Bỏ đốt vàng mã: Dũng cảm và cần thiết

Nhiều người dân chen lấn cúng vàng mã ở Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nhiều người dân chen lấn cúng vàng mã ở Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Chủ trương khuyến nghị các cơ sở thờ tự của Phật giáo bỏ đốt vàng mã được giới nghiên cứu và quản lý văn hóa hoan nghênh, bởi hủ tục không chỉ gây lãng phí mà còn để lại nhiều hệ lụy.

VĂN MINH

Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Công văn số 031 gửi Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lưu ý “nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo; đồng thời trong các bài giảng chú trọng gìn giữ nét đẹp truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo”.

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cho biết, từ mấy tháng trước Ban Thường trực Hội đồng Trị sự trong các phiên họp đã mổ xẻ tình hình thực tế người dân lạm dụng đốt vàng mã quá nhiều. “Phật giáo không có tục đốt vàng mã, do du nhập từ đạo lão của Trung Quốc. Giáo hội yêu cầu từ các thầy trụ trì lan tỏa cho người dân hạn chế dần dần đi đến từ bỏ tục này”, Hoà thượng Thích Gia Quang cho hay.

“Tôi lấy làm mừng về công văn của Giáo hội Phật giáo. Năm trước ở đền bà Chúa kho, riêng đốt vàng mã tốn hơn 300 tỷ đồng, nếu nhân lên các điểm khác thì vô cùng tốn kém”, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nói. Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá công văn “thể hiện tính thiết thực trong việc hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới, đúng chủ trương của Chính phủ, Bộ VHTTDL”. Không chỉ cơ sở thờ tự Phật giáo, ở đền đình và nhiều nơi thờ tự khác gần đây phổ biến hiện tượng lạm dụng đốt nhiều đồ mã. “Giáo hội Phật giáo nhận ra vấn đề và làm gương, tôi tin các tín ngưỡng khác cũng thực hiện được”, TS Dược nhận định.

Trước khi Giáo hội Phật giáo có quyết định này, Bộ VHTTDL đơn thương độc mã trong cuộc chiến tuyên truyền người dân giảm và bỏ đốt đồ mã nơi công cộng, các di tích và lễ hội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu: “Chúng ta xác định rõ trong giáo lí, hướng dẫn của Phật giáo không có mục nào nói về đốt vàng mã-việc làm lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng môi trường và sức khoẻ người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ. Vì vậy Bộ VHTTDL hoàn toàn đồng thuận về tinh thần của công văn”.

Tục đốt vàng mã không phải bây giờ mới có. TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục nói rằng nó bắt nguồn từ tục mai táng ở nhiều tộc người chứ không riêng người Việt hay người Hoa. “Việc đốt vàng mã sau này mở rộng không chỉ còn đối với người thân đã khuất mà còn đối với cả thần thánh được con người tạo ra từ thần được phong tới tưởng tượng. Vì vậy câu chuyện bỏ vàng mã rất nên và cần thiết, nhất là do Phật giáo đề xuất. Bởi Phật giáo không phải tôn giáo có tính mê tín dị đoan hay nhằm mục đích nào đó khác, mà chủ yếu là sự giải thoát con người bằng cách dùng trí tuệ”, TS Vịnh phân tích.

TỪ GIẢM ĐẾN BỎ

Khi được hỏi liệu chủ trương của Giáo hội có dễ thực thi, Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng giai đoạn đầu có thể chưa triệt để bỏ ngay nhưng hy vọng thay đổi tích cực. Chủ trương đưa ra nhằm hướng các thầy hiểu rõ hơn về Phật giáo để thực hiện đúng. Với một số nơi còn ngại truyền thống lâu ngày của bà con, Hòa thượng Thích Gia Quang nêu “trước hết cứ tuyên truyền, đem giáo lí nhà Phật ra để giải thích. Khi nói phải đem dẫn chứng cụ thể, làm sao để mọi người nghe, vừa tin vừa phục chứ không phải cứ nói cấm ngay được”. “Bỏ thì chưa chắc, nhưng giảm thì tôi tin Giáo hội làm được bởi họ là tổ chức với bộ máy quản lý tốt”, TS Trần Hữu Sơn nói.

