Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

TPO - Giao lực trực tuyến: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, do Báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức 9h00 sáng thứ Tư, ngày 5/12.
Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 1
Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

05/12/2018 08:23

Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo được manh nha nhiều năm, đạt được những thành tựu bước đầu. Thời gian gần đây, cùng với làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ trên cả nước, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI được thành lập.
Nhiều ý tưởng, sản phẩm AI được nghiên cứu, phát triển, giải quyết những vấn đề thiết thực trong cuộc sống, có thể kể đến như giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo chuyển đổi văn bản tiếng Việt sang giọng nói tự nhiên Vbee của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải pháp Xử lý Dữ liệu Vbee, đơn vị giành giải Nhì Nhân tài Đất Việt 2018.
Đây là dịch vụ đầu tiên tại thị trường Việt Nam được áp dụng thành công trí tuệ nhân tạo học máy vào ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt, cho phép chuyển đổi văn bản tiếng Việt sang giọng nói, với kết quả giọng nói tự nhiên như con người, có cảm xúc, có “tâm hồn”. Hay sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC) giành giải Nhân tài Đất Việt 2016.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, ứng dụng AI ở Việt Nam mới dừng ở bước đầu, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI chưa nhiều, chưa có thành tựu đột phá, ứng dụng AI giải quyết các vấn đề cuộc sống còn kiêm tốn.  Trong khi đó, tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, Giao thông… Vậy doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI của Việt Nam đang gặp những khó khăn, thách thức gì, làm sao để tận dụng thời cơ đang có là vấn đề được nhiều độc giả quan tâm.
Tìm câu trả lời cho những vấn đề trên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học  và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức Giao lưu trực tuyến: "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam: cơ hội và thách thức”, có sự tham gia của bốn khách mời gồm:
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo
Ông Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Infore Technology.
Ông Nguyễn Thành Công, CEO của Công ty TNHH Công nghệ LC Việt Nam

05/12/2018 09:21

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 2 Ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Tổng Thư kí toà soạn Báo Tiền Phong phát biểu mở đầu buổi giao lưu
Mở đầu buổi giao lưu trực tuyến ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Tổng Thư kí toà soạn Báo Tiền Phong phát biểu: Trong vài năm trở lại đây, cụm từ cách mạng 4.0 là từ khoá xuất hiện với tuần suất cao trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một trong những lĩnh vực chủ chốt của CM 4.0 là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp mạnh mẽ đi đầu và phát triển trong lĩnh vực này. Nhiều chuyên gia nhận định rằng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam để phát triển và cộng đồng hiểu rõ là cả một vấn đề, có thách thức và khó khăn đi kèm với cơ hội. Chính vì vậy hôm nay Báo Tiền Phong tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam, chỉ rõ những cơ hội và thách thức".

05/12/2018 09:31

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 3 Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong
Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết: Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã được nhắc đến trên thế giới rất nhiều, và ở Việt Nam những năm gần đây. Tuy nhiên nhìn chung, đây vẫn là khái niệm mới đối với đại bộ phận dân chúng. Trong lĩnh vực truyền thông, đây cũng là chủ đề kén bạn đọc. Thời gian gần đây, Trung ương Đoàn và Báo Tiền Phong muốn đẩy mạnh thông tin lĩnh vực này đến bạn đọc, giới trẻ. Tiền Phong là tờ báo của giới trẻ, mà nhắc đến các cuộc cách mạng thì giới trẻ luôn là lực lượng tiên phong, ngay trong Cách mạng 4.0.
Tôi mong muốn tại buổi tọa đàm hôm nay, các chuyên gia, khách mời có thể phổ cập thêm kiến thức về khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo đến nhiều người hơn, từ đó thay đổi cách nhìn nhận, đồng thời gợi mở cho các bạn trẻ con đường mới để dấn thân, khởi nghiệp.
Chúng tôi cũng muốn cổ vũ, động viên, khuyến khích những con người, tổ chức dám dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học công nghệ. Chúng tôi hy vọng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, Cách mạng 4.0 ngày một lan tỏa, có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội.

