Gốm sứ Chu Đậu - cuộc truy tìm những bí ẩn chưa kết thúc

Gốm sứ Chu Đậu có lịch sử lâu đời.
Gốm sứ Chu Đậu có lịch sử lâu đời.
Cuộc khai quật vào cuối năm 2014 vừa rồi tại di chỉ gốm Chu Đậu và việc công bố kết quả vào ngày 17/1/2015 đã hé mở nhiều thông tin quan trọng về quy mô sản xuất, công nghệ gốm sứ và quan hệ giữa gốm sứ Chu Đậu với Hoàng thành Thăng Long…

Chu Đậu là một làng nhỏ nằm ven đê phía tả ngạn sông Thái Bình thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Từ lâu Chu Đậu được nhiều người biết đến bởi nơi đây được xem là di chỉ gốm sứ rất nổi tiếng trong lịch sử. Và sau 30 năm phát hiện, cuộc khai quật khảo cổ cuối năm 2014 vừa qua đã hé mở nhiều thông tin về địa điểm, kỹ thuật sản xuất gốm sứ, nhất là công nghệ lò nung. Đặc biệt hơn, là những phát hiện về gốm sứ nơi đây gắn với thời hoàng kim của gốm sứ Thăng Long thế kỷ XV…

Chuyện kể rằng, khi ông Bí thư đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam  phát hiện tại bảo tàng Topkapi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ chiếc bình tỳ bà tuyệt đẹp, được mua bảo hiểm giá hàng triệu USD, trên đó có dòng minh văn ghi xuất xứ của hiện vật là Chu Đậu, có bút tích của bà Bùi Thị Hý, một nghệ nhân tài hoa thời trước. Tháng 6-1980, ông Ngô Duy Ðông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) nhận được một lá thư gửi đến từ xứ sở hoa anh đào xa xôi - thư của ông Makoto Anabuki.

Thư có đoạn: "Tôi mới được biết Viện bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bảo tồn một lọ Hoa lam Việt Nam, đã được xuất cảng Việt Nam hồi thế kỷ XV, thế kỷ XVI. Lọ ấy có mang chữ Hán như sau: Ðại hòa bát niên Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút. Nghĩa là, năm 1450, một người thợ tên là bà (cô) Bùi Thị Hý ở Nam Sách đã vẽ (hoa văn trên lọ). Từ đó làng Chu Đậu đã được mặc định là nơi có trung tâm gốm sứ nổi tiếng từ thế kỷ XV…

Thế nhưng, gốm sứ Chu Đậu cho đến hôm nay vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá, giải mã… Dòng gốm nổi danh này đã ngốn không biết bao nhiêu tâm sức của các nhà nghiên cứu, khảo cổ. Ông Tăng Bá Hoành, nguyên là Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, người đã bỏ hơn nửa đời  người khảo sát khám phá về lịch sử của làng gốm nổi tiếng này, nhưng với ông, hầu như những bí ẩn vẫn còn đang chìm khuất đâu đây dưới lòng đất Chu Đậu. Câu chuyện ông giám đốc bảo tàng và bí ẩn gốm Chu Đậu có lần đã được dựng thành một bộ phim truyện có yếu tố hình sự. Thế mới biết, gốm cổ Chu Đậu có giá trị như thế nào trong lịch sử và cả hôm nay…

Di chỉ này đã được Bảo tàng Hải Dương khai quật vào năm 1986 và liên tiếp sau đó là bốn cuộc khai quật khác. Qua năm lần khai quật, đã phát hiện nhiều di vật bao gồm đồ gốm men và các dụng cụ sản xuất gốm, minh chứng cho thấy nơi đây từng có một trung tâm gốm sứ cao cấp xuất hiện từ thế kỷ XIV, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI và tàn lụi vào thế kỷ XVII…

Phát hiện trên cùng với thông tin về những con tàu đắm cổ dưới lòng biển Việt Nam, Philippines, Malaysia đã hé lộ thông tin về "con đường gốm sứ" từ Việt Nam. Riêng con tàu cổ đắm trục vớt được ở Hội An đã có gần 1/4 triệu hiện vật còn nguyên vẹn, trong đó phần nhiều xuất xứ từ Chu Đậu. Phát hiện ấy cho thấy rõ từ thế kỷ XV, gốm sứ Chu Đậu đã từng được xuất khẩu ra bên ngoài. Từ phát hiện này, vị trí của gốm sứ Chu Đậu được khẳng định. Ngay từ năm 1992, di chỉ Chu Đậu đã được Bộ Văn hóa quyết định xếp hạng di tích quốc gia…

Gốm sứ Chu Đậu - cuộc truy tìm những bí ẩn chưa kết thúc ảnh 1 Một sản phẩm gốm sứ Chu Đậu.
Tuy vậy, nhưng bí ẩn gốm sứ Chu Đậu vẫn là một đề tài hấp dẫn với các nhà khoa học. Đặc biệt là việc truy tìm quy mô sản xuất, công nghệ gốm sứ, kỹ thuật sản xuất… vẫn còn là một khoảng trống lớn. Việc gốm sứ Chu Đậu tồn tại chỉ có chưa đầy ba thế kỷ, sau đó tàn lụi, vì sao? Được biết, người dành nhiều tâm sức nghiên cứu gốm Chu Đậu từ lâu nay là TS Bùi Minh Trí. Còn nhớ có mấy lần về Chu Đậu, tôi bắt gặp ông cùng với nhà nghiên cứu Nhật Bản, TS Nishimurra lang thang ở xứ này. Và không chỉ một lần.

