Những đột phá trong nghiên cứu về quá trình lão hóa:

Đã tìm thấy phương thuốc 'cải lão hoàn đồng'?

Đã tìm thấy phương thuốc 'cải lão hoàn đồng'?
Dù biết lão hóa là quá trình một đi không trở lại, nhưng các nhà khoa học đã chứng tỏ được rằng một số khía cạnh của tình trạng này có thể đảo ngược.

Trong báo cáo mới đăng trên chuyên san Cell, một nhóm chuyên gia của Đại học Harvard (Mỹ) đã sử dụng một hóa chất để trẻ hóa cơ ở chuột thí nghiệm. Kết quả cho thấy: quá trình này tương đương với việc chuyển đổi bó cơ ở đối tượng 60 tuổi trở về với trạng thái 20 tuổi, đem lại hi vọng cho mơ ước “cải lão hoàn đồng” và trở nên bất tử của loài người.

Lý thuyết “cải lão hoàn đồng” này có thể thấy rõ nhất khi các nhà khoa học nghiên cứu ra tế bào gốc phôi thai. Người ta thấy rằng, khi trứng và tinh trùng kết hợp với nhau thì chỉ sau 4-6 tiếng sẽ tạo ra được một loại tế bào gốc có khả năng biệt hóa thành bất cứ tế bào nào khác trong cơ thể. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, cũng như các ứng dụng tế bào gốc phôi thai gặp phải sự phản đối vì liên quan đến pháp lý và đạo lý.

Đã tìm thấy “thuốc trẻ hóa”?

Các nhà khoa học Mỹ gây ấn tượng mạnh khi khám phá một cơ chế hoàn toàn mới của quá trình lão hóa, và cứ thế đảo ngược lại toàn bộ tiến trình này. Họ tập trung vào một hóa chất gọi là NAD. Kết quả quan sát cho thấy hàm lượng của chất này sụt giảm một cách tự nhiên trong toàn bộ các tế bào khi đối tượng già đi theo thời gian. Cùng với sự biến mất dần của NAD, chức năng của ti thể - cỗ máy năng lượng nội tại của tế bào - cũng đình trệ hoạt động, dẫn đến giảm năng suất và khiến tế bào bị lão hóa.

Các thí nghiệm rất tinh vi đã chỉ ra rằng: nỗ lực nâng cao hàm lượng NAD trong các tế bào, bằng cách bổ sung hóa chất giúp chuyển hóa thành NAD một cách tự nhiên, có thể đảo ngược quá trình hủy hoại tế bào theo thời gian. Các nhà khoa học đã bơm vào những con chuột thử nghiệm một chất enzyme gọi là télomérase để sửa chữa những tế bào bị hư hại và đảo ngược những dấu hiệu của lão hóa.

Theo đó, một tuần bổ sung “thuốc trẻ hóa” này cho chuột 2 tuổi có thể giúp cơ bắp của chúng quay về tình trạng hoạt động như lúc 6 tháng tuổi về mặt chức năng ti thể, loại bỏ chất thải độc hại trong cơ, ngăn chặn viêm nhiễm và kháng insulin.

Hiện nhóm chuyên gia vẫn tiếp tục cuộc nghiên cứu, với giai đoạn thử nghiệm lâm sàng dự kiến vào năm 2015. Tuy nhiên, thử nghiệm trên người sẽ phức tạp hơn vì khi đến tuổi trưởng thành, chất enzyme télomérase không hoạt động nữa, để tránh cho các tế bào tiếp tục phát triển một cách vô tổ chức và biến thành các tế bào ung thư. Ngoài ra, NAD chỉ là một khía cạnh của một vấn đề lớn, trong khi các yếu tố khác góp phần vào tình trạng già đi của tế bào vẫn chưa được giải quyết, chẳng hạn như tình trạng ngắn đi của các telomere (đoạn cuối của nhiễm sắc thể) hoặc tổn hại đối với ADN, vốn chưa thể được đảo ngược.

