Phát sóng truyền hình:

4 thành phố tắt sóng analog, 19 tỉnh ảnh hưởng

Từ 1/1/2016, người dân đang dùng truyền hình truyền thống tại bốn thành phố lớn và 19 địa phương khác sẽ phải sắm đầu thu nếu muốn xem truyền hình. Ảnh: Như Ý.
Từ 1/1/2016, người dân đang dùng truyền hình truyền thống tại bốn thành phố lớn và 19 địa phương khác sẽ phải sắm đầu thu nếu muốn xem truyền hình. Ảnh: Như Ý.
TP - Từ 1/1/2016 sẽ thực hiện tắt một số kênh truyền hình tương tự (analog) tại bốn thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM và Cần Thơ, chuyển sang sử dụng truyền hình số mặt đất. Quá trình chuyển đổi, không chỉ 4 thành phố này mà người dân ở khắp 19 địa phương lân cận cũng sẽ bị ảnh hưởng.

1/4/2016, tắt sóng hoàn toàn

Theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 Việt Nam sẽ ngưng phát sóng hoàn toàn truyền hình analog để chuyển sang truyền hình số mặt đất với chất lượng cao hơn, thu được các chương trình chuẩn HD và 3D. Khi tắt sóng analog, chuyển sang truyền hình số mặt đất, muốn xem truyền hình phải mua đầu thu kỹ thuật số công nghệ mới DVB-T2 hoặc mua tivi tích hợp sẵn chức năng thu truyền hình số.

Theo Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam, bốn thành phố sẽ tắt sóng theo phương thức mềm, tức là không tắt sóng tất cả các kênh ở một thời điểm. Từ 1/1/2016, Hà Nội sẽ tắt sóng VTV6, H2 và VTC9, TPHCM tắt sóng VTV6, VTV9, VTC9 và HTV7, Cần Thơ sẽ tắt sóng VTV6, VTV Cần Thơ 1, VTV Cần Thơ 2 và VTC9. Tiến tới ngày 1/4/2016, ngừng phát sóng toàn bộ kênh chương trình truyền hình analog tại 4 thành phố này.

Theo tính toán của Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), với phạm vi phủ sóng hiện nay của các kênh truyền hình tương tự mặt đất nói trên, khi ngừng phủ sóng tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoặc một phần địa bàn 19 tỉnh lân cận. Cụ thể, toàn bộ các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang và Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng. Các tỉnh bị ảnh hưởng một phần gồm Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An. Như vậy, các hộ dân sống ở các địa bàn này, nếu không mua đầu thu kỹ thuật số hoặc TV tích hợp chức năng thu truyền hình số sẽ không xem được các kênh truyền hình khi bốn thành phố lớn tắt sóng.

Làm gì khi tắt sóng truyền hình số?

Để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi truyền hình truyền thống analog sang truyền hình số mặt đất, việc phủ sóng số mặt đất tại các địa phương đang được triển khai. Theo Cục Tần số vô tuyến điện, VTV đã phủ sóng truyền hình số mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh. Công ty SDTV đã phủ sóng truyền hình số tại Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số tỉnh lân cận. Công ty RTB đã hoàn thành phủ sóng truyền hình số tại Hà Nội, dự kiến trong tháng 12/2015 sẽ phủ sóng truyền hình số tại Hải Phòng.

Đại diện Sở TTTT Hà Nội cho biết, đã chấp thuận đưa Trung tâm truyền dẫn phát sóng với cột ăng ten cao 250m tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vào khai thác sử dụng, đảm bảo vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn TP Hà Nội. Hiện nay với một đầu thu truyền hình số mặt đất, các hộ gia đình có thể thu xem miễn phí được một số kênh truyền hình thiết yếu của các Đài truyền hình Trung ương và 15 kênh phát sóng của Công ty RTB.

Để thu được sóng truyền hình số, người dân phải mua đầu thu kỹ thuật số hoặc mua tivi đã tích hợp sẵn đầu thu (có giá cao hơn tivi cùng loại từ 5-7 USD). Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, trên thị trường có khoảng hơn 40 loại đầu thu truyền hình số mặt đất của các hãng khác nhau. Tuy nhiên, để mua được đầu thu đảm bảo chất lượng, người dân nên tham khảo các loại đầu thu đã được công bố hợp quy theo quy định của Bộ TTTT. Thông tin về các loại đầu thu STB được công bố hợp quy được đăng tải trên website của Cục Viễn thông - Bộ TTTT.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.