[Đánh giá] Ford Ranger 2015: Xây chắc ngôi vương

[Đánh giá] Ford Ranger 2015: Xây chắc ngôi vương
TPO - Không đợi các đối thủ có thời gian nâng cấp những chiếc bán tải của mình, Ford tiếp tục nâng cấp Ranger lên phiên bản 2015, thay đổi thiết kế nội ngoại thất, đồng thời trang bị thêm hàng loạt tính năng đẳng cấp, qua đó xây chắc ngôi vị xe pick-up bán chạy nhất Việt Nam.

Để đánh giá 1 chiếc xe bán tải, những cung đường khó khăn đã được lập ra, với đầy đủ đường cao tốc, leo dốc, đổ đèo, vượt đường đá sỏi gồ ghề hay bùn lầy trơn trượt. Đó là hơn 800 km cung đường đầy thử thách, đi qua hàng loạt các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Chừng đó thử thách đủ để cảm nhận được sức mạnh cùng sự ổn định, thoải mái của "ông vua" xe bán tải tại Việt Nam, Ford Ranger. Thử nghiệm được tiến hành trên chiếc Ford Ranger Wildtrak 3.2L 4x4AT, cũng là phiên bản cao cấp nhất tại Việt Nam.

Thiết kế mạnh mẽ và thông minh

So với các đối thủ cùng phân khúc, Ranger được thừa hưởng những đường nét thiết kế của chiếc SUV cỡ lớn Ford Everest thế hệ mới (chưa ra mắt tại Việt Nam), vì vậy nó đẹp hơn, ấn tượng hơn và mạnh mẽ hơn.

So với thế hệ trước, Ranger 2015 đẹp hơn nhiều, đặc biệt ở phần đầu xe, với lưới tản nhiệt hoàn toàn mới vươn cao ngạo nghễ, đèn sương mù không còn tròn tròn thông dụng nữa, mà như 1 đèn pha thu nhỏ.

[Đánh giá] Ford Ranger 2015: Xây chắc ngôi vương ảnh 1

Những đường nét mới kết hợp với "thể hình" to lớn của tiền nhiệm khiến Ranger 2015 trở nên toàn diện hơn ở ngoại hình. Với thiết kế ngoại thất mới, Ranger trở nên sang trọng hơn và phù hợp hơn với 1 chiếc Pick-up chạy phố, bên cạnh ưu thế chính là trên những cung đường xa xôi khó khăn.

Bên trong xe, "Thông minh" là 2 từ ngắn gọn nhất để diễn tả. Tiếp tục thừa hưởng những đường nét và cả chi tiết của Ford Everest thế hệ mới, Ranger có một không gian nội thất bố trí thông minh, tràn đầy công nghệ và các nút bấm, sắp xếp khoa học theo kiểu Mỹ.

Điểm trừ duy nhất của nội thất Ranger 2015 là không có cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau. Ngoài ra với những người khó tính, việc không sở hữu nút khởi động Start/Stop cũng có thể là điểm trừ nhỏ, dù phần lớn những tay chơi Pick-up là người mạnh mẽ, và ưa thích việc cắm, rút chìa khóa cổ điển.

[Đánh giá] Ford Ranger 2015: Xây chắc ngôi vương ảnh 2

Toàn bộ khu vực táp-lô được bố trí cân đối, dù người lái vẫn dễ dàng sử dụng tất cả các nút bấm không mấy khó khăn. Trung tâm mặt táp-lô là màn hình cảm ứng 8 inch, có thể điều chỉnh hầu hết mọi thứ chỉ cần màn hình này mà không cần quan tâm tới những nút bấm bên dưới, từ kết nối, radio, nghe nhạc hay bản đồ.

Trên vô lăng là rất nhiều nút bấm giá trị mà Ranger trội hơn các đối thủ. Bên cạnh kết nối Bluetooth với điện thoại, nghe gọi rảnh tay (kết nối SYNC 2), các nút bấm xung quanh vô lăng còn có thể xem các thông tin hành trình và thông tin của xe, cài Cruise Control, bật cảnh báo làn đường, hay thậm chí điều khiển khả năng đổ đèo của xe khi sử dụng Hỗ trợ đổ đèo.

[Đánh giá] Ford Ranger 2015: Xây chắc ngôi vương ảnh 3

Ford SYNC 2

Đây là thứ khiến Ford Ranger khác biệt hoàn toàn với những chiếc bán tải trên thị trường: Khả năng điều khiển bằng giọng nói. Bấm một nút nhỏ trên vô-lăng và bắt đầu ra lệnh, SYNC 2 trên Ford Ranger sẽ biết cần phải làm gì.

Với những khẩu lệnh bằng tiếng Anh, người lái có thể dễ dàng ra lệnh cho chiếc xe. Từ thay đổi nhiệt độ trong xe, tới chuyển kênh Radio, chuyển bài hát, hay gọi điện thoại cho người thân, tất cả đều có thể ra lệnh bằng giọng nói, mà người dùng chỉ cần học khoảng vài giờ là có thể sử dụng thành thạo.

[Đánh giá] Ford Ranger 2015: Xây chắc ngôi vương ảnh 4

Khi cảm thấy lạnh, người lái có thể tăng nhiệt độ bằng cách nói “warmer” (ấm hơn). Yêu cầu nhiệt độ 26, nói “Temperature 20 degrees”.