Không riêng Phật giáo, các đền miếu của đạo Mẫu và cơ sở tín ngưỡng tôn giáo khác cũng gắn với tập tục đốt vàng mã từ lâu đời. Nhiều năm nay, Bộ VHTTDL kiên trì tuyên truyền hạn chế đốt vàng mã ở các di tích, lễ hội, nay chủ trương của Giáo hội Phật giáo thuận lợi hơn cho quá trình vận động người dân thực hành nghi lễ. “Tôi nghĩ cần có lộ trình, nghiên cứu căn cơ lí giải nguồn gốc, phong tục đó, rồi tình hình thực hành trong đời sống để tạo sự đồng thuận trong giảm thiểu và đi đến loại bỏ đốt vàng mã”, bà Trịnh Thị Thủy nêu quan điểm.

Theo TS Bùi Hữu Dược, Giáo hội đưa ra tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở thờ tự, gia đình phật tử văn hoá nên không chỉ dừng ở việc vận động người dân mà còn có cơ chế giám sát và kiểm tra quá trình thực hiện. Đốt vàng mã nằm trong tâm thức người Việt lâu đời không dễ loại bỏ, sau bước tuyên truyền TS Dược cho rằng cần có quy định chặt chẽ, tiến tới xử lý mạnh hơn. “Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ có công văn đề nghị với Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ và các ban ngành địa phương ủng hộ việc làm của Giáo hội, vận động và hướng dẫn người dân hạn chế tiến tới bỏ hẳn”, ông Bùi Hữu Dược cho biết.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động coi việc quản lý đốt vàng mã, đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định như nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý lễ hội. “Thanh tra liên ngành không chỉ đi kiểm tra trước lễ hội, tăng cường kiểm tra giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời nếu phát hiện vi phạm. Trước mắt, chúng tôi tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa và nét đẹp trong việc đi lễ sao cho văn minh, văn hoá”, ông Tô Văn Động nói.

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam với hàng triệu tăng ni, phật tử, với uy tín, tiếng nói và vai trò quan trọng của mình, nếu làm tốt công tác tuyên truyền vận động và thuyết phục thì chắc chắn sẽ cải thiện được tình hình”.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ 
Phó Chủ tịch thường trực, 
Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản

 

Cần thời gian để sửa sai

tS Nguyễn Văn Vịnh phân tích hoạt động đốt vàng mã mang tính biểu trưng, nhưng nhiều người không hiểu biết thì sử dụng nó như “sự mua chuộc, nịnh bợ, đút lót thần thánh và người chết, thể hiện lòng tham, si của con người”. “Nhiều trường hợp như ở đền bà Chúa kho, người ta dùng ô tô chở vàng mã, hệ quả chẳng những tốn kém mà còn nguy cơ hỏa hoạn, đủ thứ chuyện. Khi đốt vàng mã trở thành hủ tục, bây giờ đề xuất sửa cũng cần thời gian không phải cứ muốn cấm là được. Người ta không đốt ở chùa sẽ đốt nơi khác, tuy nhiên Phật giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống nên nhà chùa thực hiện sẽ có ảnh hưởng tốt. Các cao tăng cũng nên giải thích đốt vàng mã là hủ tục, mang tính mê tín”, TS Vịnh nói.

Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Gia Quang cho biết, chủ trương này trước mắt đề cao quá trình vận động bà con, khuyến nghị các cơ sở thờ tự thực hiện đến nơi đến chốn không nên nấn ná. Sau công văn này, Giáo hội nghĩ tới việc cần kết hợp với đoàn liên ngành, văn bản liên ngành với Bộ VHTTDL. “Giáo hội kết hợp với cơ quan quản lý nhà nước để soạn thảo ra Thông tư yêu cầu triển khai đồng bộ, theo tôi như thế khả thi hơn và cũng cần lộ trình từng bước”, Hòa thượng Thích Gia Quang nói. Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ đồng quan điểm, rằng nếu thực hiện chưa nghiêm cần có quy định chặt chẽ hơn, hướng xử lý mạnh hơn.

MỚI - NÓNG