Biệt đội 'xả stress' cho san hô

Các giá thể được đặt cẩn thận trên thuyền sup, đưa ra giữa biển. Sau đó, các thành viên sẽ lặn và đặt cố định giá thể xuống biển và cố định để san hô tiếp tục tự phát triển. Ảnh: Giang Thanh
Các giá thể được đặt cẩn thận trên thuyền sup, đưa ra giữa biển. Sau đó, các thành viên sẽ lặn và đặt cố định giá thể xuống biển và cố định để san hô tiếp tục tự phát triển. Ảnh: Giang Thanh
TP - Gắn kết nhau chỉ bởi tình yêu biển, những thành viên của Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa vẫn ngày ngày lặn ngụp ở các bãi biển quanh khu vực bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) để giải cứu những rạn san hô đang “hấp hối” và tỉ mẩn trồng “vườn” dưới đáy đại dương…

Từ nhiều năm nay, các bãi, hòn ở khu vực bán đảo Sơn Trà đã trở nên thân thuộc với gần 30 thành viên trong nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa. Đều đặn mỗi ngày, mười mấy thành viên trong nhóm có mặt ở khu vực Sơn Trà, gửi xe rồi khệ nệ mang  đồ lặn, khoan, keo..., nhiều lúc có thêm khung sắt, tảng bê tông men theo con đường mòn xuống các bãi... Theo anh Lê Chiến, 36 tuổi, Trưởng nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa, đó là những vật bất ly thân cho công việc cứu hộ san hô.

Kỳ công

Mỗi ngày, các thành viên trong nhóm lặn biển cả 8 tiếng đồng hồ để xem xét các rạn san hô, phát hiện những khu vực san hô bị tổn thương, stress và nhanh chóng cứu hộ. Đang lặn ngụp kiểm tra khu vực bãi Nam, anh Đào Quang Anh, 32 tuổi chợt phát hiện một khúc san hô bị stress.

Biệt đội 'xả stress' cho san hô ảnh 1 Các đế san hô sau khi được xả stress sẽ được gỡ ra khỏi bàn dưỡng, gắn vào các giá thể bằng dung dịch keo đặc biệt. Ảnh: Giang Thanh
“San hô là loài săn mồi. Ở khu vực an toàn, nó có thể phát triển rất tốt. Nhưng khi bị tác động hoặc stress, san hô sẽ tự nhả một lớp nhớt, chính lớp này sẽ thu hút các loài tảo xâm hại. Tảo tấn công sẽ che lấp mất ánh sáng - sự sống của san hô”, anh Chiến cho biết.

“Một cái mỏ neo quăng xuống cũng có thể cào gãy 20 - 30m2 san hô mà phải mất vài năm mới có thể khôi phục lại. Dù biết việc mình làm như muối bỏ biển nhưng chúng tôi vẫn làm với niềm tin rằng “mưa dầm thấm lâu”, người dân và du khách sẽ dần hiểu được vai trò, lợi ích to lớn của rạn san hô và chung tay bảo vệ”.

Đại diện nhóm SaSa chia sẻ

Ngay lập tức, các thành viên xúm lại tiến hành cứu hộ. Tỉ mẩn phân mảnh san hô thành những cành nhỏ, Chiến dùng dung dịch keo dán đặc biệt mà nhóm tự nghiên cứu (được cấu thành từ phốt pho và canxi) dán từng cành san hô lên những chiếc đế hình bánh quy. Sau đó, cả nhóm đặt từng đế san hô lên thuyền sup chèo ra biển. Đến vị trí đặt bàn dưỡng, các thành viên lặn xuống cố định các đế vào bàn dưỡng bằng sắt nằm ở ở độ sâu 2 – 3m. “Nếu khả quan, sau khoảng 1 tháng nữa, các đế san hô đó sẽ được “xả stress”. Khi đế san hô đó không bị stress, có dấu hiệu tẩy trắng hay có sự xâm hại của tảo, chúng tôi sẽ tiến hành tách đế”, anh Chiến cho hay.

Để chuẩn bị cho quá trình tách đế và trồng lại san hô, các thành viên nhóm phải đi nhặt các loại đá tự nhiên hoặc đá san hô (xác san hô chết) để làm giá thể. Các giá thể sẽ được khoan những lỗ nhỏ vừa bằng các đế san hô, sau đó, đế san hô sẽ được kết dính vào giá thể bằng keo. Các giá thể này được đưa xuống biển, cố định để san hô tiếp tục tự phát triển, bám dính vào giá thể. Quá trình này ít nhất mất 2 đến 3 tháng. Nếu thuận lợi, san hô có thể phát triển về chiều cao và chiều rộng trong thời gian này.

