Độc đáo nhà vườn Huế

Độc đáo nhà vườn Huế
TPO - Ngoài hệ thống đền, đài, lăng tẩm,…, nhà vườn là tài sản giá trị tạo nên vẻ đẹp di sản kiến trúc, văn hóa đất cố đô. 

Không gian văn hóa nhà vườn Huế bảo lưu những giá trị văn hóa vật thể và cả phi vật thể từng gia đình. Trải qua bao năm tháng, thời gian vẫn không làm phai mờ vẻ đẹp văn hóa nghệ thuật, kết tinh thành vẻ đẹp văn hóa kiến trúc đặc trưng trên mỗi di tích nhà vườn.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, “nhà vườn Huế là sư kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Đó là môi trường thích hợp nhất để bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc, trong đó có đạo lý truyền thống gia đình. Nhìn cảnh quan của một nhà vườn Huế, con người có thể nhận ra được tâm hồn và phong cách sống của chủ nhân”.

Kiến trúc nhà vườn Huế được chia làm hai yếu tố “Nhà” và “Vườn”. Hầu hết kiến trúc nhà vườn Huế đều xây dựng theo quy luật “dịch lý” và “phong thủy” gồm: Cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân nhà. Cổng thông thường được xây bằng gạch, lối vào được trồng những hàng dâm bụt hoặc chè tàu được cắt xén cẩn thận dẫn vào bức bình phong, sau bình phong là bể cạn, hòn non bộ, hồ trồng sen, hoa súng và nuôi cá cảnh…

Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 1

Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn được xây dựng năm 1921 trên mảnh vườn rộng gần 2.400 m2 tọa lạc vùng đất Gia Hội xưa, có kiến trúc cổng tam quan lạ mắt. Lối vào phủ thờ được mở từ phía sau ngôi nhà uốn lượn giữa hai hàng cau và hàng chè tàu trước mặt đường.

Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 2

Khác với ngôi nhà truyền thống, phủ thờ có tổ hợp kiến trúc lạ mắt với bể cạn trồng hoa súng và tiền án hòn non bộ được tạo tác từ những khối đá với mô hình thu nhỏ đình, tạ, cầu, tháp kỳ thú.

Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 3

Hồ sen rộng phía trước phủ thờ ví như minh đường khiến du khách ghé qua đây cảm nhận được không khí trong lành, thanh tịnh bên cạnh những loại thảo mộc bon sai, tiểu cảnh, chậu hoa đầy hương sắc.

Trong khu nhà vườn, không thể thiếu ngôi nhà rường. Nhà rường thường được làm bằng gỗ, cầu kỳ hóa bằng nhiều nét hoa văn chạm trổ, có kết cấu kỹ thuật mộng tinh xảo. Nhà rường có nhiều dạng: một gian hai chai, ba gian hai chái, năm gian hai chái, nhà rường lầu,...Trong nhà bày sập gụ, tủ chè, treo hoành phi, câu đối, đồ đạc được bài trí hợp lý tạo thần thái riêng biệt.

Không gian đẹp nhà vườn Huế tọa lạc tại phường Kim Long, Gia Hội, Phú Hiệp Vỹ Dạ, Phú Mộng, Phường Đúc, An Cựu, Bao Vinh, Nguyệt Biều…Trong đó, sản phẩm du lịch nhà vườn như nhà vườn An Hiên ở Kim Long, nhà vườn Phủ thờ  Công chúa Ngọc Sơn, nhà vườn phủ Vĩnh Quốc Công, nhà vườn Thường Lạc, nhà vườn Gia Hưng Vương,.. đang là thế mạnh của du lịch Huế.

Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 4

Nội thất phủ thờ Ngọc Sơn bố trí trong nhà rường 3 gian hai chái theo nguyên tắc “tiền Phật hậu linh” với hoành phi, câu đối …đặc sắc. Đây là một trong những ngôi nhà vườn được đưa vào đề án bảo tồn loại 1.

Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 5

Ngôi nhà rường chất liệu quan trọng nhất là gỗ có cột, kèo, xuyên, trến, xà, đòn tay, rui, phần giữa có rầm thượng, phía trên lợp ngói liệt trông rất chắc chắn giúp mát mẻ trong mùa hè, ấm áp trong mùa đông.