05/12/2018 09:39

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 4 Ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo

Nhà báo Nguyễn Việt Hùng: Anh có thể cho bạn đọc biết khái niệm chính xác về AI, một số sản phẩm AI nổi bật ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo: 

Hiện nay, giới hàn lâm chưa có định nghĩa cụ thể về trí tuệ nhân tạo - (TTNT). Chúng ta tạm hiểu, TTNT đang được tiếp xúc hàng ngày là các kỹ thuật  máy tính mô phỏng chức năng con người, giúp công tác phân tích thông tin, tối ưu hóa công nghệ.

Sản phẩn TTNT có mặt khắp mọi nơi quanh ta, ví dụ, trong điện thoại có nhận dạng vân tay, nhận dạng khuôn mặt; ứng dụng phân tích dữ liệu cộng đồng; Robot marketing nhận biết con người để cung cấp thông tin; Take to speak – nghe và phát âm; tối ưu giao vận, công nghệ logictics...

05/12/2018 09:48

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 5 Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
Nhà báo Nguyễn Việt Hùng: Hiện nay Chính phủ có chủ trương, chính sách gì để thúc đẩy phát triển AI ở Việt Nam?
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ:
Trong diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp mới đây, có nhiều ý kiến liên quan tới chính sách trong các lĩnh vực khởi nghiệp mới. Nhiều đề xuất cho phép làm thí điểm. Tạo điều kiện cho các nhóm startup có điều kiện thử nghiệm trong các lĩnh vực mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ 4.0.

05/12/2018 09:53

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 6 Ông Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT Infore Technology

Nhà báo Nguyễn Việt Hùng: Là một startup trong lĩnh vực AI nhiều năm qua, theo anh startup AI ở Việt Nam đang gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT Infore Technology:

Làm trí tuệ nhân tạo đòi hỏi nhiều yếu tố khác. Yếu tố đầu tiên là dữ liệu. Thêm nữa là cần có đội ngũ thẩm tra, dán nhãn dữ liệu, tinh gọn dữ liệu. ở Việt Nam gần như không có đội ngũ đó cũng như không có nguồn dữ liệu lớn. Bên cạnh đó để phát triển trí tuệ nhân tạo cần hệ thống siêu máy tính.

Đa phần người làm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam phải tự sắm cáp màn hình để tự trải nghiệm. Như chúng ta đã biết, dữ liệu bản thân nó sinh ra liên quan tới từng cá nhân và số hoá. Người Việt nam gần như không có dữ liệu để phát triển trí tuệ nhân tạo. Về nhân lực đa phần là người du học ở nước ngoài, và đội ngũ này còn khá hạn chế. Phần lớn người Việt Nam chỉ học lý thuyết, không có dữ liệu, không có hạ tầng để phát triển trí tuệ nhân tạo.

05/12/2018 10:12

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 7 Nguyễn Thành Công, CEO của LC Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Việt Hùng:

 Là một Startup mới phát triển, LC Việt Nam gặp những khó khăn gì?

Nguyễn Thành Công, CEO của LC Việt Nam:

Qua tìm hiểu sâu vào ứng dụng thực tế, trí tuệ nhân tạo – AI ứng dụng rất nhiều, về mọi mặt trong cuộc sống. Bên cạnh các khó khăn đã được phân tích trước đây, tôi muốn bổ sung một số những hạn chế. Đó là những rào cản pháp lý chuyên sâu vào kỹ thuật. Ví dụ, nghị định 108/2016, sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng phải có giấy phép, với rất nhiều các yêu cầu đi khá sâu vào vấn đề kỹ thuật, những quy định như vậy theo tôi là không phù hợp với tính chất lĩnh vực này.

05/12/2018 10:18

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 8 Ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo

Nhà báo Nguyễn Việt Hùng đặt vấn đề: 

Là người có cơ hội tiếp xúc, làm việc với các bạn trẻ nhiều, theo ông hiện nay, các startup AI ở Việt Nam đang gặp phải những vướng mắc nào?

Ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo:

Thực chất hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại con người sản sinh ra lượng dữ liệu khổng lồ, tăng nhanh khủng khiếp. Những dữ liệu đó là chất liệu thô, câu hỏi đặt ra là làm sao lấy ra được dữ liệu đó, tinh lọc để biến nó thành nguồn tài nguyên. Đó chính là chỗ ứng dụng trí tuệ nhân tạo – AI. Hiện tại, nhận thức về AI khác nhau, một là không cần đến AI, còn lại là quá phụ thuộc vào AI. Thực tế, AI về bản chất là lõi, từ đó phát triển ra các ứng dụng phục vụ nhu cầu con người.

Ở đây không phải vấn đề trí tuệ nhân tạo thay thế con người, mà là vấn đề không tuyển nổi người nếu muốn tăng trưởng quy mô.

Bài toán lớn ở Việt Nam hiện nay là làm sao đưa được AI vào chuyên ngành. Nhà nước ta có khung pháp lý nào để sử dụng và bảo vệ nguồn dữ liệu. Khó khăn khác là, các dự án AI rủi ro hơn rất nhiều dự án CNTT bình thường. Dự án AI không có giải pháp đảm bảo chính xác 100%. Các dự án AI lớn luôn cần phải qua thử nghiệm, từ đó các bên phải cùng nhau chịu rủi ro. Ngoài việc đưa dữ liệu vào chuyên ngành, người làm AI cũng phải kết nối được với kiến thức chuyên ngành. Người làm AI mà không hiểu rõ chuyên ngành, thì giải pháp đưa ra không mang lại hiệu quả thực tế.

05/12/2018 10:31

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 9 Ông Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT Infore Technology

Nhà báo Nguyễn Việt Hùng:

Được biết đến là quán quân Nhân tài Đất Việt 2018 với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội. Ngoài sản phẩm này, công ty Infore Technology có triển khai thêm các dự án AI nào không?

Ông Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT Infore Technology:

Hiện tại công ty tôi đang nghiên cứu công nghệ ứng dụng cho người mù. Chúng ta có thể ứng dụng rất nhiều công nghệ hỗ trợ con người trong cuộc sống. 3 chức năng chính của con người thị giác, thính giác và suy luận trí não thì máy tính đều vượt qua. Đó là cơ hội lớn cho startup tạo ra rất nhiều thứ mới mẻ.

Trước đây, những người xử lý ngôn ngữ tin tưởng nếu làm tiếng Việt thì người nước ngoài phải mua lại phần mềm của mình, nhưng hiện tại thì không như vậy. Về lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo chúng ta không thể tư duy trong lãnh thổ Việt Nam được. Từ đó, nảy sinh nhiều cơ hội và nhiều thách thức.

05/12/2018 10:44

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 10 Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
Nhà báo Nguyễn Việt Hùng:
Hành lang chính sách cần phải điều chỉnh như thế nào để giải quyết những khó khăn trong phát triển công nghệ AI ở Việt Nam? 
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ:
Trong bối cảnh ở Việt Nam, tôi rất chia sẻ với những cơ hội, thách thức trong lĩnh vực AI. Với những nhà startup có tư duy toàn cầu, họ có cách tiếp cận với tất cả những nguồn dữ liệu mở. Cuộc chiến về dữ liệu là cuộc chiến đầu tiên trong AI. Nhưng vẫn có cách xử lý riêng theo từng lĩnh vực tiếp cận, nghiên cứu. Ví dụ những dữ liệu đất đai, thổ cư nếu chúng ta không có thì chúng ta không thể nghiên cứu cụ thể về từng người dân.
Vì vậy, cần có chính sách mở để dễ dàng tiếp cận trong nghiên cứu ứng dụng sản phẩm AI cho người dân, cộng đồng. Ngoài doanh nghiệp thì chính quyền, nhà trường… cũng cần ứng dụng AI. Hiện nay, rất nhiều startup cũng đặt vấn đề nhưng liệu rằng có người dùng không? Từng có ứng dụng đặt giờ hẹn khám bệnh tại các bệnh viện ở Việt Nam nhưng thất bại bởi bệnh viện công từ chối tiếp nhận trong khi bệnh viện tư thì số lượng quá ít.

