Do Thái ký sự: Công nghệ cho người khuyết tật

Thiết bị xúc thức ăn cho người cụt tay. Ảnh: Việt Hùng
Thiết bị xúc thức ăn cho người cụt tay. Ảnh: Việt Hùng
TP - Dạo một vòng các gian hàng triển lãm về thiết bị hỗ trợ người khuyết tật trong khuôn khổ Hội nghị Access Israel 2018 ở Tel Aviv, tôi mới phát hiện ra rằng đất nước này đã có hẳn một ngành công nghiệp công nghệ cao dành riêng cho người khuyết tật, giúp họ có thể hoạt động một cách hoàn toàn độc lập và thoải mái trong xã hội.

Một trong những thiết bị tôi ấn tượng nhất dành cho người mù có kích cỡ chỉ bằng đầu ngón tay, được gắn lên gọng kính kết nối với một tai nghe bluetooth. Thiết bị tinh xảo này có tên Orcam My Eye 2 chuyên dùng để đọc sách báo, nhận biết khuôn mặt, thậm chí nhận biết được cả mệnh giá đồng tiền và một số đồ vật thông dụng khác.

Tôi đã tận mắt chứng kiến khả năng đọc tạp chí tiếng Anh, tiếng Pháp lưu loát cùng khả năng đọc mệnh giá các loại tiền với độ chính xác 100% của thiết bị lợi hại này. Thiết bị có thể đọc được 20 ngôn ngữ khác nhau, song rất tiếc chưa có tiếng Việt. Lý do rất đơn giản, họ chưa có đơn hàng từ Việt Nam. Được biết, bên trong thiết bị bé xíu này, ngoài chiếc camera thông minh độ nét cao thì bộ não của nó chính là chip nhận dạng chữ viết rồi chuyển đổi thành giọng nói. Ngoài đọc chữ viết, thiết bị này còn nhận dạng được khuôn mặt là nam hay nữ, thậm chí chúng có thể “học” để rồi nhận diện những người thân quen.

Đại diện của Orcam cho biết, thiết bị nặng 22 gram này sử dụng các công nghệ tiên tiến như AI (trí tuệ nhân tạo), OCR (nhận diện ký tự quang học) và học máy, có thể đọc chữ viết dạng in và dạng số hóa, nhận biết được hàng triệu đồ dùng khác nhau cùng khuôn mặt con người theo thời gian thực.

Viết tới đây tôi chợt nhớ tới hình ảnh một vị giáo sư già nổi tiếng, nguyên giảng viên ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, ông đã cam chịu cảnh rời xa những trang sách vì bệnh mất thị lực cả chục năm nay. Không gì đau khổ hơn đối với người trí thức là không được đọc sách. Giá như cái thiết bị to bằng đầu ngón tay kia của hãng Orcam được tích hợp tiếng Việt và phân phối tại thị trường Việt Nam, hẳn một trong những người hạnh phúc nhất chính là vị giáo sư già khiếm thị nói trên. Và đâu chỉ có vị giáo sư già, hơn 2 triệu người mù lòa Việt Nam, giá mà có được cái thiết bị Orcam thông minh kia thì cuộc đời họ hẳn đã bước sang một trang mới. Hiện trên toàn thế giới có khoảng 350 triệu người khiếm thị, một thị trường mênh mông cho các công ty phát triển thiết bị nghe nhìn dành cho người mù.

Do Thái ký sự: Công nghệ cho người khuyết tật ảnh 1  
Do Thái ký sự: Công nghệ cho người khuyết tật ảnh 2 Thiết bị ORcam chuyên đọc sách báo cho người khiếm thị Ảnh : Việt Hùng

Năm nay, Hội nghị Access Israel có chủ đề  “Sự sáng tạo và tương lai của tiếp cận với mục đích tăng cường khả năng tiếp cận, hòa nhập xã hội của người khuyết tật thông qua các ứng dụng công nghệ cao thời 4.0. Các thuyết trình tại hội nghị tập trung bàn về khả năng tiếp cận của người khuyết tật trong tương lai nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, vai trò của truyền thông đối với cuộc cách mạng về khả năng tiếp cận của người khuyết tật… Hiện có khoảng hơn 1 tỷ người trên thế giới được coi là người khuyết tật, theo khảo sát Access Israel.

Bên lề hội nghị, hàng chục hãng công nghệ tên tuổi, chủ yếu đến từ Israel đã trình diễn những công nghệ tiên tiến nhất dành cho người khuyết tật. Ví dụ như công nghệ truy cập website, nhận dạng đồ vật có sử dụng trí tuệ nhân tạo, di và clik chuột bằng cử động của cánh tay dành cho người cụt tay; giỏ hàng trong siêu thị tự động di chuyển theo xe lăn…

Vì sao người Do Thái giỏi công nghệ ?

