Các bé trai có thể hung hăng hơn nếu thiếu sắt và vitamin B12

Các bé trai có thể hung hăng hơn nếu thiếu sắt và vitamin B12
TPO - Theo nghiên cứu mới đây của trường Đại học Y tế Công cộng Michigan, Mỹ, việc thiếu hụt sắt và vitamin B12 có thể khiến các bé trai trở nên hung hăng hơn. Được biết, để có thể đưa ra kết luận này, các nhà khoa học đã làm thí nghiệm với quy mô trên 3.200 trẻ em.

Cụ thể, thiếu hụt sắt và vitamin B12 trong máu có nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng về hành vi đối với các bé trai ở độ tuổi thứ 8. Các vấn đề về hành vi không chỉ thể hiện ở rối loạn tâm lý như lo lắng, trầm cảm, mà còn ở các biểu hiện sai lệch trong ứng xử như hung hãn và thiếu vâng lời.

Phát biểu trước báo giới về tình hình dinh dưỡng hiện nay, Giáo sư Eduardo Villamor – chuyên gia dịch tễ học tại trường đại học Y tế Công cộng Michigan đồng thời cũng là Tác giả chính của nghiên cứu khẳng định: “Thiếu sắt vẫn luôn là vấn đề phổ biến ở nhiều nơi thế giới. Bên cạnh đó, mặc dù các số còn hạn chế, nhưng theo những bằng chứng chúng tôi thu thập được, nếu không được cung cấp đầy đủ vitamin B12 cũng có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe đối với một số nhóm người nhất định”.

Giáo sư Villamor cùng đồng nghiệp đã thực hiện nghiên cứu trên với đối tượng là các trẻ em trong độ tuổi 5-12 đến từ các gia đình có thu nhập thấp và trung bình, bao gồm các học sinh của trường Tiểu học Bogota, thuộc dự án nghiên cứu dài hạn về dinh dưỡng và sức khỏe trên 3.200 trẻ em tại Bogota, thủ đô của Colombia.

Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy mối liên hệ giữa một số lượng lớn các vấn đề về sức khỏe với sự thiếu hụt những chất vi lượng. Nguyên nhân đến từ chế độ dinh dưỡng không đảm bảo  đủ thức ăn giàu nguyên tố vi lượng, như các thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu vitamin B12 và sắt.

Ngoài ra, qua các xét nghiệm máu về vi lượng tố, nhóm các nhà nghiên cứu cũng tiến hành đánh giá trực tiếp và liên tục đối với một phần ba số học sinh từ 6 tuổi trở lên. Dựa trên các dữ liệu thu thập được trong bản tự báo cáo của thiếu niên với mục tiêu xác định các vấn đề về cảm xúc và hành vi ở độ tuổi thiếu niên, họ khám phá ra rằng, thiếu sắt, thiếu máu và vitamin B12 dạng plasma khiến các bé trai ở độ tuổi thứ 8 có nguy cơ mắc phải các vấn đề về ứng xử cao hơn 10%, và 12% đối với các rối loại tâm lý so với trẻ em bình thường.

Theo Giáo sư Villamor, mối lo ngại này của Colombia hoàn toàn có thể xảy ra tại các quốc gia khác với những biểu hiện tương tự, tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề không phải lúc nào cũng phức tạp. Ông cho biết: “Ví dụ, đối với đối tượng nghiên cứu của chúng tôi, lượng vitamin B12 trong máu trên thực tế đã được cải thiện đáng kể chỉ sau 3 tháng thông qua các bữa ăn nhẹ của nhà trường”.

Trước đó, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy mối quan hệ giữa thiếu hụt sắt và những ảnh hưởng không mấy tích cực đối với sự lanh lợi, khả năng giữ bình tĩnh và tự điều chỉnh hành vi ở trẻ sơ sinh. Mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức nào về những ảnh hưởng tương tự đối với trẻ em ở độ tuổi lớn hơn, nhưng các vấn đề nói trên vẫn có thể trở nên nghiêm trọng theo sự phát triển của trẻ: từ những biểu hiện sai lệch giai đoạn thanh thiếu niên có thể phát triển thành rối loạn tâm thần vào độ tuổi trưởng thành.

Cụ thể, những thay đổi về cấu trúc trong hạch nền, hồi hải mã, hạch hạnh nhân cũng như vỏ não trước trán (những bộ phận chịu trách nhiệm phản ứng với các điều kiện môi trường theo các giai đoạn khác nhau của đời người) đều có thể gây ra những vấn đề về hành vi. “Nếu bạn đang thắc mắc liệu có phải hormone mới là nguyên nhân dẫn đến những hành vi nói trên ở thanh thiếu niên không, thì câu trả lời là không! Một số bộ phận của não phát triển trong suốt thời kỳ thơ ấu”. - Giáo sư Villamor cho hay.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng không tìm thấy bất kỳ biểu hiện tương tự nào ở các bé gái. Ông Villamor chia sẻ:  “Chúng tôi vẫn chưa thể tìm ra lời giải cho câu hỏi vì sao tình trạng này chỉ xảy ra ở các bé trai, mặc dù chúng tôi vẫn ý thức được cần tách bạch các nghiên cứu ở bé trai và bé gái, bởi những khác biệt về độ tuổi phát triển do giới tính có thể đưa tới các kết quả khác nhau. Trước đó, các thí nghiệm về thiếu hụt chất vi lượng trên loài chuột cũng cho thấy những ảnh hưởng khác biệt lên não giống đực và giống cái, tuy nhiên, điều đó có liên quan gì đến não người không còn là một ẩn số”.

Tham gia nghiên cứu còn có các nhà khoa học đến từ Đại học Michigan, Đại học La Sabana (Colombia) phối hợp với Cơ quan Nghiên cứu về Dinh dưỡng và Sức khỏe Colombia, dưới sự tài trợ của Quỹ Nghiên cứu ASISA trường Đại học Michigan.

MỚI - NÓNG