Người lái chỉ cần nói tên ca sĩ hay tên bài hát được lưu trữ trong điện thoại hay máy MP3, SYNC 2 sẽ tìm đúng theo yêu cầu đó. Thậm chí, tính năng SYNC còn có thể trả lời những câu hỏi của người lái như “what’s playing?” (đang chơi bài gì vậy?) hay nhận yêu cầu “play similar” (Hãy chơi bài hát tương tự).

Với riêng hệ thống ra lệnh gọi điện thoại cho SYNC 2, vì tên tiếng Việt thường rất khó để một hệ thống tiếng Anh hiểu được, có 1 cách nho nhỏ. Thử đặt những số điện thoại thường xuyên liên lạc bằng một cái tên tiếng Anh, ví dụ như Alex, Paul, Maria..., và hệ thống sẽ hoàn toàn hiểu được những cái tên bạn muốn gọi điện, không cần phải thao tác gì hơn ngoài việc ra lệnh.

Ngoài ra, SYNC 2 còn sở hữu tính năng hỗ trợ khẩn cấp. Trong trường hợp xảy ra những va chạm nghiêm trọng, tính năng này sẽ giúp thực hiện cuộc gọi đến các trung tâm cứu hộ được cài đặt sẵn hoặc gọi đến số của người thân.

Động cơ và hoạt động

[Đánh giá] Ford Ranger 2015: Xây chắc ngôi vương ảnh 5

Với 1 chiếc xe bán tải với động cơ 3.2L, dẫn động 4 bánh và hộp số tự động, không khó hiểu khi những cung đường đồi núi, đá sỏi hay bùn lầy, chưa thể làm khó được Ranger. Có lẽ thử thách thực sự của 1 chiếc Ranger là trong những cuộc thi offroad bán chuyên như VOC, với những địa hình khó khăn hơn nữa.

Vị trí lái cao ráo, tầm quan sát tốt, vô lăng dễ dàng điều khiển với trợ lực thay đổi theo tốc độ, chân ga mạnh mẽ và đáp ứng nhanh gọn, người lái không khó khăn để làm chủ chiếc bán tải này. Những hệ thống điện tử hỗ trợ khiến việc điều khiển Ranger không gặp nhiều khó khăn, dù điều kiện đường thay đổi liên tục.

[Đánh giá] Ford Ranger 2015: Xây chắc ngôi vương ảnh 6

Trên đường cao tốc, cài Cruise Control 80 km/h và thậm chí bật cảnh báo làn đường, người lái an nhàn điều chỉnh vô lăng. Một chút offroad với đường đá sỏi và bùn ướt, chuyển chế độ 2 cầu và vượt qua. Đổ đèo, khởi động chế độ hỗ trợ đổ đèo, sau đó không cần quá quan tâm đến chân phanh nữa, chiếc xe tự hãm tốc độ an toàn.

Hàng ghế sau tương đối rộng rãi và thoải mái, so với 1 chiếc bán tải thông thường. Chỉ có điều, do thùng xe không chở đủ tải nặng, nên hơi xóc khi chạy qua đường xấu với hàng ghế sau, đồng thời những đồ "dễ vỡ" như máy ảnh, laptop đều phải ôm khư khư, chứ không có chỗ để như 1 chiếc SUV, đó là thiệt thòi của Pick-up.

[Đánh giá] Ford Ranger 2015: Xây chắc ngôi vương ảnh 7

Ngoài ra, dàn đèn LED trên kính ngay trước mặt Ranger 2015 cũng là điểm sáng ấn tượng. Dàn đèn này sẽ bật sáng và nhấp nháy đỏ để báo hiệu khi có vật cản phía trước và có nguy cơ va chạm. Những cảm biến có thể theo dõi tốc độ của vật cản phía trước so với chiếc xe, để không nhấp nháy mọi lúc mọi nơi.

Điều đó có nghĩa là, trong điều kiện đường tắc, tất cả các xe đều di chuyển chậm, đèn sẽ không nháy loạn xạ dù xe máy phía trước chỉ cách vài cm. Trong khi đó, khi đang chạy trên đường với tốc độ cao hơn, một chiếc xe phía trước giảm tốc ở khoảng cách hàng chục mét cũng khiến đèn cảnh báo, giúp người lái tập trung và lái xe an toàn.

[Đánh giá] Ford Ranger 2015: Xây chắc ngôi vương ảnh 8

Camera lùi cũng là thứ rất cần cho 1 chiếc bán tải, giúp người lái kiểm soát tốt hơn phần phía sau xe.

Kết luận

Với những gì chiếc Ranger mang lại cho một hành trình đủ dài, không khó để hiều tại sao hiện nay Ranger vẫn là vua bán tải, dù cho có nhiều đối thủ không hề yếu đuối như Mazda BT-50, Nissan NP-300 Navara, "cựu vương" Mitsubishi Triton, Chevrolet Colorado, hay mới đây nhất là Toyota Hilux.

Nếu chỉ nói riêng về sức mạnh, có lẽ không chiếc bán tải nào thua kém Ranger, nhưng về những tính năng công nghệ và khả năng "nịnh" người lái và những người ngồi trên xe, Ranger vẫn chiếm ưu thế lớn.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.