Bia đưa lịch sử loài người sang trang?

Bia đưa lịch sử loài người sang trang?
TPO – Một số nhà khoa học cho rằng, người cổ đại làm nông nghiệp không phải vì lương thực mà vì... bia. Và chính thức uống này đã dẫn tới sự ra đời nền văn minh nông nghiệp từ 10.000 năm trước.

> Vì sao Gia Cát Lượng không thọ được tới 60?

Bia đưa lịch sử loài người sang trang? ảnh 1

Như chúng ta đã biết, sự chuyển đổi từ lối sống săn bắn hái lượm sang trồng trọt và chăn nuôi là bước tiến quan trọng của nhân loại. Hầu hết các lý thuyết đều cho rằng con người trồng lúa mì, lúa mạch để làm thực phẩm. Tuy nhiên, gần đây một số nhà khoa học đã phủ định lý thuyết trên. Thậm chí, họ còn công bố quan điểm gây sốc: chính bọt bia mới có sức hấp dẫn, thôi thúc người cổ đại lập trang trại và sống định canh định cư.

Một trong số các nhà khoa học nói trên là Patrick McGovern – Giám đốc dự án khảo cổ học về thực phẩm, đồ uống lên men, sức khỏe và y tế tại trường Đại học Pennsylvania.

Ông nói rằng bia có rất nhiều lợi ích khác ngoài hương vị tươi mát và khiến người uống có cảm giác lâng lâng sảng khoái như chứa hàm lượng vitamin B cao, các acid amin thiết yếu và đặc biệt là quá trình sản xuất bia đã loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn và virus. Bia thậm chí còn sạch hơn cả nước.

Với nồng độ cồn chỉ khoảng 4-5%, bia là một loại chất kích thích có lợi cho sức khỏe và là một loại thuốc. McGovern đã từng chứng minh trên tạp chí khoa học Nautilus rằng trong thế giới cổ đại bia là một loại thuốc được nam giới ưa thích.

Ông McGovern đã tìm thấy dấu vết của húng tây và xài thơm, trong đó có chứa chất chống ung thư đã được tìm thấy trong bình bia của người Ai Cập cổ đại. Tương tự, ông cũng tìm thấy ngải chống lại ung thư trong rượu gạo cổ đại của Trung Quốc.

Bia cũng đóng vai trò quan trọng trong các sinh hoạt cộng đồng và được uống nhiều trong các dịp lễ hội, tiệc tùng của người cổ đại giống như ngày nay.

Lý thuyết đầu tiên về tầm quan trọng của bia được Robert Braidwood - học giả về Trung Đông tại Đại học Chicago đưa ra những năm 1950.

Vị học giả này đã dựa vào ngũ cốc và liềm tìm thấy được trong khu di chỉ của người Natufian (sống trong khoảng những năm 13.000-19.000 trước Công Nguyên) thuộc Syria, Jorrdan và Israel ngày nay, và đưa ra kết luận: Công nghệ trồng trọt thời đó vẫn còn vô cùng lạc hậu và thành quả thu về quá ít ỏi so với công sức lao động bỏ ra. Chính vì vậy, họ muốn sử dụng thành quả thu được cho một cái gì giá trị hơn – đó chính là rượu và bia.

Quan điểm này của Robert này được Solomon Katz – Giáo sư nhân chủng học tại Đại học Pennsylvania, ủng hộ vì rất ít bằng chứng về sự phổ biến của bánh mỳ thời kỳ này.

Tại khu vực tây nam Iran, các nhà phân tích chỉ tìm thấy 3 – 4% trong số hạt tìm được là ngũ cốc thuần được sử dụng làm thực phẩm. Katz cho rằng người cổ đại chủ yếu canh tác các loại hạt để ủ bia.

Katz nói rằng: “Chính cơn khát chứ không phải cơn đói của loài người đã dẫn đến sự ra đời của nền văn minh trồng trọt các loại ngũ cốc”.

Phương Thảo
Theo dailymail

Theo Dịch
MỚI - NÓNG