Có nên 'khai tử' thủy đài khổng lồ ở TPHCM

Có nên 'khai tử' thủy đài khổng lồ ở TPHCM
TPO - Thành phố Hồ Chí Minh đang cho tháo dỡ các thủy đài khổng lồ. Tuy vậy, cũng có luồng ý kiến cho rằng nên giữ và cải tạo các thủy đài này để sử dụng cho đúng mục đích.

Sau khi được UBND TP. HCM thống nhất phương án tháo dỡ, cụm thuỷ đài trên đường Nguyễn Văn Tráng (phường Bến Thành, quận 1) và Nguyễn Văn Đậu (phường 5, quận Bình Thạnh) đã bắt đầu tiến hành phá bỏ.

Giàn giáo công trình, lưới bảo vệ chống bê tông rơi ra ngoài khu vực dân cư đã được mang tới chờ che chắn cho việc tháo dỡ được thuận lợi. Tuy nhiên do thuỷ đài khổng lồ chỉ có lối đi thang sắt với kích thước nhỏ gây bất tiện cho việc lên xuống. Tận dụng lối cầu thang duy nhất, công nhân mang theo búa tạ, máy khoan leo lên thuỷ đài tiến hành việc phá bỏ phần mái đầu tiên.

Phần mái thủy đài được làm bằng bê tông lưới thép kiên cố. Công nhân phải tốn nhiều sức lực, dùng búa tạ đập liên tiếp khoảng 4 lần vào một điểm, mảng bê tông mới vỡ ra lộ khung lưới thép. Hiện phần mái thủy đài cơ bản đã được đập gần xong và công nhân chuẩn bị căng lưới để tháo dỡ phần thân.

Một công nhân chia sẻ: "Công trình này làm rất kiên cố, chúng tôi có 10 người, đã mất 3 ngày đập và khoan liên tục nhưng vẫn chưa thể giải quyết xong phần mái thuỷ đài. Với sự cố gắng hết sức lực thì hy vọng một ngày nữa sẽ phá xong toàn bộ phần mái để tiến hành căng lưới tháo dỡ phần thân".

 Thủy đài sau khi được tháo dỡ sẽ làm hồ chứa nước ngầm cũng như phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. 

Anh Trần Ngọc Hùng, chỉ huy trưởng công trình tháo dỡ thủy đài (Công ty TNHH MTV công ích quận 1) cho biết, dự kiến trong 3 tháng sẽ tháo dỡ xong thuỷ đài này.

Theo anh Hùng, quy trình sẽ đập phần mái trước, sau đó sẽ dùng máy cắt thân thủy đài thành từng mảng và bắn nát đưa theo máng xuống đất. Xà bần sẽ được xe tải chở đi đổ ở các bãi phế thải hoặc mang đến những nơi nào cần san lấp mặt bằng.

Trên địa bàn TP.HCM hiện có gần chục thủy đài khổng lồ cao khoảng 30m, đều xây dựng trước những năm 1975 nhưng hầu như bỏ hoang, có dấu hiệu xuống cấp gây nguy hiểm, UBND TP đã thực hiện từng bước tháo dỡ.

Có 7 thủy đài được UBND TP thống nhất tiến hành tháo dỡ tại các vị trí: đường 3 Tháng 2 (phường 10, quận 10), đường Lê Đại Hành (phường 7, quận 11), đường Nguyễn Văn Đậu (P.5, Q.Bình Thạnh), đường Hồ Văn Huê (phường 9, quận Phú Nhuận), đường Hoàng Diệu (phường 13, quận 4), đường Trần Hưng Đạo (phường 6, quận Gò Vấp), đường Nguyễn Thái Sơn (Phường 4, quận Gò Vấp). Chỉ riêng thủy đài cạnh công trường Quốc tế (quận 3) được giữ lại làm di tích lịch sử.

Thế nhưng phải thấy rằng những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu dường như chẳng bỏ cái gì được coi là "ký ức".  Họ giữ một số thủy đài nguyên mẫu, một số khác chuyển thành khách sạn, văn phòng làm việc, thư viện cho thiếu nhi, phòng triển lãm chuyên đề. Dưới bàn tay tài hoa của các kiến trúc sư, thủy đài trở nên đẹp lung linh, hấp dẫn khách du lịch tham quan. 

MỚI - NÓNG