Tính cả cuộc khai quật năm 2002, diện tích tìm kiếm chỉ có tổng cộng trên 200m2. Tất cả tư liệu có được chỉ cho thấy công việc này mới… bắt đầu. Cả một trung tâm gốm sứ gần ba thế kỷ mà chỉ khai quật mấy cái hố nhỏ như vậy, khác nào "thầy bói xem voi?" Bấy nhiêu kiến thức về Chu Đậu chưa thể nói là chúng ta đã có hiểu biết tường tận về dòng gốm sứ nổi danh này.

Cuộc khai quật lần này là đào chính ngay mảnh đất mà bảo tàng tỉnh trước đây mua lại của một hộ gia đình trong làng, có diện tích 360m². Tuy chỉ mới đào hai hố khoảng 100m2, nhưng kết quả thu được rất quan trọng. Đó là việc phát hiện tại đây các nền móng lò nung gốm. Tại tầng văn hóa 4, phát hiện nhiều loại hình di vật gồm mảnh bao nung, đồ gốm men, con kê, xỉ than…

Đặc biệt đồ gốm men tìm thấy ở đây khá phong phú bao gồm đồ men ngọc, như bát đĩa, âu, nắp tước… Men trắng vẽ lam hay men trắng vẽ chỉ lam. Tại đây có những loại hình giống đồ gốm tìm thấy ở di chỉ Hoàng thành Thăng Long… Việc phát hiện lò bầu nung gốm cho biết công nghệ sản xuất và quy mô sản xuất một đơn vị  gốm sứ xưa… Một không gian sản xuất gốm sứ bao gồm lò nung và xưởng  sản xuất. Cuộc khai quật cuối năm 2014 là cuộc lớn nhất trong bảy lần thực hiện...

Đây cũng là lần khai quật thứ 2 phát hiện lò nung loại lò bầu đốt hai ngăn. Ba loại gốm men ngọc, gốm hoa lam và men trắng, nhưng chủ đạo vẫn là loại men ngọc, được sản xuất với trình độ tinh xảo không kém gì gốm Long Tuyền bên Chiết Giang, Trung Quốc. Điều tuyệt vời là sản phẩm men ngọc được nung đơn chiếc, mỗi sản phẩm riêng một bao nung, cho ra đời sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Thú vị hơn là qua các di vật tìm được, có thể khẳng định những loại hình gốm Chu Đậu được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long từ thế kỷ XV…

Ba mươi năm qua, Chu Đậu nổi tiếng, nhưng những hiểu biết về trung tâm gốm sứ này chưa phải đã đầy đủ. Một làng nghề gốm và di chỉ gốm Chu Đậu vẫn còn rất nhiều bí ẩn.

Giá trị lịch sử văn hóa gốm Chu Đậu là quý giá, rất đáng trân trọng. Rất đáng tự hào. Việc đi tìm những bí ẩn Chu Đậu vẫn còn là khoảng trống. Hy vọng ngưới xứ Đông cùng các nhà khoa học sẽ tiếp tục nỗ lực khám phá phần mênh mông của lịch sử để những giá trị ấy được phát huy bằng việc phục dựng làng nghề gốm thủ công bên cạnh Xí nghiệp gốm sứ Chu Đậu hiện nay (thuộc Sở thương mại Hà Nội).

Cha con ông Hạ Bá Định - một người mê gốm đã khởi đầu khôi phục nghề gốm thủ công tại Chu Đậu từ lâu và biết đâu khi du lịch phát triển, Chu Đậu sẽ là một địa chỉ du lịch văn hóa thú vị. Du khách sẽ được thăm một làng nghề nổi tiếng, được trải nghiệm cùng những người thợ và được mang về quà tặng xứ gốm…

Tại hội nghị công bố kết quả khai quật lần thứ 7  ngày 17/1/2015 vừa rồi, các nhà khoa học đã đề xuất cần có kế hoạch đầu tư nghiên cứu, khai quật khảo cổ học để làm sáng tỏ hơn nữa giá trị của di tích lịch sử làng nghề gốm Chu Đậu. Cần có chiến lược quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị làng gốm cổ Chu Đậu, phục vụ tham quan, du lịch…

Trên mảnh đất bảo tàng tỉnh mua lại này hãy nhanh chóng xây dựng một bảo tàng nhỏ về gốm sứ Chu Đậu để trưng bày giới thiệu làng nghề nổi tiếng, cùng hàng vạn di vật tìm kiếm được qua các đợt khai quật…

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.