05/12/2018 10:55

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 11 Nguyễn Thành Công, CEO của LC Việt Nam
Nhà báo Nguyễn Việt Hùng:

Hiện này, startup cần gì về môi trường, pháp luật và hỗ trợ của chính phủ?

Nguyễn Thành Công, CEO của LC Việt Nam:

Đến nay, tôi đã startup được 8 năm, tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn mà các start-up thường gặp. Tôi cũng tham gia các diễn đàn công nghệ như Techfest và nhận thấy hiện nay nhà nước đã tạo điều kiện nhiều cho các dự án khởi nghiệp.

Tuy nhiên, qua quá trình làm việc với các công ty nước ngoài hàng đầu, tôi thấy Việt Nam cần phải cải thiện một số vấn đề để làm thương mại. Đó là từ ứng dụng AI đến thương mại công ty Việt Nam cần một kiến trúc sư trưởng vừa có tư duy về thiết kế sản phẩm, vừa có tư duy về thương mại toàn cầu.

05/12/2018 11:00

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 12 Ông Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT Infore Technology

Cùng chung ý kiến về vấn đề môi trường, pháp luật và chính hỗ trợ của chính phủ cho startup lĩnh vực AI, ông Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT Infore Technology cho biết:

Hiện giờ tôi đã có hơn 7 năm kinh nghiệm vận hành công ty và phát triển trong lĩnh vực AI. Chúng tôi cần một số hỗ trợ từ phía cơ chế, chính sách, cơ quan quản lý Nhà nước như sau:

Thứ nhất, cần nhìn nhận rõ cơ hội và bài toán trong việc tự làm startup lĩnh vực AI. Nếu như startup có cơ hội liên kết với Nhà nước, giải quyết bài toán của cơ quan quản lý đặt ra thì rất tốt. Tuy nhiên hiện giờ chưa có.

Thứ hai, là nguồn vốn. Chúng ta có một số đề tài, dự án của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng mới ở giai đoạn bắt đầu với nguồn vốn ít. Chúng ta chưa có các nguồn đầu tư vào cho startup, trong đó là lĩnh vực AI.

Thứ ba, chúng ta cần truyền thông để mọi người phân biệt rõ giữa startup và khởi nghiệp. Dễ bị đánh đồng. Người ta nói startup có 10 người thì có thể có đến 9 người nhưng khởi nghiệp thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Tôi đọc có những nghiên cứu những người khởi nghiệp tỷ lệ thất bại chỉ khoảng 30%. Khi chúng ta hiểu không đúng thì những phản biện xã hội không được chính xác.

Thứ tư, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm tạo cơ chế chính sách điều kiện cho các lĩnh vực mới. Ví dụ có thể không áp dụng ở Việt Nam nhưng nghiên cứu để áp dụng ở nước ngoài.

Cần định hình rõ đó là Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nó chỉ là một bước tiến cao hơn từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 3.

05/12/2018 11:07

Nhà báo Nguyễn Việt Hùng:

Lời khuyên cho các startup Việt trong thời điểm này về lĩnh vực AI?

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo:

Đứng ở góc độ nghiên cứu và đào tạo, start-up muốn khởi nghiệp cần có sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và công nghệ nếu muốn làm về AI. Làm AI đòi hỏi phải chuyên nghiệp vì đó là lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ. Chủ startup vẫn có thể tận dụng nguồn tri thức từ bên ngoài, nhưng người này vẫn phải có khả năng hấp thụ, tiếp nhận nguồn tri thức. Nếu startup chưa có chuẩn bị kỹ lưỡng, khó có thể làm về lĩnh vực AI được. Đương nhiên, muốn startup cần nhiều yếu tố khác nhau như tư duy kỹ thuật, tìm kiếm thị trường... Nhưng đứng trên góc độ nghiên cứu và đào tại, kiến thức sâu rộng về lĩnh vực AI là quan trọng nhất.

