Đừng để nhà khoa học phải lo hóa đơn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
TPO - Nhà khoa học suốt ngày lo thủ tục hành chính thì am hiểu về chuyên môn có khi rơi rụng đi, am hiểu về thủ tục hành chính lại tăng lên.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải tách khoa học ra khỏi hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học. 

Theo Thủ tướng Chính phủ, năm qua, chưa bao giờ chúng ta gặp thiên tai địch họa lớn như thế, nhất là trong nông nghiệp nhưng cuối cùng, các chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng  được căn bản hoàn thành. Những  thành tựu phát triển kinh tế-xã hội đó có đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ (KHCN).

Việt Nam xếp hạng về kinh tế đứng trên 100 nhưng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đứng thứ 59. Trong đó, các nhóm chỉ tiêu đầu ra liên quan trực tiếp đến KHCN xếp dưới 50. Điều đó cho thấy, dù còn bất cập nhưng giới KHCN nước ta rất cố gắng so với mặt bằng chung.

Thủ tướng đánh giá, sự phối hợp tham gia giữa các bộ, các tỉnh về KHCN nhịp nhàng hơn, tốt hơn. Trong chỉ đạo, bước đầu đã coi trọng ứng dụng KHCN, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng không coi nhẹ khoa học xã hội và khoa học cơ bản. Đây là những tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên theo Thủ tướng, ngành KHCN vẫn tồn tại một số bất cập.  Năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 56 nhưng chỉ số sẵn sàng về công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia, vùng lãnh thổ. “Chúng tôi nhận thức rõ đây không phải là do nhà khoa học gây ra mà là vấn đề cơ chế của Nhà nước, nhất là 4 bộ gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch & Đầu tư”. 

Cũng theo Thủ tướng, nghiên cứu nhiều thứ, nhiều lĩnh vực nhưng ứng dụng thực tế còn ít. Đầu tư cho KH&CN cần phải bám sát hơn nhu cầu thực tiễn, ưu tiên đầu tư các đề tài phục vụ thiết thực đất nước, cố gắng sử dụng hiệu quả nguồn lực KHCN. Thủ tướng cũng chỉ ra Hội đồng thẩm định,đánh giá đề tài còn có bất hợp lý, ít sát thực tế có lúc còn cảm tính, hiệu quả sử dụng có lúc còn thấp. Ngoài ra, một số lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ KH&CN còn bất cập, phải nghiêm túc rút kinh nghiệm như đo lường chất lượng “người ta kêu dữ lắm”, sở hữu trí tuệ hay mô hình nghiên cứu chưa có sự kết hợp tốt giữa các cơ quan nghiên cứu, giữa cơ quan nghiên cứu với đời sống.

6 yếu tố để KH&CN phát triển

Nhà khoa học suốt ngày lo thủ tục hành chính thì am hiểu về chuyên môn có khi rơi rụng đi, am hiểu về thủ tục hành chính lại tăng lên. Hãy làm quen với tư duy, quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên chỉ dựa vào quá trình, đừng để các nhà khoa học phải vật vã lo mua hóa đơn. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng chia sẻ, để KHCN phát triển được cần 6 yếu tố gồm thể chế, con người, nguồn lực cho KHCN, cơ sở hạ tầng, năng lực hội nhập và đặc biệt là năng lực kiến tạo quản trị của Nhà nước.

Vì vậy, trước hết phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương.

 “Ngày xưa, Bác Hồ chúng ta làm được thì trong thế giới phẳng và hòa bình như ngày nay thì con cháu của Bác cũng phải làm được. Chúng ta thấy như là bác Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Phạm Ngọc Thạch… Trên thực tế chúng ta thấy có nhiều cá nhân trẻ tuổi tài năng”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đề nghị phải đảm bảo năng lực thực thi pháp luật trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nếu không khó có thể phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực. “Không có tập đoàn quốc tế nào muốn đặt trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam nếu như họ e ngại từ việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2017, môi trường cạnh tranh của Việt Nam phải đứng vào top đầu Asean, trong đó sở hữu trí tuệ phải nâng thang bậc của mình nên” Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng cần rà soát, đánh giá toàn bộ đội ngũ cán bộ  nhân lực ngành KHCN Việt Nam để xây dựng quy hoạch chiến lược, sử dụng và đào tạo tối ưu, không để tình trạng như vừa rồi, anh nào cũng tin học, kế toán, khoa học tự nhiên ít người đi học.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nghiên cứu KHCN phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì để đưa ra hướng đi phù hợp? Chất lượng nghiên cứu KHCN phải do thị trường quyết định. Thủ tướng nhắc lại lời dạy của Bác Hồ năm 1963: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Các tổ chức khoa học và nhà khoa học phải lăn lộn trong thực tiễn, quan hệ chặt chẽ với các xí nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, phải biết công nhân, nông dân yêu cầu gì, học làm ăn và sinh sống như thế nào, họ cần được giúp đỡ, chuyển giao, phổ biến những tiến bộ khoa học công nghệ như thế nào”.

Thủ tướng nói thêm “Cán bộ KHCN đã giỏi chuyên môn rồi còn phải biết kinh tế, phải vận dụng vào kinh tế, vào đời sống, phải có thực tiễn. Chứ KHCN giữa trời thì làm sao biết đời sống sản xuất ra làm sao”, Thủ tướng lưu ý và đề nghị Bộ và các đơn vị trong hệ thống KHCN bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe hơi thở cuộc sống, xem cuộc sống cần gì với tinh thần phối hợp tốt “3 nhà”  gồm nhà khoa học, nhà nước và nhà sản xuất

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh phải tách khoa học ra khỏi hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học. “Nhà khoa học suốt ngày lo thủ tục hành chính thì am hiểu về chuyên môn có khi rơi rụng đi, am hiểu về thủ tục hành chính lại tăng lên. Hãy làm quen với tư duy, quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên chỉ dựa vào quá trình, đừng để các nhà khoa học phải lo mua hóa đơn vật vã”, Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG