Cá mập bị xẻ thịt ở Thanh Hóa có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn

Cá mập quý hiếm bị xẻ thịt ở Sầm Sơn.
Cá mập quý hiếm bị xẻ thịt ở Sầm Sơn.
TPO - Trong lúc Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho rằng cá 1 tấn bị xẻ thịt trên địa bàn không phải loài quý hiếm, các chuyên gia bảo tồn của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (IUCN) nhận định, cá thể cá nhám voi (cá mập hoa) bị ngư dân Thanh Hóa xẻ thịt hôm qua là loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn ngoài tự nhiên.

Chiều qua, trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh một cá thể cá nhám voi, còn gọi là cá mập hoa nặng hơn một tấn bị xẻ thịt, cắt khúc ngay trên bãi biển Sầm Sơn. Chính quyền địa phương sau đó xác nhận loài cá này không phải là loài quý hiếm, cấm đánh bắt.

Tuy nhiên, phản hồi thông tin này, các chuyên gia bảo tồn của IUCN cho biết, loài cá này nằm trong sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, cần được bảo vệ. Cụ thể, trong sách đỏ quốc tế, cá nhám voi được xếp vào nhóm EN trong cấp độ bảo tồn, tức là loài có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Ở Việt Nam, cá nhám voi có tên trogn sách đỏ đồng thời nằm trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Loài cá này cũng có trong danh mục Công ước CITES, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, buôn bán. Các hành vi đánh bắt, mua bán đều bị xử phạt.

Cá mập bị xẻ thịt ở Thanh Hóa có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn ảnh 1Hành vi đánh bắt, mua bán cá thể cá nhám voi có thể bị xử phạt từ 10-50 triệu đồng.

Nghị định 103/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định, hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (mức EN) có thể bị phạt tiền từ 10.000.000-50.000.000 đồng tùy khối lượng sinh vật.

Các chuyên gia bảo tồn cho biết thêm, cá nhám voi hay cá mập voi, mập hoa là một thành viên đặc biệt trong phân lớp Elasmobranchii (cá mập, cá đuối) của lớp Cá sụn (Chondrichthyes). Nó là loài cá mập lớn nhất và cũng là một trong những loài cá hiện còn sống có kích thước lớn nhất. Chiều dài của cá nhám voi khoảng từ 9–11 m, nặng từ 10-15 tấn. Chiều dài tối đa được kiểm chứng là 12,45 m, và khối lượng tối đa là 21,5 tấn.

Cá nhám voi có thể gặp tại các khu vực biển của Việt Nam, Thái Lan, Maldives, Hồng Hải, tây Úc (dải đá ngầm Ningaloo), khu bảo tồn hải dương Gladden Spit ở Belize, và tại quần đảo Galapagos. Những thợ lặn may mắn cũng có thể gặp chúng tại Seychelles, Puerto Rico và Philipin (Donsol).

Loài này bị suy giảm nghiêm trọng trong thế kỷ qua. Sách đỏ Việt Nam năm 2010 ghi nhận tình trạng loài này chỉ còn dưới 250 cá thể tại Việt Nam và sẽ ngày càng giảm do tình trạng đánh bắt. Trong khi trên thế giới, chỉ có 100 cá thể được nghiên cứu.

MỚI - NÓNG