Cấm đoán và sàng lọc

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
TP - Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra lời cảnh báo chính phủ của ông có thể cấm mạng xã hội Facebook và YouTube từ sau ngày 30/3. Trước đó, ông Erdogan còn chỉ trích Twitter như một “tai họa” vì đã giúp tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái.

Không chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ, rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng từ những lời kích động trên mạng Internet. Chính các mạng xã hội đã biến các cuộc biểu tình nhỏ lẻ ban đầu thành làn sóng cách mạng mùa xuân, cách mạng sắc màu, lật nhào một loạt chính thể ở A rập, Đông Âu. Nạn nhân gần đây nhất của Internet là Mỹ khi hàng loạt tài liệu tình báo mật bị công khai trên Internet.

Không thể phủ nhận Internet đã đem lại nhiều tiện ích cho xã hội hiện đại. Internet với các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube… đã quy tụ hàng tỷ người trên thế giới dưới một mái nhà chung, kéo mọi người xích lại gần nhau bất chấp khoảng cách về địa lý. Với những ưu thế vượt trội này, việc ngày càng có nhiều người sử dụng và ưa chuộng Internet là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, Internet cũng sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm khi số ít những kẻ ác ý lợi dụng để kích động cơn giận dữ của số đông. Nguy hiểm hơn, những thông tin tối mật bị tiết lộ đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ đã thừa nhận vụ các tài liệu mật bị tung lên mạng đã làm nhiều điệp viên mật của Mỹ bị bại lộ và sát hại…

Sự nguy hiểm của việc thông tin bị công khai không giới hạn trên mạng đã quá rõ buộc nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ, tính đến việc đối phó. Tuy nhiên, ngăn chặn Internet là một biện pháp gần như bất khả thi trong xã hội thông tin ngày nay. Các công ty công nghệ khi quyết định nội dung thông tin được phép đăng tải, cần xác định nội dung nào mang tính kích động, nội dung nào chỉ là phê bình đơn thuần. Tuy vậy, việc phân định rạch ròi không hề đơn giản chút nào.

Tùy theo các lý do riêng về tôn giáo, luật pháp, văn hóa… mỗi quốc gia sẽ có các tiêu chí khác nhau. Ấn Độ ngăn chặn các bài diễn thuyết của những nhóm Hindu cực đoan, Pháp cấm các hình ảnh của những nhóm theo chủ nghĩa da trắng độc tôn, Mỹ chặn hành vi sử dụng bất hợp pháp các tư liệu có bản quyền…

Có thể nói, thay vì cấm đoán Internet, sàng lọc thông tin sẽ là một biện pháp khả thi để ngăn chặn những nguy hiểm tiềm tàng đến từ những thông tin bóp méo, những hình ảnh dàn dựng cố ý được công bố trên Internet.

MỚI - NÓNG