10 điều viễn tưởng thành thực, liệu Mặt trăng giả có thành?

Kế hoạch xây dựng Mặt trăng giả để... soi đèn đường của Trung Quốc đang gây rúng động giới khoa học, liệu ý tưởng được cho là "viễn tưởng" này có thành thực như 10 điều viễn tưởng đã thành thực trong lịch sử hay không?

Thông tin mới cho hay các nhà thầu tư nhân tại Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) đang ấp ủ một kế hoạch đầy tham vọng tiến tới giảm bỏ đèn đường ở TP này bằng cách tăng cường ánh sáng trăng tự nhiên. Kế hoạch được đưa ra là dùng vệ tinh phát sáng làm một "Mặt trăng giả" vào ban đêm với độ sáng gấp 8 lần mặt trăng thật và có thể thay thế đèn đường.

Ý tưởng Mặt trăng giả lấy cảm hứng từ một họa sĩ người Pháp từng tưởng tượng việc treo một hệ thống gương quanh Trái đất để phản chiếu mặt trời xuống đường phố Paris quanh năm. Viện nghiên cứu Khoa học không gian và Hệ thống công nghệ vi điện tử Thành Đô (CASC) hiện là nhà thầu chính cho chương trình không gian của nước này.

10 điều viễn tưởng thành thực, liệu Mặt trăng giả có thành? ảnh 1  

Dự án nhận được sự quan tâm của dư luận. Một số người bày tỏ quan ngại mặt trăng giả sẽ ảnh hưởng đến đời sống của động vật hoang dã cũng như việc quan sát thiên văn. Tuy nhiên, ông Khang Vi Dân, Giám đốc Viện Quang học thuộc Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân cho rằng vệ tinh chiếu sáng của tỉnh Thành Đô "sẽ có ánh sáng tương tự hoàng hôn, vì vậy không ảnh hưởng đến cuộc sống của các loài động vật".

Liệu ý tưởng này có thể trở thành hiện thực hay không, có lẽ chúng ta sẽ cần thời gian để trả lời. Còn trong lịch sử, đã từng có 10 điều tưởng "điên rồ" mà thành thực. Kiến Thức xin điểm qua nhé!

1.    Bom nguyên tử

Trong cuốn sách “Giải phóng thế giới” - một cuốn sách ra đời trước vụ thử bom nguyên tử đầu tiên 30 năm, tác giả H.G.Wells có hàng loạt mô tả về bom nguyên tử.


Bom nguyên tử của Well không có nhiều sức công phá như những vật liệu nổ hạt nhân, ngoại trừ việc chúng có thể nổ liên tục trong nhiều ngày. Ông cũng đã dự đoán rằng những vụ nổ bom như vậy sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và khu vực xảy ra các vụ nổ bom nguyên tử sẽ bị bỏ hoang.

2.    Mạng Internet

Trong truyện khoa học viễn tưởng “Từ London Times của năm 1904”, Mark Twain miêu tả về một mạng viễn thông như mạng Internet mà chúng ta biết hiện nay.

Trong câu truyện của mình, Mark Twain mô tả: “Một chiếc điện thoại không giới hạn tiên tiến mới được giới thiệu. Mọi việc đều được hiển thị cho mọi người, để mọi người cùng bình luận”.

Điều đáng nói là truyện này được viết năm 1898.

3.    Đặt chân xuống Mặt trăng

Trong cuốn truyện “Từ Trái đất lên Mặt trăng”, Jules Verne miêu tả chuyến du hành đầu tiên lên Mặt trăng được tiến hành vào tháng 12, từ một căn cứ ở bang Florida. Phi hành đoàn gồm có 3 người, ngồi trong một khoang tàu vũ trụ lớn làm bằng nhôm. Sau khi thám hiểm bộ trên Mặt trăng, nhóm phi hành gia hạ cánh xuống Thái Bình Dương và được một tàu Hải quân Mỹ đón.

Verne tiên đoán được rất nhiều chi tiết trong chuyến du hành. Thậm chí tên của phi thuyền của Verne cũng khá giống với tên của chiếc phi thuyền mà NASA sử dụng cho nhiệm vụ này (Columbiad và Columbia).

Verne cũng đoán được hiện tượng không trọng lượng khi lên đến Mặt trăng.

Và điều quan trọng là Verne viết câu chuyện này từ những năm 1865, hơn 100 năm sau khi chuyến du hành lên Chị Hằng đầu tiên được thực hiện.

