Đầu tư trọng điểm, 4G sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam

Ông Qiu Heng, Phó Chủ tịch các Mạng TDD của Huawei
Ông Qiu Heng, Phó Chủ tịch các Mạng TDD của Huawei
TPO - Trao đổi với Tiền Phong bên lề hội thảo quốc tế 4G LTE tiểu vùng sông Mekong, ông Qiu Heng, Phó Chủ tịch các Mạng TDD của Huawei khẳng định, với việc triển khai 4G sẽ có lợi cho nền kinh tế của các quốc gia.

Theo ông, với thị trường Việt Nam, triển khai 4G có lợi gì cho nền kinh tế?

Chúng tôi đã có nhiều nghiên cứu và có tính toán cụ thể chi phí, mức đầu tư cũng như hiệu quả về mặt kinh tế khi triển khai 4G tại một số quốc gia. Theo đó, nếu mật độ băng rộng tăng 10% thì GDP có thể tăng 1%. Điều này đồng nghĩa triển khai 4G sẽ có lợi cho nền kinh tế, cho nhà khai thác và cả cho người sử dụng. 

Vấn đề chi phí đầu tư luôn là câu hỏi lớn trong khi Việt Nam đang tồn tại cả dịch vụ 2G, 3G vậy 4G có cần thiết khi các doanh nghiệp chưa thu hồi được hết vốn đầu tư cũng như khai thác hết thế mạnh của các dịch vụ trên. Ông có lời khuyên gì?

Sự khác biệt lớn nhất giữa 3G và 4G là chi phí trên một bit thông tin.Chúng tôi cũng nghiên cứu về 4G trong quá trình 14 năm trước ở Nhật Bản. Trong các cuộc nghiên cứu của chúng tôi, cũng có ý kiến: Nếu không có 4G thì sẽ không thể sống sót được, vì nhu cầu dùng dữ liệu ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, vấn đề là người sử dụng luôn có xu hướng không muốn trả tiền nhiều hơn khi sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng. Các nhà cung cấp phải đối mặt với bài toán phải cung cấp tốc độ ngày càng cao hơn trong khi chi phí không đổi. 4G chính là giải pháp được lựa chọn do chi phí trên mỗi bit rẻ hơn hẳn.

Nếu nhìn từ quan điểm của nhà khai thác thì họ nên dùng 4G để cung cấp dữ liệu, nhưng với người dùng sẽ phải có thiết bị thông minh hỗ trợ 4G. Hiện nay, điện thoại hỗ trợ 4G vẫn đắt hơn một chút so với không hỗ trợ công nghệ này. Như vậy, nhà khai thác muốn triển khai 4G sớm, nhưng người tiêu dùng thì lại phải chờ lúc thiết bị đầu cuối giá hạ. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, chắc chắn chi phí thiết bị 4G ở Việt Nam sẽ giảm rất nhanh.

Ở đây các nhà mạng cũng cần định vị từng hệ thống. Nếu triển khai, khi đó 2G sẽ dành cho dịch thụ thoại, 3G sẽ dành cho dịch vụ dữ liệu cơ bản và 4G dành cho dịch vụ tốc độ cao.

Thực tế cho thấy, nhiều người dùng điện thoại ở Việt Nam không sử dụng 3G do giá thành các dịch vụ khá cao. Vậy, khi các nhà mạng triển khai cung cấp 4G sẽ phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

Kinh nghiệm triển khai 4G của chúng tôi cho thấy, các mạng di động không nên đặt giá dịch vụ 4G quá cao so với 3G. Chúng ta nên để giá theo cách tính có lợi cho người dùng. Ví dụ với 3G giá 1GB là 3 USD thì 4G giá 2GB chỉ là 4 USD. Như vậy tổng chi phí sử dụng 4G cao hơn nhưng tính giá mỗi bit lại rẻ hơn, người dùng được sử dụng dữ liệu nhiều hơn trong khi chi phí tăng thêm không đáng kể.

Ở những nước đã triển khai 4G như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, mô hình kinh doanh này đều thành công. Trong mạng 4G thì tốc độ luôn là cái nổi bật, vì vậy các nhà mạng sẽ dùng cách đó để cạnh tranh. Đến đầu năm 2016, khi được cấp phép 4G các nhà mạng ở Việt Nam cần cân đối giá dịch vụ cung cấp và giá người tiêu dùng có thể chấp nhận được để thu hút người dùng.

Cũng có ý kiến cho rằng, các nhà mạng Việt Nam khi triển khai 4G nên đầu tư trọng điểm thay vì đầu tư rộng khắp như 3G, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên đầu tư trọng điểm ở các thành phố lớn trước. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Điều này còn phụ thuộc vào việc chúng ta muốn cung cấp dịch vụ gì. Nếu chúng ta triển khai băng rộng cho di động thì chúng ta phải có vùng phủ tốt ngay từ ban đầu, nhưng nếu chúng ta triển khai những dịch vụ như WTTx (wireless fiber to the X)  thì chất lượng vùng phủ sóng không phải đặt lên hàng đầu. WTTX sẽ là giải pháp giải quyết vấn đề đường truyền trong vòng 5-10 năm, khi mà cáp quang chưa thể phổ biến ngay. Có thể trong 5-10 năm tới mật độ cáp quang là 20% hoặc hơn. Và trong thời gian đó, giải pháp WTTX sẽ là hữu ích nhất.

Chúng tôi cũng nghiên cứu,nếu mật độ cáp quang nhỏ hơn 20% thì WTTx sẽ rẻ hơn. Vì chi phí một cáp quang cho một người và một cáp quang cho trăm người là hoàn toàn khác nhau. Chúng ta có thể hình dung nếu trong khu vực có 100 hộ mà 20 hộ dùng cáp quang thì chi phí sẽ rẻ hơn. Tuy vậy cũng phải nói rõ dịch vụ này không thể thay thế hoàn toàn được cáp quang FTTx (fiber to the X).

Trao đổi với báo chí về phát triển thị trường ở Việt Nam,ông Zhou Zhen, tân Tổng Giám đốc của Công ty Công nghệ Huawei Việt Nam cho biết, hiện tại, trong tổng số 270 nhân viên của Công ty Huawei Việt Nam, tỷ lệ nhân viên là người Việt Nam chiếm trên 80% và là một trong những công ty con của Huawei tại thị trường nước ngoài có tỷ lệ bản địa hóa cao. “Định hướng chiến lược của chúng tôi là: Tích cực hỗ trợ công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ICT cho Chính phủ Việt Nam; Trở thành một đối tác, một nhà tư vấn tin cậy cho ngành ICT Việt Nam; Trở thành một thương hiệu smartphone hàng đầu được người tiêu dùng tin cậy và đón nhận”, ông Zhou Zhen nói.

MỚI - NÓNG