Gần như độc lập với những đồng nghiệp Mỹ, các nhà khoa học Siberia cũng vừa tuyên bố tìm ra một loại thuốc “cải lão hoàn đồng” độc đáo. Thuốc được tạm thời đặt tên G5 và đã được thử nghiệm với kết quả tốt trên động vật. Nhóm các nhà khoa học tại Novosibirsk và Tomsk chia chuột thí nghiệm làm 2 nhóm, trong đó nhóm 1 dùng thuốc và nhóm 2 để đối chứng. Khi chúng được 18 tháng tuổi, họ nhận thấy sự khác biệt rõ ràng: những con chuột nhóm 2 bắt đầu thể hiện sự già nua (rụng lông, giảm cân và mắc các bệnh thường gặp do tuổi tác). Trong khi đó, những con chuột thuộc nhóm 1 đến khi 30 tháng tuổi vẫn chưa thấy có các triệu chứng này.

Phân tích sự khác biệt, người ta thấy chuột nhóm 1 có số lượng tế bào gốc vượt trội so với chuột nhóm 2. Thông thường trong quá trình trưởng thành và lão hóa, số tế bào này giảm mạnh. Rõ ràng là nhờ G5, số tế bào gốc đã tăng khoảng 40%, giúp toàn bộ hệ thống của cơ thể thực hiện rất hiệu quả chức năng của mình.

Các nhà khoa học tin rằng ngoài tác dụng chống lão hoá, G5 còn tác dụng rất tốt trong điều trị các bệnh về gan, hệ thần kinh và phổi. Hơn nữa, loại thuốc này sẽ đóng góp lớn vào việc cải thiện trí nhớ và như vậy, không chỉ kéo dài tuổi thọ mà kéo dài tuổi làm việc, hoạt động sáng tạo của con người.

Vẫn biết, lão hóa là một tiến trình mà cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa thấu hiểu hết. Như vậy, còn quá sớm để trả lời câu hỏi về hiện thực của giấc mơ cải lão hoàn đồng đã có từ nhiều thế kỷ qua.

Dù vậy, giới khoa học đánh giá rất cao các kết quả nghiên cứu trên, và cho rằng cần tìm hiểu thêm các cơ chế trước điều chế thuốc giúp phần nào xóa bỏ ảnh hưởng của thời gian đối với các cơ thể sinh vật. Đây được coi là một bước tiến quan trọng tác động đáng kể đến chính sách y tế công cộng, nếu nó được áp dụng trên con người. Khi đó, nhân loại sẽ bớt đi những vấn đề y tế do tiến trình lão hóa và chất lượng cuộc sống được kéo dài cho một dân số ngày càng già đi.

Đã tìm thấy phương thuốc 'cải lão hoàn đồng'? ảnh 1

Các thí nghiệm ở chuột đã chỉ ra những “chìa khóa” tiềm năng nhằm ngăn chặn quá trình lão hóa như telomerase hay NAD.

Tranh cãi về công nghệ tế bào gốc

Việc xuất hiện G5 cùng những liên quan tới tế bào gốc tiếp tục hâm nóng sự thần kỳ và những bước tiến của công nghệ này. Thông tin về thành tựu ứng dụng tế bào gốc quả thực đang hấp dẫn giới truyền thông toàn cầu, được “săn lùng” và truyền bá rộng rãi. Vài thập kỷ qua, những đột phá của công nghệ tế bào gốc trong việc làm đẹp và làm chậm quá trình già hóa đã thu hút nhiều lãnh đạo quốc gia, doanh nhân tài ba, ca sĩ hay diễn viên danh tiếng đổ về Thụy Sĩ, Đức và Nhật Bản để được tiêm tế bào gốc với giá “khủng” nhằm đổi lấy sự “thanh tân”.

Về mặt lý thuyết, công nghệ tế bào gốc có khả năng giúp con người thực hiện giấc mơ trường sinh bất lão. Tế bào gốc có khả năng tăng sinh nhiều, trong quá trình tăng sinh nó tự làm mới và trở lại trạng thái non trẻ ban đầu - tức là trẻ mãi không già. Do vậy, người ta nghĩ đến chuyện: khi các tế bào trong cơ thể già đi hoặc bị hư hại thì lấy tế bào gốc để tái tạo và thay thế, như vậy con người sẽ cải lão hoàn đồng và trở nên bất tử? Tuy nhiên, tất cả chỉ là lý thuyết khi trên thực tế chưa hề có công trình nào thực hiện được điều này.