4.    Radar

Trong khi phần lớn mọi người không đánh giá cao cuốn tiểu thuyết "Ralph 124C 41+" được Hugo Gernsback viết vào năm 1911, họ vẫn ngạc nhiên vì cuốn sách tiên đoán được rất nhiều thành tựu mà chúng ta đang sử dụng như điều khiển từ xa của tivi, máy ghi âm, việc dùng năng lượng Mặt trời và đặc biệt là sự xuất hiện của radar.

Trong cuốn tiểu thuyết, ông mô tả “ một sóng dao động phân cực, nếu chiếu trực tiếp vào một vật thể kim loại thì có thể được phản xạ theo đúng như cách một tia sáng phản xạ từ trên bề mặt sáng…”

Tác giả cuốn tiểu thuyết thậm chí còn vẽ ra một thiết bị khá giống radar. 24 năm sau khi cuốn tiểu thuyết của Ralph được xuất bản, Hải quân Mỹ giới thiệu hệ thống radar của mình.

5.    Báo mạng

Trong cuốn tiểu thuyết “2001: A Space Odyssey”, tác giả Arthur C. Clarke miêu tả: “Trong một vài phần nghìn giây, anh ấy có thể xem được tiêu đề của tất cả các tờ báo mà anh thích… Các bài viết được cập nhật tự động từng giờ”. Ông cũng nói rằng thông tin sẽ được cập nhật từ những vệ tinh tin tức.


6.    Xe tăng


Lại một lần nữa nhà văn H.G.Wells trở thành một nhà tiên tri thiên tài khi tiên đoán về các cỗ máy chiến tranh, trong đó có xe tăng - thứ mà ông gọi là “xe bọc sắt trên cạn”.

Cuốn tiểu thuyết được xuất bản năm 1903, trong khi chiếc xe tăng đầu tiên được ra đời vào năm 1916.

7.    Trò chơi video

Trò chơi video đầu tiên xuất hiện vào năm 1958 nhưng Arthur C. Clarke miêu tả về nó từ 2 năm trước đó. Trong tiểu thuyết “Thành phố và các vì sao”, Clarke có nhắc đến một thành phố có tên Diaspar - một thành phố hoàn toàn được điều khiển bằng máy tính. Và thú tiêu khiển phổ biến nhất ở thành phố này là các trò chơi tương tác ảo - thực.

“Bạn không phải đóng vai một người quan sát thụ động. Bạn được trực tiếp tham gia và có thể tự mình hành động…Khi giấc mơ còn chưa kết thúc, bạn không thể  phân biệt được đâu là mơ, là thực”, Clarke viết.

8.    Trò chuyện qua video


Năm 1911, Hugo Gernsback đưa ra ý tưởng “điện thoại ảnh” - một ý tưởng được hãng AT&T hiện thực hóa lần đầu tiên vào năm 1964 và hiện giờ được dịch vụ Skype và máy tính có camera đảm nhiệm.

Trong cuốn tiểu thuyết “Ralph 124C 41+”, Gernsback viết về công nghệ chat qua video mà về sau được chúng ta sử dụng rất rộng rãi. Thiết bị Telephot của Gernsback là một màn hình gắn trên tường cho phép kết nối với người khác thông qua một vài phím ấn.

9.    Thẻ tín dụng

Trong cuốn tiểu thuyết “Nhìn về phía sau” viết năm 1888, Edward Bellamy miêu tả rằng mọi người có thể mua đồ bằng một tấm thẻ tín dụng nếu như họ biết người bán.

Cuốn tiểu thuyết này thậm chí còn đề cập đến cách thức sử dụng chiếc thẻ tín dụng này.

10.     Thiết bị lặn

Thiết bị lặn mà Jules Verne miêu tả trong cuốn “20.000 dặm dưới biển” khá giống với thiết bị lặn mà chúng ta hiện sử dụng.


Hệ thống lặn của Verne dựa vào thiết kế của Benoit Rouquayrol và Auguste Denayrouze, được dự trữ đủ không khí để cung cấp cho thợ lặn trong vòng 7-8 phút. Thiết bị của Verne “gồm nhiều bình dự trữ bằng sắt dày, đựng không khí với áp suất 50 Af bên trong và được đeo sau lưng thợ lặn”.
Theo Kienthuc.net
MỚI - NÓNG