Biệt đội 'xả stress' cho san hô ảnh 2
“Tuy nhiên, đó chỉ là quy trình chuẩn nhất. Còn tùy điều kiện thực tế, chúng tôi chọn 4 loại giá thể khác nhau: bê tông, sắt, đá tự nhiên và đá san hô. Mỗi loại đều có ưu và nhược điểm riêng. Nhưng trong điều kiện cho phép, nhóm sẽ cố hết sức để không can thiệp vào tự nhiên, chỉ sử dụng các loại giá thể tự nhiên để ít gây ảnh hưởng nhất đến hệ sinh thái. Tuy nhiên, cách này sẽ mất công sức để chăm sóc và theo dõi san hô hơn”, Chiến chia sẻ.

Nghỉ việc để đi cứu san hô

Vì tình yêu mãnh liệt với các loài sinh vật biển, các thành viên nhóm Sasa đều vui vẻ với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Trong số họ, có những chuyên gia nghiên cứu về biển, có những người yêu thích lặn biển, có những người trẻ làm việc ở những lĩnh vực xa lạ với biển cả. Họ bỏ ra cả tuần trời lặn ngụp dưới độ sâu 2 – 3 mét trên khắp các bãi của bán đảo Sơn Trà.

Biệt đội 'xả stress' cho san hô ảnh 3
Hỏi Chiến tại sao nhóm có thể nhanh chóng phát hiện san hô tổn thương để cứu hộ, anh chỉ cười: “Vì chúng tôi ở dưới biển nhiều hơn ở trên bờ. Bản thân công việc cứu hộ không giống như công việc tái tạo. Cứu hộ là phải ngay lập tức bởi nó liên quan đến sự sống và cái chết của sinh vật tại thời điểm đó, nếu không làm thì san hô sẽ chết ngay”.

“Ở Úc, để bảo tồn 1m2 san hô phải chi ra mỗi năm 1 triệu đô. Nhưng chúng tôi “trồng” 100m2 san hô chỉ trong vòng 1 tháng mà chẳng mất đồng nào, chỉ có điều gần 30 thành viên ngày nào cũng phải lặn ngụp dưới biển. Gần đây, nhóm  bắt đầu thử nghiệm cấy tảo san hô để có thể kết dính các giá thể lại với nhau, tăng độ vững chắc để san hô bám vào”. 

 Anh Lê Chiến, trưởng nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa

Vốn là chuyên gia nghiên cứu về sinh vật học đại dương, có một thời gian dài, anh Chiến làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về môi trường biển với nhiệm vụ nghiên cứu và khảo sát san hô. “Sau nhiều năm, tôi gặp rất nhiều rạn san hô bị tàn phá nặng nề nhưng công việc của mình chỉ là ghi nhận nên không thể làm gì được. Bởi vậy, tôi quyết định nghỉ, tôi không muốn đơn thuần chỉ làm nghiên cứu mà phải tạo ra giải pháp để bảo vệ hệ sinh thái ven biển. Một vài người bạn của tôi có cùng chí hướng và chúng tôi lập nhóm, hoạt động cho đến bây giờ”, Chiến kể.

“Chúng tôi có mối quan tâm chung về môi trường biển nên cùng góp sức”, Đào Quang Anh vui vẻ nói khi được hỏi về lý do tham gia nhóm. Các thành viên trong nhóm chọn lối sống tiết kiệm, giản dị và dành dụm tiền để chăm sóc san hô, để trồng “vườn” san hô dưới đáy biển. “Có nhiều thành viên dành 6 tháng mùa đông để đi làm kiếm tiền nuôi san hô, còn 6 tháng mùa hè thì lặn ngụp ở biển để chăm vườn san hô”, anh Chiến kể.

Hơn 2 năm qua, nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa đã gầy dựng được “vườn” san hô ở 4 địa điểm quanh khu vực bán đảo Sơn Trà, trong đó, nổi bật nhất là vườn san hô ở bãi Nam với hơn 100m2 san hô được cứu hộ, trồng mới. Bãi Nam từng là nơi có rạn san hô đa dạng và phong phú bậc nhất ở bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên do chịu tác động của con người và bị hủy hoại, gần một nửa rạn san hô ở khu vực này đã chết, chỉ còn khoảng 20% sống khỏe mạnh.

Ngoài việc cứu hộ san hô, tuần nào, các thành viên cũng chia nhau nhặt rác ở các bãi trồng san hô, nhắc nhở du khách và những người kinh doanh dịch vụ lặn ngắm san hô không giẫm đạp và bẻ san hô. 

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).