'Dẫu Stephen Hawking không tin Chúa, tôi vẫn gọi ông là Thánh Hawking'

'Dẫu Stephen Hawking không tin Chúa, tôi vẫn gọi ông là Thánh Hawking'
TP - Vậy là một trong những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại Stephen Hawking đã ra đi. Nguồn cảm hứng vĩ đại của loài người thời hiện đại đã ra đi!

Người đàn ông kỳ dị ấy bỏ lại lỗ đen sau lưng, hay đã biến thành một lỗ đen (còn gọi là hố đen) mới? Một khoảng không-thời gian gấp triệu lần trọng lượng mặt trời. Với lực hút kinh hoàng khiến mọi vật chất, kể cả ánh sáng rơi vào cũng không thể thoát ra. Như lý thuyết quen thuộc ông đã gọi tên mà chúng ta vẫn biết. Hay là lý thuyết mới riêng ông mới phát hiện ra sau gần trọn cuộc đời lạ lùng. Rằng “Nếu rơi vào hố đen, đừng từ bỏ, luôn có một lối ra”...

Bởi, từ trường hợp Hawking, tôi chợt nghĩ về con người mang thân thể được coi là “bình thường” như tôi, như chúng ta. Sự “bình thường” đã được mặc định, bất biến. Còn cơ thể và cơ chế hoạt động như của Hawking là dị biệt, là “khuyết tật”. Sao không nghĩ ngược lại, rằng chính số đông chúng ta mới là những kẻ “khuyết tật”?          

Cô gái Elisa đem lòng yêu một quái vật “nhơ nhớp” được vớt lên từ một con sông Nam Mỹ. Mối tình ấy được nhà đạo diễn tài ba dựng thành phim “The Shape of Water” (Việt dịch thành Người đẹp và thủy quái) và vừa giành giải Phim hay nhất Oscar 2018. Nhưng tôi xem, thấy những quả trứng xếp bên bể nước phòng thí nghiệm hay pha làm tình của gã đại tá Richard Strickland chẳng nói lên điều gì. Và rất nhiều chi tiết nữa cũng chẳng biết để làm gì. Phân biệt chủng tộc và kỳ thị đồng giới diễn ra cũng chỉ trong giây phút, rồi lướt qua.          

Nhưng lờ mờ như nhìn qua bóng nước, chợt hiểu rằng, mối tình kinh dị ấy như là thông điệp của loài người, rằng muốn thoát đi. Thoát đi! Khỏi mọi sự mặc định nhàm chán và đầy nguy hiểm giữa người và người. Khỏi cái “hố đen” đầy rẫy những gã “Gia-ve” thời hiện đại như Richard và những cuộc chiến khổng lồ liên miên từ phía sau. Như Hawking đã nhận ra: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm của lịch sử... Mật mã di truyền của chúng ta vẫn còn mang những bản năng ích kỷ và hiếu chiến, là những điều chỉ có lợi cho những ngày sống trong hang động... Nhưng tính hiếu chiến giờ đây đang đe dọa tiêu diệt tất cả chúng ta”. Năm ngoái, ông cảnh báo “nhân loại chỉ còn 100 năm để tìm đường di cư đến một hành tinh khác”. Elisa câm, và Hawking cũng không thể nào nói được...          

Hố đen của Hawking lại khiến nhớ đến những căn hầm, những chiếc giếng cạn xuất hiện đầy rẫy trong văn chương hiện đại. Những chiếc hầm trú ẩn mang dáng dấp siêu hình cho nỗi cô đơn, từ Murakami đến Kazuo Ishiguro, từ đất nước mặt trời mọc Nhật Bản đến xứ sở sương mù Anh quốc… “Người khổng lồ ngủ quên” của Kazuo Ishiguro (Giải Nobel văn học 2017) kể về một loại “dịch bệnh quên lãng”. Cả ngôi làng sống trong những căn phòng/căn hầm dưới lòng đất. Trong bóng tối, không đèn, nến.  

Hawking khẳng định vũ trụ không có đường biên, không đầu không cuối. Nhưng ông lại tin “cuộc sống là có hy vọng”. Vũ trụ không có đường biên, nhưng Hawking không lạc lối. Còn chúng ta chật hẹp trong cõi giành giật mưu sinh, mà nhiều lúc cứ như mù lòa.

“Nếu rơi vào hố đen, đừng từ bỏ, luôn có một lối ra”...

Dẫu Stephen Hawking không tin vào Chúa, nhưng tôi vẫn gọi ông là St. (Saint) Hawking! Thánh Hawking!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.