Hà Nội:

Có nên trồng phượng ở dải phân cách?

Hàng phượng được trồng trên đường Xã Đàn, mỗi cây cách nhau chừng 3-5 mét. Ảnh: Như Ý
Hàng phượng được trồng trên đường Xã Đàn, mỗi cây cách nhau chừng 3-5 mét. Ảnh: Như Ý
TP - Nằm trong mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội trồng thêm 1 triệu cây xanh, mới đây thành phố Hà Nội đã cho  trồng 300 cây phượng trên dải phân cách một số tuyến phố. Sự kiện này đang nhận được những ý kiến trái chiều.

Phóng viên Tiền Phong ghi nhận, trên nhiều tuyến phố đã được trồng mới nhiều hàng cây phượng. Đây đều là những cây trưởng thành. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội  đã trồng được hơn 300 cây ở dải phân cách tại các tuyến phố như Trần Khát Chân, Xã Đàn, Kim Liên - Hoàng Cầu, Tây Sơn, Láng Hạ, Giải Phóng…

Anh Hoài, một lái xe taxi tại Hà Nôi cho rằng: Là người thường xuyên đi lại trên đường, có thêm bóng mát ai cũng muốn. Nhưng phải cẩn thận khi cây mọc cành, ngoắc ra ngoài thì rất nguy hiểm. Anh ví dụ những cây bằng lăng trên đường Kim Mã, dù trồng ở vỉa hè nhưng có đợt cành mọc chìa ra ngoài, xe to đi không để ý rất dễ va quệt.

Ở Hải Phòng, không ai trồng phượng ở dải phân cách          

Một lãnh đạo Cty TNHH MTV Cây xanh Hải Phòng thông tin: Ở Hải Phòng không ai trồng cây phượng giữa dải phân cách. Lý do dải phân cách cần độ rộng phù hợp để cây có nguồn dinh dưỡng để phát triển. Đánh giá về những cây phượng đang được trồng ở Hà Nội, vị này cho rằng: Về mặt mỹ quan, cây phượng có tỷ lệ khối tích cây xanh (chiều dày của tán lá) thấp hơn những loài như sấu, sữa, me… nên hiệu quả che nắng nóng cũng ít hơn. Đồng thời, do tán lá phải thường xuyên cắt để đảm bảo giao thông nên cây phượng sẽ thiếu quang hợp và không đẹp. “Ngoài ra, các chuyên gia hết sức lưu ý việc sức kháng bệnh của phượng thấp, hay bị sâu mục thân cây. Có những cây bên ngoài rất khỏe nhưng bên trong thì đã bị mục rồi”, vị này nói.

Theo ông Triệu Văn Hùng (Hội Khoa học Kỹ thuật và Lâm nghiệp Việt Nam) phần đất ở dải phân cách giữa tại các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội ngoài việc diện tích chật hẹp, thường không ổn định bởi có thể trong tương lai sẽ mở rộng đường, làm công trình ngầm hay đường sắt trên cao. Do đó, trồng cây lâu năm tại vị trí này là không hợp lý. Ở một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan,  có thể trồng cây ở dải phân cách nhưng họ thường lựa chọn các cây tán lùm để trang trí hoặc cây hoa tầm thấp chứ không lựa chọn những cây lâu năm, cần nhiều không gian như phượng.

Ông Hùng cho rằng, Hà Nội trồng phượng ở vỉa hè sẽ hợp lý hơn, vì khi cây trưởng thành sẽ tạo bóng mát cho người đi bộ. “Hà Nội cần tính kỹ lưỡng hơn để khi trồng những cây phượng trưởng thành sẽ phát huy hết công năng của nó. Còn trồng ở dải phân cách theo tôi là chưa phù hợp lắm, vì vị trí này chủ yếu là các phương tiện lưu thông”, ông Hùng phân tích. Bên cạnh đó, theo ông Hùng cũng phải tính toán lại vì phượng có vòng đời khá ngắn, chỉ khoảng 30-40 năm nên không phù hợp lắm để trồng ở đô thị.

Cần thử nghiệm và nghiên cứu kỹ

Tuy nhiên, vẫn có không ít những ý kiến ủng hộ việc trồng cây cao ở dải phân cách. TS. KTS Phó Đức Tùng, chuyên gia độc lập về kiến trúc và quy hoạch đô thị cho rằng: Có rất nhiều nước trên thế giới cũng đang trồng cây tại dải phân cách, nên việc Hà Nội cho trồng cây phượng là điều bình thường. Cái lợi của cây xanh ở dải phân cách là độ che phủ lớn, cây phát triển tốt mà không bị vướng hạ tầng (đường điện, cáp ngầm, đào xới vỉa hè…). Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, các cây xanh ở Hà Nội đang trồng không có kỹ thuật. Trên thế giới, cây xanh trồng phải có các loại giá thể hỗ trợ, những giá thể này như những viên sỏi nung, đảm bảo độ nén, cung cấp dinh dưỡng, tạo các mao dẫn nước cho cây. “Có như vậy, cây xanh mới phát triển tối đa, khỏe mạnh và không bị ảnh hưởng bởi đô thị hóa”, KTS. Phó Đức Tùng nhận xét.

Một chuyên gia ngành lâm nghiệp đô thị (Đại học Lâm nghiệp) cho biết, phượng nằm trong danh mục cây đô thị, phù hợp trồng ở dải phân cách. Tuy nhiên, cần lưu ý trung bình cây phượng xòe tán từ độ cao 2 mét trở lên, nên khi trồng ở dải phân cách, nếu không cắt tỉa thường xuyên có khả năng che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng đến an toàn của người đi đường. Chuyên gia này cũng khuyến cáo cần xem xét kỹ khoảng cách trồng giữa các cây, vì cây phượng trưởng thành nếu có quá ít đất sẽ khó phát triển bộ rễ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó giám đốc Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, việc trồng phượng được nghiên cứu kỹ càng, quy trình trồng bài bản. Thời gian tới, Cty đang khảo sát một số tuyến phố để tiếp tục trồng thêm. Việc trồng cây xanh là 1 trong 4 nhiệm vụ lớn của thành phố giai đoạn 2016 - 2020: Trồng thêm một triệu cây xanh; cắt tỉa, đảm bảo tổng thể đồng bộ, đạt tiêu chuẩn mỹ quan đô thị; phát triển các vườn ươm theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng thêm 25 công viên, trong đó ít nhất 5 công viên đạt chuẩn quốc tế.

MỚI - NÓNG