Dự thảo thiết bị ghi âm, chụp hình: Đừng “trói tay” nhà báo!

Phóng viên bí mật ghi hình “cò” mua vé tàu (bìa trái) ở khu vực ga Sài Gòn.
Phóng viên bí mật ghi hình “cò” mua vé tàu (bìa trái) ở khu vực ga Sài Gòn.
Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị. Dự thảo này có những quy định có thể hạn chế quyền tác nghiệp, điều tra của nhà báo trong việc ghi âm, chụp hình  

Nhiều nguy cơ nên cấm

Theo Bộ Công an, trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, chụp hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước. Qua công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ việc đối tượng sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, chụp hình, định vị.

Điển hình là vụ Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (viết tắt Công ty Việt Hồng) công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và đã thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng để bí mật quay phim, chụp hình, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật…

Ngoài ra, Bộ Công an đã xác định có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức công khai quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự như Công ty Việt Hồng.

Dự thảo nêu rõ các hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị gồm: sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, cho thuê, sửa chữa thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị là hoạt động kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cấp.

Chỉ có 3 nhóm được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị là: Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an, cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực lượng quân đội nhân dân và cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được Bộ Công an có văn bản chấp thuận.

Đáng chú ý, theo dự thảo: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.

Một vấn đề đặt ra từ dự thảo này là việc sử dụng thiết bị ghi âm, chụp hình để tác nghiệp của nhà báo có thể sẽ bị hạn chế. Trong thực tế, nhiều phóng viên điều tra phải “nhập vai”, sử dụng camera, máy ghi âm giấu kín hoặc ngụy trang nhằm thu thập thông tin để phục vụ cho bài viết.

 Phóng viên Báo Người Lao Động bí mật ghi hình “cò” mua vé tàu (bìa trái) ở khu vực ga Sài Gòn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phóng viên Báo Người Lao Động bí mật ghi hình “cò” mua vé tàu (bìa trái) ở khu vực ga Sài Gòn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Quản lý kinh doanh, đâu phải quản lý sử dụng

Bình luận về dự thảo nghị định trên, ngày 7-4, nhà báo Phan Hữu Minh - Trưởng Ban Kiểm tra, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng Luật Báo chí 2016 (sửa đổi, bổ sung) mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 cho nên những nghị định, văn bản dưới luật không được có những quy định trái tinh thần của luật.

“Đối với phóng viên, nhà báo, hoạt động tác nghiệp trong thể loại báo chí điều tra buộc phải sử dụng các thiết bị ghi âm, chụp hình. Không ít trường hợp phải bí mật nên cần ngụy trang cho các thiết bị này. Nếu quy định chỉ có cơ quan chuyên trách mới được sử dụng thì vô hình trung đã hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí” - ông Hữu Minh nhận định.

Ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED), cũng phân tích trong dự thảo nghị định này có mâu thuẫn về mặt logic. Vì Chính phủ chỉ giao Bộ Công an soạn thảo nghị định quản lý việc đầu tư kinh doanh thiết bị chứ không giao xây dựng quản lý việc sử dụng (đối tượng, mục đích).

Trong khi đó, một số điều trong dự thảo lại đề cập tới đối tượng sử dụng. Bên cạnh đó, viện dẫn việc làm bất chính của Công ty Việt Hồng để quy kết nói chung những người sử dụng các phương tiện thiết bị này bất chính là không thuyết phục.

Đối với báo chí, việc hạn chế này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động nghiệp vụ từ trước tới nay vì trong nhiều trường hợp, để vạch trần những tiêu cực, các phóng viên có thể vô tình vi phạm quy định pháp luật.

Do vậy, ông Phan Hữu Minh đề xuất sửa đổi dự thảo quy định về việc sử dụng thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình. “Cần làm rõ theo hướng mở rộng đối tượng, nhất là với báo chí có những đặc thù riêng, phải được ưu tiên trong trường hợp này. Không chỉ điều tra tiêu cực mà ngay cả việc phản ánh tích cực cũng cần ngụy trang thiết bị ghi âm, chụp hình” - ông Hữu Minh lập luận.

Không khả thi

Đó là nhận định của luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội, về một số quy định tại dự thảo này.

Luật sư Toàn cho biết theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, băng ghi âm, hình ảnh chỉ trở thành chứng cứ nếu nó được các tổ chức, cá nhân có liên quan xác nhận bằng văn bản về việc ghi âm, chụp hình. Tất cả các băng ghi âm, hình ảnh thực hiện lén đều không được sử dụng làm chứng cứ, không có giá trị trước pháp luật. Do đó, việc quy định này là không cần thiết. Đối với các cơ quan chức năng, việc sử dụng các thiết bị ngụy trang trên có tác dụng làm cơ sở để đấu tranh với tội phạm vì trở thành nguồn tin để điều tra.

Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều thiết bị công nghệ cao đã được thương mại hóa, giá rẻ, ứng dụng nhiều trong đời sống. Chẳng hạn, camera trên điện thoại là một trong những loại thiết bị phục vụ cuộc sống hằng ngày, trong đó có cả việc phục vụ để đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật. Những thiết bị phục vụ cho cuộc sống của người dân và không được phép cấm. Chỉ được phép cấm người dân sử dụng trong những phạm vi là mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật quốc gia, bí mật quân sự, bí mật kinh tế…

Theo Theo Người Lao Động
MỚI - NÓNG