7 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Tổng cục Môi trường vừa đưa ra khuyến cáo bắt đầu từ tháng 9, người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí - Ảnh: Như Ý
Tổng cục Môi trường vừa đưa ra khuyến cáo bắt đầu từ tháng 9, người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí - Ảnh: Như Ý
TP - Hôm nay (7/9), được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Quốc tế Không khí sạch, nhấn mạnh sự cần thiết phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng không khí nhằm bảo vệ sức khỏe con người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trở thành nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người. Trung bình cứ 10 người thì có 9 người đang sống trong bầu không khí không đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng không khí của WHO.

Nhớ thời điểm từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2020, báo chí liên tục viết về ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc, trong đó nhiều ngày chất lượng không khí lên tới ngưỡng nguy hại (ngưỡng nguy hiểm nhất với khuyến cáo mọi người phải ở trong nhà). Từ đầu tháng 9 năm nay, ô nhiễm lại tiếp diễn theo quy luật mùa. Thực tế ô nhiễm không khí là vấn đề nhiều năm nay ở Hà Nội nhưng chỉ từ năm ngoái, khi các hệ thống theo dõi chất lượng không khí tư nhân được thiết lập với độ phủ dày đặc, người ta mới nhìn rõ hơn vấn đề đã nhức nhối từ lâu.

Nhiều đề xuất đã được các chuyên gia và cơ quan quản lý đặt ra để cải thiện chất lượng không khí. Một năm trôi qua, nhìn lại thấy có một số việc đã triển khai như nhiều địa phương lắp đặt thêm các hệ thống quan trắc không khí tiêu chuẩn - cố định, Hà Nội cho phun đường những ngày ô nhiễm nghiêm trọng, số lượng bếp than tổ ong ít dần.

Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi cũng đưa thêm một số quy định chi tiết về quản lý chất lượng không khí trong đó có việc ban bố tình trạng khẩn cấp khi xảy ra ô nhiễm không khí từ ngưỡng tím (ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người) bằng việc cho học sinh nghỉ học, cấm hoạt động đốt, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân... Tuy nhiên, những việc làm trên được đánh giá là quá ít, chậm chạp và phần lớn là giải quyết phần ngọn chứ không phải phần gốc của vấn đề.

Một chuyên gia trong lĩnh vực này nói với tôi “Cơ quan quản lý sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp như thế nào khi mà Việt Nam chưa thể dự báo chất lượng không khí”. Dự báo chất lượng không khí là đòi hỏi của thực tế đời sống, không chỉ để giúp người dân chủ động trong việc giảm thiểu tác hại của ô nhiễm đến sức khỏe, mà còn là căn cứ để ban bố tình trạng khẩn cấp, như cách mà thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) từng làm rất hiệu quả. “Không có dự báo làm sao biết được ngày nào sắp xảy ra ô nhiễm từ ngưỡng tím để ban bố tình trạng khẩn cấp, để các công trường xây dựng, nhà máy ngừng sản xuất, học sinh hạn chế đến trường”, chuyên gia này nói.

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, phải giải quyết cái gốc của vấn đề là nguồn gây ô nhiễm trong đó có hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất và các hoạt động đốt ngoài trời. Với cơ sở sản xuất, đề án thu phí khí thải nhằm thúc đẩy các nhà máy lớn chuyển đổi công nghệ tốt, hạn chế phát thải đã được bàn thảo nhưng vẫn chưa được ban hành. Đề án hạn chế phương tiện giao thôngcá nhân cũng giậm chân tại chỗ. Tiêu chuẩn khí thải ô tô, xe máy của Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước.Các hoạt động đốt ngoài trời vẫn diễn ra công khai, nhất là đốt rơm rạ vàomùa gặt.

Vẫn biết cải thiện chất lượng không khí là vấn đề phức tạp, cần nhiều thời gian và đối mặt với nhiều thách thức nhưng không thể không thực hiện để cải thiện sức khỏe người dân.

Nhiều nhà hoạt động môi trường chia sẻ, họ có cảm giác, vấn đề ô nhiễm không khí đã rơi vào trạng thái “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Mỗi đợt ô nhiễm không khí, người dân, xã hội lại xôn xao. Cơ quan chức năng cũng lên tiếng đấy, nhưng khi ô nhiễm qua đi, mọi việc dường như ít được cải thiện. Người dân cứ lần lượt đi qua những mùa ô nhiễm không khí với hàng loạt nguy cơ về bệnh tật đeo bám. 

MỚI - NÓNG