05/12/2018 11:11

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 13 Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong và ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ tặng hoa các vị khách mời tại buổi giao lưu

Nhà báo Nguyễn Việt Hùng:

Trước đề xuất của doanh nghiệp liên quan tới AI, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ có chia sẻ gì?

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ , Bộ Khoa học và Công nghệ:

Chúng ta mong muốn hiểu đúng và có người cung cấp thông tin để chúng ta hiểu đúng về nó. Cần đưa nội dung tập trung năm 2019 là những kiến thức về lĩnh vực AI với những đối tượng cần. Đồng thời, có tổ chức một số cuộc thi từ cấp trung học phổ thông lên đại học để mọi người tiếp cận và hiểu đúng về lĩnh vực AI. Chúng ta có nhiều tấm gương ứng dụng khởi nghiệp rất xuất sắc. Chúng ta cần nhân rộng và lan toả hứng khởi, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.

Cần tích hợp AI trong lĩnh vực tư vấn, đưa các dự án nâng cao chất lượng đời sống vào để phổ biến trong cộng đồng. Về đề xuất cần môi trường thử nghiệm trong lĩnh vực AI, chúng tôi sẽ tập hợp tất cả những đề xuất để trình lên Thủ tướng Chính phủ và cần một lộ trình. Từ 2019-2020 có thể sẽ có hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển AI và cho startup trong lĩnh vực AI.

 Trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là linh hồn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên thế giới đang bước vào giai đoạn đột phá với thành tựu xuất sắc, trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp.

Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo được manh nha nhiều năm, đạt được những thành tựu bước đầu. Thời gian gần đây, cùng với làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ trên cả nước, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI được thành lập. Nhiều ý tưởng, sản phẩm AI được nghiên cứu, phát triển, giải quyết những vấn đề thiết thực trong cuộc sống, có thể kể đến như giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo chuyển đổi văn bản tiếng Việt sang giọng nói tự nhiên Vbee của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải pháp Xử lý Dữ liệu Vbee, đơn vị giành giải Nhì Nhân tài Đất Việt 2018. Đây là dịch vụ đầu tiên tại thị trường Việt Nam được áp dụng thành công trí tuệ nhân tạo học máy vào ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt, cho phép chuyển đổi văn bản tiếng Việt sang giọng nói, với kết quả giọng nói tự nhiên như con người, có cảm xúc, có “tâm hồn”. Hay sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC) giành giải Nhân tài Đất Việt 2016.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, ứng dụng AI ở Việt Nam mới dừng ở bước đầu, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI chưa nhiều, chưa có thành tựu đột phá, ứng dụng AI giải quyết các vấn đề cuộc sống còn kiêm tốn.  Trong khi đó, tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, Giao thông… Vậy doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI của Việt Nam đang gặp những khó khăn, thách thức gì, làm sao để tận dụng thời cơ đang có là vấn đề được nhiều độc giả quan tâm. Tìm câu trả lời cho những vấn đề trên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học  và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức Giao lưu trực tuyến: "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam: cơ hội và thách thức”.

Giao lưu trực tuyến là cơ hội để cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia cũng như đông đảo bạn đọc nhìn nhận về  tiềm năng, triển vọng ứng dụng AI ở Việt Nam đồng thời chỉ ra những thách thức, khó khăn mà doanh nghiệp khởi nghiệp phải đối mặt để có những giải pháp phù hợp.

Giao lực trực tuyến có sự tham gia của bốn khách mời gồm:

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 14Ông Phạm Hồng Quất 

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 15

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài 

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 16   Ông Lê Công Thành 

Ông Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Infore Technology.

Trực tuyến: Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ảnh 17    Ông Nguyễn Thành Công 

Ông Nguyễn Thành Công, CEO của Công ty TNHH Công nghệ LC Việt Nam

Giao lưu trực tuyến sẽ diễn ra từ 9h-11h, thứ Tư, ngày 5/12/2018 tại Báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.