Đắk Nông vào vòng đề cử Công viên địa chất toàn cầu

Chuyên gia xuống hang động núi lửa Chư Bluk để nghiên cứu
Chuyên gia xuống hang động núi lửa Chư Bluk để nghiên cứu
TPO - Trước sự chứng kiến của đông đảo phái đoàn các quốc gia thành viên tại trụ sở UNESCO, Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu đã công bố 11 bộ hồ sơ được GGN đề cử để UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu, trong đó có hồ sơ của tỉnh Đắk Nông.

Ngày 24/9/2019, bà Lương Thị Tuất (cán bộ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (Global Geoparks Network, viết tắt là GGN) vừa email thông báo tin vui. GGN là mạng lưới phục vụ công tác quản lý thuộc Ủy ban Khoa học Trái đất và Sinh thái, của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

Đắk Nông vào vòng đề cử Công viên địa chất toàn cầu ảnh 1

Bà Lương Thị Tuất (giữa) cùng TS. Tsutomu Honda- Chủ tịch Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản (áo vàng) và các cộng sự trên đường vào hang động

Qua email, GGN công bố nội dung cuộc họp của Chương trình Khoa học Địa chất và Công viên Địa chất vừa được tổ chức ngày 20/9/2019 tại trụ sở UNESCO (Paris-Pháp), với sự tham gia của đông đảo phái đoàn các quốc gia thành viên. Trong đó, có phần TS Guy Martiny- Chủ tịch GGN chính thức trình lên UNESCO 11 hồ sơ CVĐC được chấp nhận, sau cuộc họp Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO diễn ra mới đây tại Indonesia.

Đắk Nông vào vòng đề cử Công viên địa chất toàn cầu ảnh 2  Đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông, do bà Tôn Thị Ngọc Hạnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu,  tại Hội nghị Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO vừa tổ chức tại Indonesia

Danh sách 11 hồ sơ Công viên Địa chất (CVĐC) được GGN đề cử lần này gồm: 2 hồ sơ của Canada; 2 của Trung Quốc; 2 của Tây Ban Nha, 1 của Phần Lan, 1 Hàn Quốc, 1 của Thổ Nhĩ Kỳ, 1 của Việt Nam và 1 của Nicaragua. Ngoài ra còn có 5 hồ sơ đã được trình vào những năm trước đây, nhưng bị GGN trì hoãn do chưa đáp ứng các tiêu chí, nay mới được GGN chấp nhận, gồm 1 của Anh, 1 của Serbia, 1 của Indonesia, 1 của Bồ Đào Nha và 1 của Nga.

Sau khi xem xét hồ sơ nào được chính thức công nhận tư cách thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu, UNESCO sẽ công bố kết quả vào tháng 4/2020.

Đắk Nông vào vòng đề cử Công viên địa chất toàn cầu ảnh 3 Hệ thống hang động núi lửa Chư Bluk sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn của CVĐC Đắk Nông

Trong gần 5 năm qua, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã ráo riết xúc tiến nhiều phần việc xây dựng Công viên địa chất toàn cầu, nhằm thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư và phát triển du lịch. Công viên địa chất Đắk Nông được khoanh vùng diện tích rộng hơn 4700km2, gồm 6 huyện thị có thế mạnh về bản sắc văn hóa, di tích, thắng cảnh là Krông Nô, Cư Jut, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và Gia Nghĩa.

Trong đó có việc mời nhiều đoàn chuyên gia trong và ngoài nước đến Đắk Nông triển khai các dự án nghiên cứu, từ sau cuộc họp báo về việc phát hiện được hệ thống hang động núi lửa Chư Bluk lớn nhất Đông Nam Á tại huyện Krông Nô.

Đắk Nông vào vòng đề cử Công viên địa chất toàn cầu ảnh 4 Trong hang động núi lửa Chư Bluk, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hài cốt người tiền sử sống cách đây hơn 6000 năm

Hiện Việt Nam đã có 2 Công viên địa chất toàn cầu được công nhận, là Cao nguyên đá Đồng Văn (2010) và Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng ( 2018). UNESCO hiện có 195 quốc gia thành viên với hơn 50 văn phòng và trung tâm trực thuộc đặt khắp nơi trên thế giới, có hoạt động thường niên về giám sát và xem xét công nhận các di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản tư liệu thế giới, công viên địa chất toàn cầu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại...

MỚI - NÓNG