Mỹ là nước đi đầu trong công nghệ tế bào gốc và lĩnh vực này nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính phủ. Trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống George W. Bush đã cấm dùng ngân sách liên bang nghiên cứu tế bào gốc phôi - thai vì cho rằng như thế là vi phạm đạo đức xã hội. Thế nhưng chỉ sau 30 ngày tiếp quản Nhà Trắng, ông Barack Obama đã ký sắc lệnh hủy bỏ lệnh cấm của người tiền nhiệm và góp phần quan trọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ tế bào gốc tại đất nước này.

Năm 2012, giải thưởng Nobel Y Sinh học được trao cho hai nhà khoa học đến từ Anh và Nhật Bản với đề tài “Tế bào trưởng thành có thể tái lập trình để trở thành các tế bào đa năng”. Đây là lần thứ ba và hai lần liên tiếp trong năm năm (2007 - 2012) công nghệ tế bào gốc được vinh danh với giải thưởng danh giá này. Hai nhà khoa học đã tạo nên một cuộc cách mạng về y học nhờ khám phá khả năng chuyển đổi tế bào đã trưởng thành ngược lại thành tế bào gốc toàn năng nhân tạo.

Sự kiện này một lần nữa khẳng định khả năng thần kỳ của tế bào gốc với đời sống con người, mở ra khả năng ứng dụng to lớn trong điều trị nhiều loại bệnh phức tạp và ứng dụng vào mỹ phẩm có nguồn gốc sinh dược.

Tuy nhiên, dù chưa nên hình hài gì nhưng bản chất của tế bào gốc phôi thai là một sinh mạng (bởi từ khi trứng được thụ tinh là đã có sự hiện diện của một con người). Không thể chấp nhận việc tạo ra một phôi người, sau đó chỉ lấy các tế bào gốc rồi hủy bỏ, đồng thời sử dụng tế bào đó để tạo ra các bộ phận cấy ghép cho các bộ phận hư hỏng ở một người khác. Việc này giống như lấy đi mạng sống của một người để cứu một người khác. Do đó, hiện nay khoa học tập trung vào nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành lấy trong tủy xương, máu và mô mỡ.

Hướng nghiên cứu để con người bất tử cũng là việc không nên, bởi không phù hợp với đạo lý và quy luật tự nhiên. Các ứng dụng tế bào gốc hiện nay cũng không nhằm vào mục đích tạo ra loại thuốc trường sinh bất lão, mà chủ yếu hướng đến mục đích chữa bệnh cứu người, tăng chất lượng sống của nhân loại. Khi công nghệ tế bào gốc chưa ra đời thì hướng đi của y học là “tàn sát để cứu người”, tức là cái gì hỏng thì cắt bỏ hoặc tìm cách để tiêu diệt nó. Tuy nhiên, với những triển vọng từ ứng dụng tế bào gốc thì các nghiên cứu đã đi theo một hướng khác: tái tạo và thay mới.

Có thể nói công nghệ tế bào gốc đang hình thành nền y học tái tạo và là tương lai của y học thế giới. Nhân loại sẽ được hưởng thụ những thành tựu này của công nghệ tế bào gốc, đặc biệt các bệnh nhân bị các bệnh di truyền hiếm gặp, thậm chí ung thư và HIV/AIDS, đều có cơ hội được chữa khỏi. Gần đây nhất, các nhà khoa học Australia đã thành công trong việc tạo ra một quả thận sơ khai từ tế bào gốc lấy từ da, hướng đến tạo ra nguồn thận dồi dào cho những bệnh nhân cần thực hiện ghép thận.

Nhờ mạnh dạn đưa công nghệ tế bào gốc vào máu thịt của mình, con người đã tỏ ra dũng cảm và thông minh hơn. Người ta nhận ra rằng tế bào gốc “có đủ tầm” để cứu vớt con người từ A đến Z. Tuy nhiên, việc nghiên cứu tế bào gốc còn gắn với hành lang pháp lý và các nguyên tắc đạo lý sinh học. Con người cần biết cách nhận ra các giới hạn trong nghiên cứu và trách nhiệm của mình khi đối diện với “tuyệt tác của tạo hóa” là tế bào gốc. Đó cũng là lời giải cho việc vì sao không nên sa vào hướng nghiên cứu đến mục đích giúp con người có khả năng cải lão hoàn đồng hay trở nên bất tử. Việc nghiên cứu chỉ nên dừng lại ở mục đích giúp con người khỏe hơn, thọ hơn và đẹp hơn…

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG