Áp dụng định vị toàn cầu nghiên cứu vỏ trái đất miền Bắc Việt Nam

Nhằm hiểu rõ hơn các hoạt động địa chấn kiến tạo ở miền Bắc Việt Nam và khu vực lân cận, các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu phối hợp với Viện Khoa học trái đất Đài Loan (Trung Quốc) vừa triển khai thành công đề tài nghiên cứu đặc điểm cấu trúc sâu và chuyển động hiện đại vỏ Trái đất miền Bắc Việt Nam bằng số liệu địa chấn dải rộng và hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu liên tục.
Áp dụng định vị toàn cầu nghiên cứu vỏ trái đất miền Bắc Việt Nam ảnh 1
 

Đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ, các nghiên cứu về cấu trúc sâu và chuyển động hiện đại của vỏ trái đất vỏ trái đất Việt Nam được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu từ những năm 1970 cho đến nay nhưng hạn chế chính là thiếu các nguồn số liệu và hệ phương pháp nghiên cứu mới có tính định lượng cao hơn. Nghiên cứu chi tiết về cấu trúc sâu và dịch chuyển hiện đại vỏ trái đất miền Bắc Việt Nam sẽ giúp hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa vỏ trái đất, các hoạt động địa chấn kiến tạo cho miền Bắc Việt Nam và khu vực lân cận, là cơ sở quan trọng quan trong trong các nghiên cứu về tai biến địa chất như động đất, sóng thần, trượt lở đất cho khu vực nghiên cứu và lân cận.

Nghiên cứu về chuyển động hiện đại ở Việt Nam cũng bắt đầu từ 1963 với việc thiết lập một mạng lưới đo tam giác gồm 12 điểm đo phân bố trên hệ thống đứt gãy Sông Hồng. Tuy nhiên, do những hạn chế về mặt kỹ thuật đó, rất cần thiết phải có các nghiên cứu mới nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng các kết quả nghiên cứu trước đây. Vì vậy, trong nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ theo Nghị định thư (Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc)) do Bộ Khoa học và Công nghệ điều phối, các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu phối hợp với Viện Khoa học trái đất Đài Loan triển khai nghiên cứu “đặc điểm cấu trúc sâu và chuyển động hiện đại vỏ Trái đất miền Bắc Việt Nam bằng số liệu địa chấn dải rộng và hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu liên tục” với việc áp dụng các phương pháp và kỹ thuật tiên tiến nhất trong nghiên cứu.

Để thực hiện các mục tiêu của nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng bộ số liệu địa chấn dải rộng và tín hiệu GPS liên tục thu thập trong nhiều năm ở khu vực miền Bắc Việt Nam và thiết lập bổ sung 10 trạm đo tín hiệu GPS liên tục theo tuyến trên cơ sở 25 trạm địa chấn đã có. Đây là lần đầu tiên, nước ta có được một bộ số liệu kết hợp đồng thời cả số liệu động đất và số liệu GPS liên tục trên một tuyến quan trắc 25 trạm đo cắt ngang đới đứt gãy sông Hồng – đới đứt gãy lớn và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kiến tạo ở Việt Nam và khu vực. Mạng lưới quan trắc và dữ liệu GPS liên tục đã cung cấp bộ số liệu phong phú, đóng vai trò quan trọng trong các nghiên cứu trong khuôn khổ đề tài mà còn cho nhiều nghiên cứu tiếp theo.

Sau 3 năm nghiên cứu, với sự hợp tác của những chuyên gia hàng đầu hai viện nghiên cứu, đề tài đã cung cấp những kết quả mới nhất về mô hình cấu trúc vỏ Trái đất theo số liệu địa chấn dải rộng cho khu vực miền Bắc Việt Nam và phía đông nam đới đứt gãy sông Hồng, cơ cấu chấn tiêu các trận động đất đồng thời xác định mô hình chuyển động hiện đại vỏ Trái đất vùng Tây Bắc Việt Nam (dọc đứt gãy Lai Châu, Sơn La, Sông Hồng). Các kết quả này góp phần vào việc hiểu rõ hơn về đặc điểm cấu trúc, địa động lực hiện đại miền Bắc và khu vực Đông Nam Á, trở thành tiền đề cho việc nghiên cứu sâu và cụ thể hơn về các tai biến động đất, sóng thần tại Việt Nam. Các kết quả của đề tài đã cung cấp thêm những thông tin mới bổ ích phục vụ các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng khác trong lĩnh vực đánh giá nguy hiểm động đất cũng như các tai biến khác có liên quan.

Đặc biệt, mạng lưới trạm động đất và GPS cung cấp những số liệu mới cho Viện Vật lý địa cầu, góp phần làm giàu thêm cơ sở dữ liệu Vật lý địa cầu, là cơ sở để triển khai các nghiên cứu khác về động đất và các lĩnh vực khác có liên quan. Số liệu mạng lưới quan trắc này sẽ góp phần vào việc xác định chính xác hơn thông tin các trận động đất xảy ra trên miền Bắc phục vụ công tác báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.

Việc thực hiện đề tài nghiên cứu cũng góp phần thúc đẩy hợp tác khoa học với Đài Loan (Trung Quốc) trong lĩnh vực Khoa học trái đất, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, tăng cường khả năng hội nhập, hợp tác quốc tế, đặc biệt giúp tiếp thu, phát triển các phương pháp, công nghệ mới liên quan đến các nội dung nghiên cứu trong nhiệm vụ này.

MỚI - NÓNG