừng khộp rộng mênh mông cũng là nơi sinh sống của nhiều đàn voi ngoài thiên nhiên. Những nơi đàn voi ăn nghỉ, thường để lại một vùng cây cối bị bẻ vặt, xéo nát và những đống phân của chúng thải ra có diện tích vài ha.

Sau đó chúng lại di chuyển hàng chục km đến nơi ăn nghỉ mới… Vài năm sau cây cối ở đây phục hồi đảm bảo nguồn thức ăn chúng khi quay trở lại. Cuộc sống của chúng cứ diễn ra liên tục theo chu kỳ như vậy.

Nhưng trong nhiều thập niên qua, nhiều khu rừng rộng lớn vốn là nơi sinh sống của các bầy voi đã bị con người không chỉ bị tàn phá mà còn xâm lấn quá sâu, chia cắt rừng ra thành những khoảnh nhỏ không đủ phạm vi hoạt động và kiếm ăn khiến chúng phải đi ra khỏi rừng tìm kiếm thức ăn ở những nương rẫy vốn dĩ trước đây là rừng.

Đó là bản năng sinh tồn của voi cũng như bất cứ loài động vật nào ! Không những thế, bọn săn trộm luôn rình rập tìm săn voi đực có ngà để lại đàn voi chỉ còn lại voi cái và voi con. Đó là nguyên nhân làm cho các đàn voi ở nhiều nơi nổi giận và xảy ra sự xung đột giữa voi và con người.

Để giải quyết mối xung đột đó, con người tìm mọi cách xua đuổi đàn voi như khua chiêng trống, đốt lửa hay bắn súng chỉ thiên để đe doạ chúng. Nhưng xem ra các biện pháp này chỉ là tạm thời và nhanh chóng hết hiệu quả vì đàn voi đã nhận biết đó chẳng qua là “trò đùa” đối với chúng!

Vừa qua trên báo Tiền phong (số 42 ngày 24/10/2006) có bài ”Người có phép đuổi voi dữ”.

Ông cho rằng dùng loại còi ủ có cường độ âm thanh lớn (trên 150 đề ci ben) với cường độ âm thanh lớn như thế, động vật nói chung và loài voi nói riêng sẽ giật bắn mình hoảng sợ. Lần đầu tiên voi nghe tiếng động lạ này chúng có thể hoảng sợ. Nhưng khi voi phát hiện ra đây chỉ là động tác hù doạ, thì chỉ qua vài lần chúng sẽ nhận ra ngay !

Theo tôi muốn giải quyết tình trạng xung đột giữa voi và con người, trước tiên là phải thay đổi nếp nghĩ của con người là “cùng chung sống, cùng tồn tại với voi cũng như động vật hoang dã”, việc này phải làm ngay từ thế hệ chúng ta, nếu không sẽ là quá muộn.

Chấm dứt ngay sự tàn phá, xâm lấn khu vực rừng có voi sinh sống. Còn giải quyết sự xung đột hiện nay chỉ  mang tính chất nhất thời. Đối với voi chúng ta không thể dùng biện pháp mạnh về cơ học mà phải bằng khoa học thật sự.

Tại Trường Đại học Stanford bang California (Mỹ) đã nghiên cứu về sự trao đổi thông tin của voi. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các thiết bị đo địa chấn hiện đại theo dõi sự hoạt động của voi châu Phi tại Namibia trong vòng 10 năm đã phát hiện ra ngôn ngữ chính thức của voi là các chấn động có tần số khác nhau mà chân voi đã tạo ra trên nền đất.

Các âm hưởng đó có thể truyền xa từ 6 – 10 km tuỳ thuộc vào địa hình để truyền thông điệp cho nhau giữa bầy đàn. Các nhà khoa học đã đặt các thiết bị địa chấn có khả năng tạo ra các rung động trong lòng đất y hệt tín hiệu báo động do voi tạo ra bằng cách đập chân xuống đất khi bầy voi xuất hiện nếu muốn xua đuổi chúng.

Đây mới chính là biện pháp xua đuổi voi hữu hiệu, nếu chúng ta cử người đi tập huấn và trang bị các thiết bị địa chấn chuyên dụng và đưa vào áp dụng ở nước ta. 

PGS. Hà Đình Đức
(Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam)

MỚI - NÓNG