Chuyên gia lên tiếng về dự án muối mỏ nghìn tỷ 'đắp chiếu' của Vinachem

Lễ ký gói thầu của dự án khai thác muối mỏ tại Lào. Ảnh: CTV
Lễ ký gói thầu của dự án khai thác muối mỏ tại Lào. Ảnh: CTV
TP - Chuyên gia kinh tế cho rằng, với dự án muối mỏ Kali đầu tư tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, cơ quan chức năng cần bóc tách nguyên nhân để từ đó tìm giải pháp tháo gỡ.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí  Hiếu, để một dự án (DA) có thể hoàn thành tốt đẹp với kinh phí đã dự trù và kế hoạch từ trước thì phải hội tụ nhiều điều kiện. Đầu tiên, DA đó phải có phương án tiền khả thi, phương án khả thi chuyên nghiệp và kế hoạch tài chính chi tiết, sát thực tế. Tiếp theo, ban quản lý dự án phải là những người thực sự liêm chính, có khả năng, có kinh nghiệm thực tế để điều hành và hoàn thành DA. Điều kiện cuối cùng là DA phải có sự giám sát thường xuyên của các cơ quan thuộc Chính phủ (3 tháng/lần hoặc 6 tháng/lần, muộn nhất là 1 năm/lần giám sát).

“Cơ quan chức năng cần kiểm tra những người có trách nhiệm. Nếu DA “đắp chiếu” do ban quản lý thiếu khả năng, không có sự giám sát hay phương án, kế hoạch lúc đầu không hội tụ đủ thì sẽ truy cứu trách nhiệm của người để xảy ra sự việc này”. Chuyên gia kinh tế  Nguyễn Trí Hiếu

“Khi có sự giám sát chặt chẽ, mỗi khi DA cần điều chỉnh sẽ được thực hiện ngay. Nếu có 3 yếu tố trên, các DA sẽ thực hiện đúng tiến độ và đúng kế hoạch tài chính đã đề ra”, ông Hiếu nói.

Trong trường hợp DA nửa chừng, tiền đã hết mà công trình mới được một phần, ông Hiếu cho rằng, phải có cách xử lý cụ thể. Ban quản lý DA phải xem các điều kiện (về DA tiền khả thi; giám sát…) có đúng hay không? Sau đó, cơ quan chức năng cần kiểm tra những người có trách nhiệm. Nếu DA “đắp chiếu” do ban quản lý thiếu khả năng, không có sự giám sát hay phương án, kế hoạch lúc đầu không hội tụ đủ thì sẽ truy cứu trách nhiệm của người để xảy ra sự việc này.

Sau khi tìm đủ các nguyên nhân, cơ quan chức năng trình lên Chính phủ phương án bổ sung. Phương án bổ sung phải giải trình xem nguyên nhân ở đâu và phương án kế hoạch sao có thể thay đổi, bổ sung thiếu sót trước đó.

Theo ông Hiếu, để bổ sung nguồn vốn, Chính phủ có một số cách thực hiện tuỳ thuộc và thực trạng của DA. Trường hợp, dù đã mất tiền đầu tư nhưng DA chưa làm đến đâu và có nguy cơ gây hậu quả nếu làm tiếp thì đành chấm dứt DA, chịu mất số tiền đã đầu tư và quy trách nhiệm cho người quản lý. Phương án thứ 2, nếu bổ sung nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và DA có hiệu quả thì phải làm rõ các điều kiện (tiền khả thi, cơ quan giám sát) mới bổ sung vốn.

“Trong trường hợp, DA phải tiếp tục vì nếu dừng lại sẽ uổng phí nguồn vốn đã đầu tư nhưng ngân sách không có thì phải tính đến hợp tác công tư theo hình thức PPP. Tôi có 3 giải pháp như trên. Trách nhiệm của cơ quan chủ quản phải cân nhắc để thực hiện theo giải pháp được xem là phù hợp nhất”, ông Hiếu nói.

Chuyên gia lên tiếng về dự án muối mỏ nghìn tỷ 'đắp chiếu' của Vinachem ảnh 1 Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tại lễ ký gói thầu số 10 của dự án khai thác muối mỏ tại Lào. Ảnh: CTV.

Gặp khó về công nghệ ngay khi triển khai

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, DA khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào của Vinachem ngay từ khi xây dựng DA đã được đánh giá là “có tính chất đặc thù, công nghệ mới, phức tạp và lần đầu tiên được Việt Nam thực hiện”. Khi được trình lên Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền, dự án được thẩm định khá kỹ.

Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/3/2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương thời điểm đó là ông Vũ Huy Hoàng đã ký Quyết định số 1284/QĐ-BCT phê duyệt DA đầu tư xây dựng công trình. Chỉ hai ngày sau đó, ngày 6/3/2013, Bộ KH&ĐT cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho DA khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào. DA cũng đã được Chính phủ Lào cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng và giấy phép hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đến ngày 24/4/2015, Hội đồng thành viên Vinachem có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu số 10 - EPC. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh nhà thầu TTCL-K-UTEC-CECO, với hình thức hợp đồng trọn gói giá 334,2 triệu USD. Thời gian thực hiện hợp đồng là 40 tháng. Trong đó CECO đảm nhiệm một phần công việc lớn của gói thầu với doanh thu khoảng 2.600 tỷ đồng (bao gồm cả phần Brine Field của K-UTEC), trong đó phần công việc do CECO trực tiếp đảm nhiệm có giá trị khoảng 1.600 tỷ đồng.

Mặc dù gói thầu EPC của DA có tính chất đặc thù, công nghệ mới, phức tạp và lần đầu tiên được Việt Nam thực hiện, nhưng bằng sự nỗ lực của các bên, toàn bộ nội dung của hợp đồng đã được thống nhất. Ngày 11/8/2015, Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất phê duyệt nội dung của hợp đồng và ủy quyền cho Vilachemsalt ký kết, quản lý việc thực hiện hợp đồng.

Trả lời tại họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều tối 2/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chủ đầu tư dự án mỏ Kali Lào là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, thực hiện theo thỏa thuận của Bộ Chính trị hai nước Việt Nam và Lào. Bộ Công Thương đang chờ ý kiến chính thức của Bộ Chính trị. “Bộ Chính trị cũng đã họp và chúng tôi đang chờ quyết định chính thức của Bộ Chính trị, sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo cũng như quy định của Bộ Chính trị và các quy định hiện hành”, người phát ngôn Bộ Công Thương cho hay.

Một cựu Ủy viên Hội đồng thành viên Vinachem cho hay, tại thời điểm trước năm 2010, khi ban lãnh đạo Vinachem bắt tay vào xây dựng dự thảo DA đầu tư, mọi khâu thẩm định đều cho thấy, DA có khả năng có lợi nhuận nếu làm đúng các kịch bản được đề ra thời điểm đó.

Tuy nhiên, sau này, khi giá Kali thế giới có nhiều biến động, tình hình tài chính của Vinachem bắt đầu có dấu hiệu xấu đi vì những tác động của các “đại dự án” đầu tư mà Vinachem rót vốn nhiều nghìn tỷ đồng, dự án vẫn được xúc tiến trong khi đáng lẽ cần dừng lại. Việc triển khai dự án tại thời điểm đó đã phát lộ những vấn đề liên quan đến công nghệ khai thác cũng như những khó khăn trong việc triển khai dự án. Tuy nhiên, rốt cuộc dự án vẫn được tiếp tục. Việc cần làm rõ trách nhiệm cũng như nguyên nhân của việc thúc đẩy dự án tại thời điểm đó cũng là việc nên làm.

MỚI - NÓNG