Theo thống kê của Phòng VH-TT TP Huế, có khoảng 7.178 nhà vườn. Tại 25 phường, xã còn được 4.228 nhà vườn đẹp có diện tích từ 400m2-600m2 trở lên, trong đó còn 705 nhà rường và 186 nhà cổ thuộc diện quý hiếm.

Mới đây, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết số 02/2015 và Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và hỗ trợ nhà vườn Huế đặc trưng”. Theo đó, sẽ tập trung từ 25- 40 nhà vườn Huế đặc trưng để hỗ trợ bảo tồn trong giai đoạn 2015-2020. Riêng năm 2016, có 14 nhà vườn được tham gia đề án. 

Tùy theo quy mô, vị trí, giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, hiện trạng nhà vườn sẽ được hỗ trợ đến 700 triệu đồng/nhà (loại 1), không quá 500 triệu đồng/nhà (loại 2) và không quá 400 triệu đồng/nhà (loại 3) để trùng, hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao giá trị hình ảnh cố đô Huế.

“Chính sách hỗ trợ cùng những cam kết trong đề án để tôn tạo, bảo tồn nhà vườn Huế lần này thiết thực hơn so với mọi khi”, anh Phan Văn Kiên, hiện quản lý nhà vườn An Hiên chia sẻ.

Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, “Sở cùng Sở Tài chính cũng đã chuẩn bị những kế hoạch xây dựng quy hoạch trong khi nhà vườn định vị trong khu nhà vườn đó không gian nào khuyến cáo được xây dựng và xây dựng như thế nào để vừa bảo vệ các giá trị văn hóa, vừa đáp ứng nhu cầu cuộc sống người dân. Mọi công tác chuẩn bị về xây dựng và kinh phí cụ thể sẽ được trình lên để UBND tỉnh thực hiện đề án”.

Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 6

Nhà vườn An Lạc Viên, ngôi nhà đặc trưng vùng Phú Mộng- Kim Long được xây dựng năm 1888. Gia chủ ngôi nhà này trước kia là vị quan nhỏ thời vua Thành Thái.

Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 7

Bên ngoài nhà, xây dựng hai bể cạn xi măng đựng nước đặt hai bên nhà bên trên có hòn giả sơn tượng trưng cho “sơn”, thủy” làm tăng vẻ đẹp ngôi nhà và đề phòng khi lửa cháy. Theo gia chủ Võ Văn Long, đây là loại gốm sứ làm từ thời nhà Thanh bên Trung Quốc.

Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 8

Nhà vườn An Hiên (thôn Xuân Hòa, Hương Long) hướng ra dòng Hương thơ mộng được hình thành từ cuối thế kỷ 19, đánh giá là nhà vườn đẹp nhất đất Thần Kinh. Nhà vườn An Hiên là kiến trúc mẫu mực, tiêu biểu cho nhà vườn xứ Huế.

Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 9
Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 10

Thiết kế cổng được xây bằng gạch cuốn vòm với hoa văn cách điệu. Khách ghé thăm được đắm mình với hai hàng mơ rợp mát lối đi. 

Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 11

“Tiền án” bình phong trước nhà có kiến trúc thanh thoát, nhẹ nhàng, ở giữa có chữ “thọ” và hai bên có chữ “song hỉ”.

Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 12
Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 13

Khách ghé thăm được tận hưởng không khí trong lành bởi hồ nước hồ nước rộng thả hoa sen va hoa súng trước khi vào nhà, đây là yếu tố “minh đường” trong phong thủy.

Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 14

Ngôi nhà lưu giữ những kỷ vật quý cung đình triều Nguyễn hoành phi, câu đối, thơ văn. Đặc biệt, bức hoành phi đề 4 chữ “Văn Võ Trung Hiếu”do vua Bảo Đại ban cho gia chủ năm 1937.

Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 15
Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 16
Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 17
Độc đáo nhà vườn Huế ảnh 18

Với tổng diện tích gần 5.000 m2, xung quanh ngôi nhà được trồng hơn 50 loài hoa và cây ăn quả xum xuê từ ba miền đất nước như măng cụt, hồng, sầu riêng, bưởi, mít, vả… Người Pháp từng ví nơi đây như thiên đường thu nhỏ giữa lòng Huế.

MỚI - NÓNG