Hắc Thạch - đá thiêng tại thánh địa Hồi giáo Mecca

Người Hồi giáo thực hiện nghi lễ quanh Kaaba. Ảnh: Mundairyhouse.
Người Hồi giáo thực hiện nghi lễ quanh Kaaba. Ảnh: Mundairyhouse.
Hắc Thạch nằm trong một góc tòa nhà Kaaba, nơi được cho là địa điểm đấng tiên tri Mohammed ra đời, và nhiều người Hồi giáo tin rằng phiến đá có năng lực siêu nhiên.

Hàng năm, hàng triệu tín đồ Hồi giáo hành hương về nhà thờ Kaaba, nằm ở thánh địa Mecca tại Arab Saudi. Kaaba là một cấu trúc tựa hình hộp chữ nhật, xây bằng đá granite, cao 15,2 m, rộng 10,7 m, dài 12,2 m, được phủ lụa đen kiswa thêu chỉ vàng bên ngoài. Phía đông nam của tòa nhà là cánh cửa vàng ròng. Bên trong, sàn nhà lát cẩm thạch và đá vôi, có ba cột trụ.

Phiến đá thánh Hắc Thạch nằm ở góc đông nam của tòa nhà, cao hơn mặt đất 1,5 m. Người Hồi giáo tin rằng, nhà tiên tri Mohammed  từng hôn lên phiến đá, do đó, họ khát khao ít nhất một lần trong đời được hành hương đến Kaab và hôn lên Hắc Thạch.

Tảng đá thường được mô tả có màu đen sẫm, dài khoảng 0,6 m. Bề mặt nó đen bóng, theo quan niệm của đạo Hồi, tảng đá vốn màu trắng, nhưng chuyển đen vì hấp thu tội lỗi của nhân loại.

Hắc Thạch được mô tả lần đầu trong nền văn học phương Tây thế kỷ 19. Một khách du lịch người Thụy Sĩ là Johann Ludwig Burckhardt đến Kaaba năm 1814 và tả lại Hắc Thạch trong quyển sách về du lịch Arab của mình xuất bản năm 1829.

"Nó có hình bầu dục không đều, đường kính gần 18 cm, mặt trên sần sùi do có một tá viên đá dăm kích cỡ khác nhau dính liền bởi một lượng nhỏ xi-măng mịn mượt; tảng đá như thể từng vỡ tan tành rồi được gắn lại".

Hắc Thạch - đá thiêng tại thánh địa Hồi giáo Mecca ảnh 1

Mô phỏng Hắc Thạch. Ảnh: Wikimedia Commons.

Người Hồi giáo tin rằng thánh Allah đã ra lệnh xây dựng Kaaba. Đây là nhà thờ Hồi giáo cổ xưa nhất Trái Đất, được cho là từng được người ngoại giáo sử dụng trước khi đạo Hồi ra đời. Theo đạo Hồi, nhà tiên tri Mohammed đã đặt tảng đá vào bức tường của Kaaba năm 605.

Người Hồi giáo cũng tin rằng Hắc Thạch là một phần của đá trời. Có nhiều truyền thuyết về nó như khi Adam bị trục xuất khỏi vườn địa đàng, ông cảm thấy vô cùng tội lỗi. Hắc Thạch được trao cho Adam để giúp ông rửa sạch tội lỗi và cho phép ông trở lại thiên đàng. Một số khác cho rằng, tảng đá được lấy từ ngọn núi gần đó bởi tổng lãnh thiên thần Gabriel.

Qua thời gian, tảng đá bị hư hỏng nhiều. Trong thời gian vương triều Hồi giáo Arab Umayyad bao vây Mecca năm 683, nó được cho là bị vỡ làm nhiều mảnh do trúng đạn đá. Năm 930, tảng đá bị đánh cắp và đưa về Hajar – đảo quốc Bharain ngày nay, sau đó được hoàn trả về cho Mecca.

Có nhiều truyện kể về người bị giết chết do cố ý giao tiếp với tảng đá. Trong thế kỷ 11, một người đàn ông bị cáo buộc có ý định phá vỡ tảng đá và bị giết ngay tại chỗ, khiến tảng đá hư hỏng nhẹ.

Ngày nay, viên đã vẫn còn dấu tích của những mảnh vỡ, ước tính từ 7-15 mảnh. Chúng được dính lại với nhau bằng một khung bạc, đóng đinh bạc để gắn chặt với tảng đá.

Hắc Thạch có phải là thiên thạch?

Vì không được phép nghiên cứu trực tiếp tảng đá, nên các nhà khoa học chỉ có thể phỏng đoán về yếu tố cấu thành của nó. Họ phỏng đoán, đó là một tảng đá bazan, mã não, thậm chí là đá vỏ chai từ vũ trụ.

Một giả thuyết cho rằng hòn đá chính là thiên thạch được người Arab tiền Hồi giáo thờ phụng. Anthony Hampton và các nhà địa chất học ở đại học Oxford, Anh đã lấy mẫu cát gần nơi tảng đá và xét nghiệm.

"Tảng đá được bao phủ trong sương mù, vì những người trông coi nó không cho phép tiến hành bất kỳ thử nghiệm khoa học nào trên nó, vì lý do văn hóa và tôn giáo.

Do đó, nhiều nỗ lực được thực hiện để xác định thông tin về nó. Những mẫu cát địa phương lấy từ bán kính hai km của tảng đá cho thấy một lượng iridium – kim loại thường thấy trong thiên thạch rơi xuống Trái Đất, nhiều hơn mức bình thường so với lượng iridium trung bình trong vỏ Trái Đất.

Hắc Thạch - đá thiêng tại thánh địa Hồi giáo Mecca ảnh 2

Hắc Thạch được bao quanh bởi khung bạc. Ảnh: Habermonitor.

Ngoài ra, còn rất nhiều tế bào hình nón bị vỡ - một đặc điểm địa chất hiếm gặp chỉ hình thành trong nền đá miệng hố khi thiên thạch va chạm với mặt đất, hoặc các vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất".

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác do Robert S.Dietz và John McHone ở đại học Illinois tiến hành năm 1975 lại kết luận Hắc Thạch không phải là đá thiên thạch hay ẩn chứa sức mạnh siêu nhiên gì.

Một nhà địa chất vô danh người Arab từng thực hiện nghi lễ Haji đã kiểm tra hòn đá, phát hiện thấy có dải sáng khuếch tán cho thấy nó thực chất là đá mã não. Haji là tên gọi một nghi thức của người Hồi giáo có từ thế kỷ 14, các tín đồ phải đi ngược chiều kim đồng hồ xung quanh Kaaba 7 vòng.

Tuy nhiên, cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa thống nhất về vật liệu hòn đá, và Hắc Thạch vẫn là hòn đá thiêng nổi tiếng nhất thế giới, tiếp tục là trung tâm của những cuộc hành hương về xứ thiêng Mecca.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG