Dự báo mưa như 'bắn súng', bắn xa độ chính xác sẽ thấp

Dự báo mưa như 'bắn súng', bắn xa độ chính xác sẽ thấp
TPO - Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo định lượng mưa rất khó, lúc bão vào gần dự báo sẽ sát hơn. Ông ví vón, dự báo mưa như “bắn súng”, nếu bắn xa độ chính xác sẽ thấp hơn ở gần. 
Dự báo mưa như 'bắn súng', bắn xa độ chính xác sẽ thấp ảnh 1

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo định lượng mưa rất khó

Chiều 13/10, tại cuộc họp thông tin về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ 10-12/10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng điều hành ứng phó, Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết, thông tin giữa dự báo và lượng nước về hồ chênh lệch quá lớn.

Theo ông Hải, tại bản tin dự báo số 32 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư (ban hành lúc 15h15 ngày 10/10), dự báo lúc 1 giờ ngày 11/10, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình là 3.800 m3/s, trong khi thực tế nước về tới 9.360 m3/s, chêch lệch gần 6.000 m3. 

Tiếp đó, vào thời điểm 15h cùng ngày, cơ quan dự báo nhận định lưu lượng nước về là 2.900 m3/s, trong khi thực tế về tới 11.290 m3/s, chênh lệch hơn 8.000 m3/s.

Dự báo mưa như 'bắn súng', bắn xa độ chính xác sẽ thấp ảnh 2 Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng điều hành ứng phó, Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết, thông tin giữa dự báo và lượng nước về hồ chênh lệch quá lớn.

Trong bản tin 38, ban hành lúc 13h15 ngày 11/10, cơ quan khí tượng dự báo nước về hồ lúc 19h cùng ngày là 17.000 m3/s, trong khi lượng nước về hồ là 7.250 m3/s, chênh lệch gần 10.000 m3. Còn vào lúc 1h ngày 12/10, cơ quan khí tượng dự báo lượng nước về 10.000 m3/s, trong khi thực tế lượng nước về hồ chỉ gần 6.000 m3/s…

Ông Hải cho biết, tại khu vực lòng hồ Hòa Bình đã có mưa đặc biệt lớn, và bất thường trong các ngày 10-11/10, gây đợt lũ lớn trái mùa với lưu lượng lớn nhất là 15.940 m3/, khiến hồ Hòa Bình phải xả lũ lịch sử với 8 cửa đáy. Việc xả lũ đã khiến mực nước sông Hồng, sông Thái Bình tăng nhanh đột biến, mực nước Hà Nội trong hai ngày tăng lên 5,5m.

Lý giải vấn đề trên, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, dự báo khí tượng thủy văn luôn là bài toán khó, dự báo mưa càng khó, mưa cực đoan lại càng khó khăn hơn.

Ông Cường cũng cho hay, cơn áp thấp vừa rồi với không khí lạnh đã mưa lớn ở Bắc Trung bộ và mưa ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Nam Sơn La và vùng lân cận. “Về cơ bản, dự báo khá sát với thực tế cho đến lúc áp thấp nhiệt đới sang Lào. Tuy nhiên, xuất hiện mưa cực đoan trong thời gian ngắn, đặc biệt trong khoảng 6 tiếng, từ 1 -7 giờ sáng 11/12, mưa tới 300mm ở khu vực Thanh Hóa, Hòa Bình”- ông Cường nói.

Theo ông Cường, hầu hết các đài dự báo trên thế giới cũng không định lượng mưa, cụ thể lại càng khó khăn hơn. Các đài chỉ dự báo có hoặc không có mưa, mưa to-nhỏ.

“Với điều kiện hiện nay, khó khăn về công nghệ, thiết bị, nhân lực… nên chúng tôi đã cố gắng thông tin ban đầu về định lượng lượng mưa. Việc dự báo lượng mưa ban đầu chỉ phục cho công tác ứng phó, còn sau đó, phải cập nhật dần trong quá trình diễn ra… để có cảnh báo sát hơn”- ông Cường nói. 

Liên quan dự báo về định lượng mưa, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo định lượng mưa rất khó. 

Lấy cơn bão 11 trên biển Đông này làm ví dụ, ông Hải cho biết, lượng mưa lớn của cơn bão này một phần của vùng Đông Bắc bộ, Tây Bắc và vùng ven biển phía miền Bắc đến Thừa Thiên-Huế.

Theo ông Hải, năm nay, các cơn bão có xu hướng đi vào Nghệ An-Quảng Bình, cơn bão này cũng vậy. “Nếu dự báo lượng mưa phải cập nhật thường xuyên, khi bão vào gần hơn, thì mới có bản tin chính xác hơn được. Giống như bắn súng, xa thì độ chính xác thấp hơn ở gần”- ông Hải nói.

MỚI - NÓNG