Đối phó kiểu “ăn cho tuyệt chủng”

Bày bán rồng đất làm mồi nhậu ở tỉnh Đắk Nông
Bày bán rồng đất làm mồi nhậu ở tỉnh Đắk Nông
TPO - Việc nhiều người ăn thịt động vật hoang dã quý hiếm, uống rượu pha tiết rắn, rùa, dê… với hy vọng khỏe “chuyện ấy” đã đẩy nhiều loài đến bờ tuyệt chủng.

Ngày 19/5, Tân Hoa Xã (Xinhua) có bài viết mô tả chi tiết tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam và cách thức giảm thiểu kiểu “ăn cho tuyệt chủng” này.

Ăn tươi nuốt sống

Tại một nhà hàng ở đường Hai Bà Trưng, TPHCM, người phục vụ đem ra bàn ăn một con rồng đất (còn gọi là kỳ tôm, tên khoa học là Physignathus cocincinus). Bốn thực khách nam dán mắt vào con vật màu xanh đang giãy giụa. Số phận con vật nhanh chóng được định đoạt.

Đối phó kiểu “ăn cho tuyệt chủng” ảnh 1

Rồng đất cái bụng đầy trứng cũng bị làm thịt. 

Rồng đất bị cắt tiết, máu đỏ chảy thành dòng vào những cốc rượu đế đã được chuẩn bị sẵn. Sau đó, tim, mật tươi nguyên được móc ra, thả vào cốc; xương, thịt còn lại được đem vào bếp quay lên.

“Sau khi uống máu, ăn thịt con rồng này, chúng ta sẽ hành lạc nhất dạ đế vương”, một thực khách cười sảng khoái cùng ba người bạn. Nhưng họ không biết rằng, kiểu ẩm thực này không những không thuộc dạng “ông uống bà khen” mà còn gây tổn hại đến sức khỏe bản thân.

Các nhà khoa học đã cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh từ việc uống máu tươi của động vật (pha với rượu), nuốt mật sống, ăn tiết canh… Mọi dịch mật đều chứa acid có độc tố cao. Ngoài ra, dịch mật có thể chứa kim loại nặng do động vật ăn phải và đào thải qua mật.

Đối phó kiểu “ăn cho tuyệt chủng” ảnh 2

Cắt tiết rắn hổ mang làm rượu tiết

Trong khi đó, việc săn bắt, mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã cũng như trứng của một số loài đã và đang đẩy chúng đến bờ vực tuyệt chủng. Rồng đất đang đứng trước nguy cơ lớn sẽ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong tương lai tương đối gần.

Rồng đất thích ăn côn trùng, đặc biệt là những loài gây hại cho mùa màng như châu chấu. Số lượng rồng đất giảm đi dẫn tới sản lượng lúa giảm theo.

Nhanh chóng khởi tố

Để đối phó tình trạng trên, Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp để giảm cả cung và cầu đối với thịt động vật hoang dã cũng nhưcác bộ phận khác của chúng. Việt Nam đang nhanh chóng xử lý những kẻ buôn lậu động vật hoang dã, thực hiện các chương trình hành động quốc gia để bảo tồn một số loài nguy cấp, nâng cao nhận thức của công chúng…

Ngày 10/5, chỉ hơn một tuần sau khi bị bắt giữ, Nguyễn Mậu Chiến đã bị khởi tố. Chiến được cho là đối tượng cầm đầu một trong các đường dây lớn buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm động vật hoang dã từ châu Phi về Việt Nam. Việc Chiến bị khởi tố nhanh chóng thể hiện quyết tâm cao của cơ quan chức năng Việt Nam trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã. 

Cuối tháng 4, Chiến bị bắt giữ khi đang vận chuyển khoảng 36kg sừng tê giác, 2 hổ con đông lạnh…từ TPHCM ra Hà Nội tiêu thụ. Chiến khai mua hàng từ Nam Phi, chuyển tới Malaysia rồi về TPHCM.

Đối phó kiểu “ăn cho tuyệt chủng” ảnh 3

Nguyễn Mậu Chiến bị bắt giữ cùng nhiều sừng tê giác

Hành động khẩn cấp 

Ngày 10/5, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, sẽ tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật; ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt và buôn bán trái pháp luật đến năm 2025 giảm 70% nạn săn bắn các loài linh trưởng; xây dựng ít nhất 3 trung tâm cứu hộ đạt tiêu chuẩn để thực hiện việc cứu hộ, tái thả động vật.

Ngoài ra, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, hỗ trợ hoạt động kiểm soát, thu giữ các loại súng săn trong các khu dân cư gần với môi trường sống của các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm. Đồng thời, tích hợp các bài giảng về bảo tồn đa dạng sinh học có nội dung về bảo tồn linh trưởng vào chương trình giáo dục phổ thông để tăng cường sự hiểu biết, nhận thức về bảo tồn cho công chúng…

“Ở Việt Nam, ngày càng có nhiều người nhận thức được rằng việc khai thác, sử dụng các loài động vật hoang dã quý hiếm không chỉ tàn nhẫn và phạm pháp, mà còn đi ngược lại với những giá trị nhân văn của cuộc sống văn minh hiện đại”, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên Nhiên (ENV), nói với Tân Hoa Xã.

Theo bà Dung, thói quen sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã ở một khía cạnh nào đó thể hiện sự lạc hậu, thiếu hiểu biết. Chính những thói quen này đã và đang đẩy các loài động vật hoang dã tới bờ vực tuyệt chủng.

“Hãy nói không với việc sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Chỉ một hành động nhỏ này của mỗi người dân sẽ mang lại ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ động vật hoang dã và xây dựng nếp sống văn minh”, bà Dung nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG