Xung quanh ca phẫu thuật cấy ghép mặt người tại Pháp

Xung quanh ca phẫu thuật cấy ghép mặt người tại Pháp
Việc dùng khuôn mặt của một người đã chết để ghép cho một người đang sống hiện gây ra những cuộc tranh cãi gay gắt, kể cả về khía cạnh đạo đức lẫn y học.
Xung quanh ca phẫu thuật cấy ghép mặt người tại Pháp ảnh 1

Bác sĩ Dubemard.

Cuối tuần qua, một nhóm bác sĩ ngoại khoa Pháp đã tổ chức họp báo để công bố việc họ vừa thực hiện thành công ca cấy ghép mặt đầu tiên trong lịch sử.

Tai họa và cơ hội

Bác sĩ Jean-Michel Dubemard là một phẫu thuật viên với đôi bàn tay vàng. Năm 1998 ông là người đầu tiên trên thế giới đã ghép được bàn tay lấy từ một người chết cho một bệnh nhân bị tai nạn, và năm 2000 thậm chí còn ghép thành công cả hai bàn tay và cổ tay trong một trường hợp khác.

Bệnh nhân mới đây nhất của ông nhập viện từ tháng Năm, một phụ nữ 38 tuổi ở miền Bắc Pháp bị chó cắn nát mặt. Cằm, môi và mũi bị phá hủy hoàn toàn, khỏi phải nhắc thêm là gánh nặng tâm lý đôi với người bị nạn khủng khiếp đến mức nào.

Thông thường, sau khi sơ cứu thì đến lượt các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Họ sẽ lấy da ở các vùng khác của cơ thể để khắc phục lại phần nào các vết thương. Ngay cả khi dùng da của chính mình, cơ thể cũng sẽ có những phản ứng đào thải khó lường, và nguy cơ nhiễm trùng rất cao, làm cho các miếng vá biến mầu sẫm hoặc thậm chí phải phẫu thuật lại nhiều lần.

Bác sĩ Dubernard không chọn giải pháp ghép mô và da truyền thống, mà quyết định thực thi ngay một kế hoạch ông ấp ủ từ lâu, cho dù bản thân ông vẫn chưa chắc chắn liệu nó có thành công hay không: Ông lấy khuôn mặt của một người chết não - cụ thể là lấy môi, mũi và cằm của người chết này - để ghép cho bệnh nhân nói trên.

Tại cuộc họp báo cuối tuần qua, bác sĩ Dubernard cho biết bệnh nhân đã tương đối hồi phục. Những chức năng cơ bản như thở, ăn và nói đã được thể hiện tương đối trôi chảy - đó là những hoạt động vô cùng khó khăn nếu không có môi.

Ba ngày sau cuộc giải phẫu với phí tổn hàng triệu dollar, bệnh nhân được xem khuôn mặt mới của mình trong gương và cảm ơn nhóm bác sĩ. Ít nhất thì bệnh nhân cũng may mắn không phải trả tiền cho ca phẫu thuật đầy cam go này. Tuy nhiên liệu cơ thể của bà sẽ chấp nhận hay đào thải khuôn mặt của người đã chết này, còn phải đợi từ bốn đến sáu tháng nữa người ta mới biết được.

Thách thức và trở ngại

Sau bác sĩ người Pháp Dubemard, hiện bác sĩ phẫu thuật Maria Siemionov ở Cleveland (Mỹ) hiện cũng đã nhận được đơn đặt hàng của 12 bệnh nhân đang sốt ruột chờ đợi được cấy ghép một khuôn mặt mới. Nếu không có gì thay đổi thì bà sẽ tiến hành cuộc phẫu thuật ghép mặt đầu tiên ở Mỹ, nếu tìm được một người chết hiến... mặt.

Cũng phải nói thêm là bác sĩ Siemionov không theo đuổi mục đích thẩm mỹ, mà bà muốn giúp đỡ những bệnh nhân có khuôn mặt bị biến dạng bởi ung thư hoặc tai nạn, và họ là những người chịu những nỗi đau tâm lý đến mức đã có người định tự tử.

Tuy nhiên, lý do để ai đó không vừa lòng với bộ mặt của mình thì có nhiều, song mang khuôn mặt của một người đã chết thì chắc chắn là điều không đơn giản. Luật pháp đa số các nước hiện vẫn cấm loại phẫu thuật đó, một khi nó được tiến hành không phải để cứu sống bệnh nhân, mà "chỉ” để nhằm tạo cho bệnh nhân có một ngoại hình khá hơn.

Không phải là bác sĩ Siemionov không biết rằng, lớp da chịu nguy cơ bị đào thải rất lớn. Cơ may khắc phục hiện tượng đó bằng thuốc chỉ khoảng 50%, song chính những loại thuốc đó mà bệnh nhân phải uống suốt đời sẽ làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể, nhất là khi bệnh nhân về già và gây ra những tác dụng phụ: phần lớn bệnh nhân uống những loại thuốc này sẽ bị hỏng thận và thậm chí mắc các chứng ung thư khác nhau.

Còn 50% các trường hợp kia thì sao? Nếu do thuốc kém hiệu quả mà người ta lại phải "đổi mặt" một lần nữa? Khó mà đoán được, liệu các bệnh nhân đã một lần qua ải lại có thể chịu đựng được cú sốc tâm lý lần thứ hai. Chưa kể đến cuộc phẫu thuật trên dưới 30 giờ liên tục, dễ gây nguy cơ mất máu hoặc gây máu đông cục.

Đạo đức và kỹ thuật

Ngay cả một số đồng nghiệp của Dubernard cũng lên tiếng chỉ trích ông không thử tái tạo khuôn mặt bằng phương pháp cổ điển, mà tìm ngay một người chết não để lấy tạng nhằm thực hiện một ca giải phẫu nhằm gây thanh thế cho mình nhiều hơn là vì sự sống còn của nạn nhân.

Cho đến nay, ở nhiều nước những đề án phát triển kỹ thuật ghép mặt đều bỏ dở vì người ta chưa khắc phục được phản ứng đào thải của cơ thể. Ở Đức và một số quốc gia khác thì cho phép về lý thuyết, nhưng cấm để kết quả phẫu thuật gợi nhớ lại khuôn mặt của người đã chết.

Vì đó là một gánh nặng tâm lý không chỉ đối với người được ghép mặt, mà còn đối với gia quyến và những ai đã từng quen người hiến mặt. Đó là một phạm trù đạo đức vô cùng nhạy cảm, bởi vì khuôn mặt không chỉ là lớp da, mà còn là cái gì đó độc nhất vô nhị.

Mỗi nụ cười, cách nheo mắt v.v. đều được điều khiển bởi thần kinh trung ương chứ không chỉ ở các đầu dây thần kinh dưới da. Vậy thì khuôn mặt mới ghép sẽ là một sự pha trộn giữa hình ảnh cũ và mới của hai con người. Phản ứng của bệnh nhân khi nhìn vào gương - và cả những người chung quanh - sẽ ra sao?

Có lẽ không phải cái gì mà kỹ thuật cho phép cũng nên làm, vì khác với cỗ máy vô tri, con người là một bản thể phức hợp bằng xương thịt, và bằng cả một đại lượng vô hình là tâm hồn.

MỚI - NÓNG