Tới thăm Viện bảo tàng Israel ở Jerusalem, bạn sẽ phải kinh ngạc khi nhìn thấy những bằng chứng khảo cổ học về chữ Do Thái (Hebrew) được khai quật từ đáy Biển Chết cách đây hàng ngàn năm. Mới đây nhất chính là chiếc cột trụ đỡ bằng đá có niên đại 2000 năm, trên đó khắc tên "Jerusalem" bằng chữ Do Thái được trưng bày tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem hồi đầu tháng 10 vừa qua. Chữ viết của dân tộc này đã trường tồn và trao truyền suốt hàng ngàn năm qua nhờ vào những cuốn kinh thánh mà người Do Thái buộc phải đọc mỗi ngày.

Người Do Thái rất giỏi về nghiên cứu khoa học và công nghệ. Theo Wikipedia, đã có 193 người gốc Do Thái đoạt giải Nobel về các lĩnh vực khoa học, chiếm tới 22% tổng số giải thưởng Nobel được trao về lĩnh vực này. Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Israel, nếu tính riêng các công dân Israel thì mới có 12 người đoạt giải Nobel. Tuy nhiên với một đất nước nhỏ xíu chỉ có 8,5 triệu dân thì tỷ con số này đã là quá khủng, nhiều nước hàng trăm triệu dân mà bói không ra 1 người đoạt giải Nobel.

Tỷ lệ số nhà khoa học trên 10 ngàn người lao động tại Israel là 140, cao nhất thế giới. Trong khi con số này ở Nhật là 100, Pháp 93 và Mỹ chỉ có 85. Tất cả 7 trường đại học của Israel đều nằm trong Top 100 trường đại học tốt nhất thế giới, theo bảng xếp hạng QS năm 2016. 22% số người trong độ tuổi từ 25-64 tại Israel có bằng cử nhân, con số này tại các nước OECD chỉ đạt mức 15%.

Vốn là một dân tộc từng bị áp bức và tha hương suốt 2000 năm, nên người Do Thái sống khắp nơi trên thế giới, đủ cả 5 châu lục. Ngày nay, kể từ khi nhà nước Israel được thành lập năm 1948, Luật Trở về của quốc gia này đã trao quyền trở về đất mẹ cho tất cả những người Do Thái trên thế giới. Thời kỳ lập quốc 1948-1957, có 91 ngàn người Do Thái hồi hương, tiếp đó giai đoạn gắn liền với sự sụp đổ của Liên Xô cũ (1988 - 1997) cũng có tới 86 ngàn người Do Thái trở về quê hương.

Một dân tộc sở hữu chữ viết và ngôn ngữ riêng có suốt mấy ngàn năm qua, một dân tộc có đức tin vững bền và đáng kính trọng như người Do Thái, một dân tộc bị truy bức và tha hương suốt 2000 năm qua… Tất cả dường như đã hun đúc nên những phẩm chất và trí tuệ xuất sắc của người Do Thái.

Với biết bao sáng chế, phát minh đóng góp cho nhân loại, biết bao nhà khoa học gốc Do Thái đoạt giải Nobel, tin rằng dân tộc này sẽ trường tồn và phát triển !

Cộng đồng Do Thái trên thế giới đông nhất là ở Israel với hơn 6,3 triệu người, đứng thứ hai là tại Mỹ với 5,7 triệu, thứ ba là Pháp với 475 ngàn, Canada có 385 ngàn, Anh có 290 ngàn, Nga 186 ngàn, Argentina 181 ngàn, Đức 118 ngàn, Úc 112 ngàn, Brazil 95 ngàn, Nam Phi 70 ngàn… Trong lịch sử cộng đồng Do Thái từng bị bức hại từ thời Trung cổ ở Tây Âu, trong đó có các vụ thảm sát và trục xuất tại Anh (1920), Pháp (1394) và Tây Ban Nha (1492) cho đến khi họ được giải phóng vào thế kỷ 19. Tiếp đó là những cuộc tàn sát trong thế kỷ 20, từ  Đế chế Nga cho tới Đức quốc xã sau này với mục tiêu “một châu Âu không có người Do Thái”. Đỉnh điểm chính là thảm họa diệt chủng Holocaust kinh hoàng nhất trong lịch sử với hơn 6 triệu người Do Thái bị sát hại một cách có hệ thống.

>>Do Thái ký sự: Từ Tel Aviv tới Jaffa<<

>> Do Thái ký sự: Tối thứ sáu kỳ lạ ở Tel Aviv<<

>> Do Thái ký sự: Ăn uống kỹ tính như người Do Thái<<

>> Do Thái ký sự: Thánh địa Jerusalem<<

>> Do Thái ký sự: Thiên đường cho người khuyết tật<<

>> Do Thái ký sự: Công nghệ cho người khuyết tật<<

MỚI - NÓNG