Cám cảnh 'quả đấm thép' của nền khoa học nước nhà

Một thiết bị được đầu tư hơn 10 năm trước vẫn đang được sử dụng tại Phòng thí nghiệm Công nghệ lọc, hóa dầu. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Một thiết bị được đầu tư hơn 10 năm trước vẫn đang được sử dụng tại Phòng thí nghiệm Công nghệ lọc, hóa dầu. Ảnh: Nguyễn Hoài.
TP - Tổng đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, được kỳ vọng là “quả đấm thép” của nền khoa học và công nghệ Việt Nam, thế nhưng sau hơn 10 năm đầu tư và đi vào hoạt động, các phòng thí nghiệm trọng điểm không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Thiết bị, máy móc xuống cấp trầm trọng, lạc hậu. Nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm phải loay hoay để tồn tại.

Bài 1: Lạc hậu như phòng thí nghiệm trọng điểm

Sau hơn 10 năm hoạt động, không có nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng hay thay mới, hàng loạt phòng thí nghiệm mang tên trọng điểm quốc gia nhưng máy móc, thiết bị lại rất lạc hậu so với khu vực và thế giới.

“Hỏng nhiều, lạc hậu lắm rồi”

Phòng thí nghiệm Công nghệ lọc, hóa dầu thuộc Viện Công nghiệp Hóa học Việt Nam là một trong 16 phòng thí nghiệm trọng điểm được thành lập theo quyết định 850/QĐ-TTg năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm. Phòng được đầu tư từ năm 2003 với số tiền là 66,241 tỷ đồng, trong đó 56,364 tỷ đồng đầu tư mua sắm các trang bị hiện đại, hầu hết từ các nước G7. Tuy nhiên, sau 13 năm hoạt động, hầu hết trang thiết bị này xuống cấp trầm trọng. PGS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm Công nghệ lọc, hóa dầu cho biết, một thiết bị điện tử có vòng đời ngắn, 5 năm là bắt đầu trục trặc.

Các thiết bị của phòng đầu tư 13 năm nay nên đã hết khấu hao, lạc hậu 1-2 thế hệ, nhiều thiết bị không thể sử dụng. “Hỏng nhiều lắm rồi nhưng chúng tôi thấy cần phải duy trì nên mỗi năm phải cứu sống một số thiết bị. Khoảng 70% thiết bị đầu tư ban đầu vẫn đang được duy trì. Tôi tin như thế đã là cao hơn nhiều so với các phòng thí nghiệm trọng điểm khác”, bà Hà nói. Trong khi đó, PGS Hà cho biết, xu hướng nghiên cứu của thế giới đã rất khác, bản thân nhu cầu nghiên cứu của Việt Nam ở từng giai đoạn cũng khác. Máy móc lạc hậu, không có tiền thay mới cũng ảnh hưởng nhiều đến nghiên cứu.

Giống như Phòng thí nghiệm Công nghệ lọc, hóa dầu, Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động  lực học sông biển (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cũng trong tình trạng cũ kỹ, lạc hậu. PGS.TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển cho biết, phòng thành lập năm 2001, hoạt động từ 2003 với số tiền đầu tư ban đầu 60 tỷ đồng, trong đó 48 tỷ đồng trang bị máy móc thiết bị. Sau thời gian hoạt động, 30% thiết bị khấu hao về không, nhiều thiết bị không dùng được, rất lạc hậu so với bên ngoài. 

Đầu tư ban đầu là 48 tỷ đồng nhưng trị giá thiết bị máy móc của phòng bây giờ chỉ còn hơn 10 tỷ đồng. Do không có tiền đầu tư mới, số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước eo hẹp nên các máy móc dù cũ, lạc hậu vẫn phải sử dụng. Ông Quỳnh nói: “Cái nào hỏng hẳn thì không dùng nữa, cái nào hỏng ít thì chúng tôi sửa, cố gắng 80% thiết bị vẫn phải dùng bởi nếu không hoạt động là chết. Dù vậy, 2-3 năm nữa những thiết bị này có hoạt động được không thì chúng tôi không dám bình luận”.

