Cá thể tê giác đực Sumatra cuối cùng của Malaysia đã chết

Cá thể tê giác đực Sumatra cuối cùng của Malaysia đã chết
TPO - Nỗ lực bảo tồn một trong 5 loài tê giác còn lại của thế giới đã trở nên mong manh khi Tam - cá thể đực cuối cùng của loài tê giác Sumatra đã chết hôm 27/5.

Tam là cá thể đực cuối cùng của loài tê giác Sumatra ở Malaysia. Được phát hiện gần một trang trại trồng cọ năm 2008, Tam được chuyển tới khu bảo tồn thiên nhiên Tabin ở Saba.

Để duy trì loài tê giác được đánh giá là “tuyệt chủng về chức năng” (số lượng cá thể không đủ để duy trì loài), các nhà bảo tồn đã nhân giống Tam với 2 cá thể tê giác cái, Puntung (được tìm thấy năm 2011) và Iman (được tìm thấy năm 2014). Tuy nhiên mọi nỗ lực nhân giống đều không thành công.

Tổ chức Marine LifeVietnam dẫn nguồn tin cho biết, với sự qua đời của Puntung năm 2017 rồi đến Tam, hiện Iman là cá thể tê giác Sumatra cuối cùng của Malaysia. Trong thông báo về cái chết của Tam, WWF-Malaysia kêu gọi: “Hãy để sự ra đi của Tam là thông điệp thức tỉnh chúng ta. Nếu chúng ta không hành động, không chỉ tê giác Sumatra mà còn nhiều loài động thực vật nữa sẽ tuyệt chủng. Thiên nhiên cần được bảo về và chúng ta là niềm hi vọng duy nhất của thiên nhiên.”

Tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis) là một trong năm loài tê giác hiện còn tồn tại trên trái đất. Chúng có kích thước nhỏ nhất trong năm loài tê giác, tuy nhiên vẫn lớn so với các động vật khác: cao 112-145 cm, dài 2.36-3.18 m, nặng 500-1000 kg. Tê giác Sumatra có hai sừng giống như các loài tê giác châu Phi. Tuổi thọ trung bình của chúng là từ 35-40 tuổi.

Theo ước tính hiện trên thế giới chỉ còn không đến 80 cá thể loài này, phân bố ở Kalimantan và Sumatra của Indonesia. Trong vòng 2 thập kỷ qua, số lượng tê giác Sumatra giảm đến 70%, chủ yếu là do nạn săn bắn trộm để lấy sừng. Ngoài ra, việc diện tích rừng bị thu hẹp làm mất môi trường sống của tê giác cũng là nguyên nhân quan trọng. 

Cùng với tê giác Sumatra, các loài tê giác khác cũng đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do nạn săn bắn lấy sừng. Tại Việt Nam năm 2011, cá thể tê giác Java cuối cùng được xác định đã chết, đánh dấu sự tuyệt chủng của loài tê giác Java tại Việt Nam. Hiện loài này chỉ còn một quần thể khoảng 40 con tại Indonensia.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.