Điện hạt nhân - nghề an toàn nhất

Điện hạt nhân - nghề an toàn nhất
TP - GS Đinh Trúc Nam, nguyên cố vấn hạt nhân cao nhất của Chính phủ Thụy Điển, hiện là GS của Đại học North Carolina - Mỹ đang có chuyến làm việc tại VN. Trong buổi tọa đàm “Đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân” hôm qua tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ông nói đây là nghề an toàn nhất thế giới.

> Dự kiến Vận hành thương mại nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020: Ít khả thi
> Nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam: An toàn nhất thế giới

“Tại sao bây giờ tôi mới về Việt Nam?”

GS Đinh Trúc Nam bắt đầu buổi tọa đàm bằng một giọng nói xúc động: “Trở về Đại học Bách khoa tôi có cảm giác như trở về nhà mình, bởi tôi từng là sinh viên ở đây, cha tôi cũng từng giảng dạy ở đây”.

GS Nam nguyên là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó được Nhà nước gửi sang Liên bang Nga học ngành vật lý năng lượng hạt nhân.

Ông là người nước ngoài đầu tiên giữ chức Trưởng phòng Nghiên cứu An toàn của Bộ Năng lượng Hạt nhân Liên bang Nga rồi Phó Giám đốc Trung tâm An toàn và Nghiên cứu rủi ro thuộc Đại học California Santa Barbara (Hoa Kỳ), cố vấn hạt nhân cao nhất của Chính phủ Thụy Điển.

Khi được hỏi hiện nay việc thu hút nhân lực điện hạt nhân ở Việt Nam đang gặp khó khăn do tâm lý đây là một ngành nguy hiểm, nhiều rủi ro đến sức khỏe, GS Nam cho hay kỳ thực lịch sử đã chứng minh ngược lại điều đó.

Điện hạt nhân là một ngành an toàn nhất thế giới, số lượng người trong ngành hạt nhân gặp sự cố sức khỏe rất ít so với các ngành nghề khác bởi đây là một ngành có công nghệ và văn hóa rất cao.

Ông cho biết thêm, hạt nhân có mối liên hệ với nhiều ngành nghề khác. Người học ngành điện hạt nhân, vì thế, sẽ không chỉ có cơ hội việc làm trong ngành này.

Tuy nhiên, theo GS Nam, điều quan trọng nhất trong thu hút nhân lực điện hạt nhân là mỗi nước phải có những chính sách thu hút cụ thể và chính sách ấy phải tạo ra những con người hiểu công nghệ. Một điểm yếu của nguồn nhân lực Việt Nam là thiếu tác phong công nghiệp.

Vì thế, theo GS Nam với đội ngũ sinh viên, trí thức trẻ trong ngành hạt nhân phải được tiếp cận với văn hóa hạt nhân ngay từ bây giờ. Một trong những điều tốt nhất là nên đưa sinh viên ra học tập ở nước ngoài.

Chia sẻ về chủ trương của Chính phủ thu hút các nhà khoa học Việt kiều về nước hoạt động trong ngành hạt nhân, GS Nam nói: “Tại sao 5 -10 năm trước, tôi không về nước mà bây giờ tôi mới về nước? Lý do là bởi VN bây giờ mới có nhu cầu trong lĩnh vực hạt nhân”. Ông bày tỏ ý định muốn tham gia trao đổi, cộng tác để giúp Việt Nam tiệm cận với công nghệ hạt nhân tiên tiến của thế giới.

Luôn chọn thầy khó, trường khó nhất

Một cán bộ trẻ của Đại học Bách khoa Hà Nội đặt vấn đề “thầy có nhận nghiên cứu sinh hay không? Điều kiện để trở thành nghiên cứu sinh của thầy?”, GS Nam cười: “Câu trả lời luôn luôn là yes”. Ông cho hay bản thân đã hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh và thạc sỹ “luôn luôn có cơ hội cho những người thực sự có mong muốn”.

Ông chia sẻ bí quyết để trở thành một chuyên gia hàng đầu là luôn chọn những người thầy khó tính, yêu cầu khắt khe. “Khi bạn được học trong một môi trường yêu cầu cao và được những người thầy khó tính hướng dẫn thì đó là cơ hội chứ không phải khó khăn”.

GS kể bản thân ông, khi làm đề án, luận văn luôn tìm đến những người thầy khó tính nhất, nhiều lần bạn bè ông kêu lên “ông điên à” khi thấy GS chọn thầy A hay thầy B hướng dẫn.

Tuy nhiên chính những người thầy như thế là những người có năng lực hàng đầu trong lĩnh vực khoa học, họ luôn buộc mình phải lao động nghiêm túc, hết mình và đó chính là lý do để thành công. “Càng chảy mồ hôi lúc nghiên cứu thì càng có cơ hội xử lý tốt các vấn đề về sau”, GS Nam nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG