Đồng loạt lát vỉa hè bằng đá tự nhiên: Vội vã?

Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đá nham nhở sau khi sử dụng hơn 1 năm. Ảnh: Trường Phong.
Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đá nham nhở sau khi sử dụng hơn 1 năm. Ảnh: Trường Phong.
TP - Những ngày vừa qua, hàng loạt tuyến phố Hà Nội được đào lên để lát vỉa hè bằng đá tự nhiên theo chủ trương của thành phố. Thế nhưng, xung quanh việc làm sao để đá tự nhiên vỉa hè đảm bảo được độ bền hàng chục năm như Hà Nội kỳ vọng vẫn là câu hỏi lớn, trong khi nhiều tuyến phố vỉa hè lát bằng gạch trước đây còn rất tốt.

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, hàng loạt tuyến phố đang được lát đá vỉa hè như Nguyễn Du, Quang Trung, Bà Triệu... Ngã tư Quang Trung - Lý Thường Kiệt được tập kết nhiều vật liệu xây dựng, một nhóm công nhân đang thi công nhưng từ chối cho biết đơn vị trúng thầu. Được biết, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, tuyến đường Bà Triệu được xây dựng kiểu mẫu, tuy nhiên, một số vị trí đá đã có vài vết nứt.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để đảm bảo tính đồng bộ, văn minh và sử dụng lâu bền các công trình hạ tầng, ngày 23/4/2016, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các dự án hạ tầng trên địa bàn thành phố phải thiết kế đồng bộ hào kỹ thuật hạ ngầm đường dây, cáp điện lực, viễn thông, cấp nước… Trong đó, yêu cầu vật liệu lát vỉa hè, bó vỉa là vật liệu tự nhiên, kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm.

Căn cứ theo chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi tới các đơn vị sản xuất, cung cấp vật liệu lát hè trên địa bàn thành phố đề nghị xây dựng phương án sản xuất phù hợp với quy định hiện hành. Được biết, giá thành lát đá vỉa hè dưới 500.000 đồng/m2. Trước mắt, áp dụng tại 12 quận nội thành.

Lát vỉa hè “chạy” nhanh hơn hạ ngầm

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2016, kế hoạch hạ ngầm 18 tuyến phố, thì mới có 17 tuyến xong phần hạ ngầm. Đợt 1 năm 2017 gồm 56 tuyến phố được phê duyệt hạ ngầm nhưng các doanh nghiệp mới đang thi công 41 tuyến, chậm hơn kế hoạch đề ra. Theo đại diện một số doanh nghiệp thi công, việc chậm trễ do vướng mắc từ nguồn kinh phí, giấy phép… Đơn cử như địa bàn quận Hoàn Kiếm, mới thi công hạ ngầm được 1 tuyến phố, còn lại 20 tuyến vẫn chờ giấy phép của quận Hoàn Kiếm.

Sau khi hạ ngầm xong, các đơn vị bàn giao lại mặt bằng cho quận để tiến hành chỉnh trang đô thị. Tuy vậy, trong khi thi công hạ ngầm còn đang chậm thì hoạt động thi công lát đá vỉa hè vẫn được tiến hành.

Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, chủ trương lát đá vỉa hè của Hà Nội là tư duy đúng trong xây dựng văn minh đô thị. Tuy nhiên, lát đá tự nhiên tạo ra sự không thân thiện cho vỉa hè. Thế giới hiện sử dụng các loại vật liệu không khai thác từ tự nhiên, để tạo sự thân thiện với môi trường.

Theo KTS Tùng, đá tự nhiên chỉ nên lát ở một số khu vực như phố đi bộ, phố cổ, hay một số khu vực đặc biệt. Như vậy tiết kiệm được chi phí và đỡ nhàm chán cho kiến trúc đô thị. Việc dùng gạch hay đá lát vỉa hè Hà Nội rất cần được cân nhắc trước khi triển khai đại trà để tránh lãng phí. KTS Nguyễn Văn Sơn cho rằng, Hà Nội đang vội vã khi đưa chủ trương thay đồng loạt đá tự nhiên trên vỉa hè. Trong khi hạ tầng đô thị chưa phát triển ổn định, nhiều tuyến phố vẫn ngổn ngang thi công cáp ngầm, đường ống nước, dây điện… Thay vào đó để dành vốn đầu tư cho những công trình giao thông bức xúc hàng ngày của người dân.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng cho rằng, đá không mài thì ráp, nhưng sau thời gian đi có khả năng trơn trượt. Tương tự như một số tượng đá các vị la hán ở một số chùa, sau một thời gian người ta sờ tay vào, đá cũng biến thành xám đen.

Ngoài vấn đề chuyên môn, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đặt câu hỏi về sự minh bạch trong việc lát vỉa hè Hà Nội. Ông Liêm đặt câu hỏi, một lúc thành phố muốn mua vài triệu viên đá tự nhiên để lát mà có sẵn ngay, thì có hay không việc đặt hàng trước rồi mới có chủ trương?!

MỚI - NÓNG