Phòng thí nghiệm trọng điểm Công  nghệ gene (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng cùng tình cảnh. Thành lập năm 2001, đi vào hoạt động từ 2006 với số tiền đầu tư 57,2 tỷ đồng. Trong đó 54 tỷ đồng để mua sắm thiết bị máy móc với 131 loại thiết bị hiện đại. Đến nay, dù 90% thiết bị vẫn hoạt động nhưng đều thuộc loại lạc hậu, lỗi thời. PGS.TS Đồng Văn Quyền, Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ gene cho biết, với thiết bị phục vụ nghiên cứu sinh học phân tử, gene thì năm năm đã lạc hậu trong khi máy móc của Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ gene đầu tư đã 15 năm, đã hết thời hạn sử dụng. Phải nói là lạc hậu lắm rồi.

Nhọc nhằn tồn tại

Mặc dù bị xuống cấp trầm trọng nhưng các Phòng thí nghiệm trọng điểm lại không được hỗ trợ để duy tu, bảo dưỡng. PGS.TS Vũ Thị Thu Hà cho biết Phòng thí nghiệm Công nghệ lọc, hóa dầu không nhận được bất kỳ nguồn đầu tư cho duy tu, bảo dưỡng hay thay mới thiết bị. Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của phòng thí nghiệm trọng điểm, các đơn vị này hoạt động theo quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (tự thu chi), phải tự lo toàn bộ tiền hoạt động, lương cán bộ, bảo dưỡng, duy tu máy móc.

Từ năm 2008,  có thêm quy định ngân sách nhà nước cấp hơn 1 tỷ đồng cho các phòng thí nghiệm trọng điểm để chi hoạt động thường xuyên, trong đó có tiền duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, Phòng thí nghiệm Công nghệ về lọc hóa dầu thuộc nhóm phòng thí nghiệm thuộc tập đoàn kinh tế (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) nên không nhận được sự đầu tư này. Phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng không hỗ trợ. “Ngoài 1-2 đề tài được giao theo nhiệm vụ nghiên cứu, chúng tôi phải tự lo từ tiền lương của cán bộ công nhân viên, tiền hoạt động bộ máy, tiền duy tu, bảo dưỡng máy móc”. 

Do phải tự chủ nên theo PGS Hà, để có thể thay mới các máy móc thiết bị đã lạc hậu là điều không thể. “Mỗi năm chúng tôi cố gắng dành khoảng 10% doanh thu của phòng để sửa chữa, bảo dưỡng máy móc. Tuy nhiên số tiền không thể đáp ứng được nhu cầu thay mới, duy tu”, bà Hà cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển, mặc dù phòng của ông có được hỗ trợ nhưng số tiền hỗ trợ quá ít, không xứng tầm với phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Ông Quỳnh cho biết, trong số hơn 1 tỷ đồng được hỗ trợ chi thường xuyên thì chỉ có 580 triệu đồng được dùng vào mục đích duy tu, bảo dưỡng máy móc, còn lại là tiền điện, nước, tiền hội nghị, hội thảo. Để có thể duy trì máy móc thiết bị, phòng thí nghiệm phải lấy tiền nghiên cứu ra để sửa chữa. 

Trong Đánh giá hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm do Bộ KHCN báo cáo Thủ tướng cũng khẳng định: “Một số trang thiết bị phòng thí nghiệm trọng điểm đã xuống cấp và lạc hậu, đặc biệt là trang thiết bị thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin có thời gian khấu hao ngắn và tốc độ đổi mới công nghệ nhanh. Do vậy hầu hết các thiết bị của lĩnh vực đã hết khấu hao và lạc hậu so với trình độ chung của khu vực và thế giới”.

Đề án phòng thí nghiệm trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2000. Chủ trương ban đầu đầu tư 16 phòng thí trọng điểm thuộc các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên (sau nâng thành 17 phòng). Tổng vốn đầu tư ban đầu 966,745 tỷ đồng, trung bình 60,4 tỷ đồng một phòng thí nghiệm trọng điểm. Mục tiêu: “Phòng thí nghiệm trọng điểm được nhà nước trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để đi đầu trong triển khai nghiên cứu cơ bản, triển khai nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ”. 

MỚI - NÓNG