Hậu trường thi tuyển 3G

Hậu trường thi tuyển 3G
TPO - Theo kết quả thi tuyển 3G vừa được Bộ TT&TT công bố hồi đầu tháng, mạng di động nhận danh hiệu “Mạng di động xuất sắt nhất Việt Nam 2008” lại có điểm thi thấp nhất trong số ba mạng di động lớn nhất Việt Nam.
Hậu trường thi tuyển 3G ảnh 1
Mạng 3G sẽ đem lại nhiều tiện ích hơn cho người sử dụng.

Đại diện MobiFone cho biết, mặc dù cũng chịu sức ép phải giành bằng được giấy phép 3G trong lần thi tuyển này nhưng các chuyên gia làm hồ sơ thi tuyển 3G của MobiFone phải chịu một sức ép khác còn lớn hơn.

Đó là việc làm sao bài thi tuyển 3G vẫn đạt được mục tiêu nhưng lại không đi kèm với các cam kết bất lợi cho việc triển khai sau này.

Theo quy định của việc cấp phép 3G, tiền đặt cọc là một trong những khoản mục được chấm điểm cao nhất và cũng là khoản mục thể hiện tiềm lực tài chính cũng như quyết tâm đầu tư cho 3G của một mạng di động. Tuy nhiên, quy định về tiền đặt cọc cũng khá khắc nghiệt.

Theo đó, mạng di động giành được giấy phép phải đặt cọc đủ số tiền trước khi nhận giấy phép và mất vài năm mới lấy được hết số tiền đặt cọc này, chưa nói là sẽ bị phạt theo quy chế. Thực tế, số tiền đặt cọc sẽ được rút 50% tại thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ.

Trong đó Vinaphone cam kết cung cấp dịch vụ một tháng sau khi nhận giấy phép; MobiFone cam kết ba tháng và Viettel cam kết chín tháng. 50% tiền đặt cọc còn lại sẽ được trả lại dần sau ba năm. Với số tiền đặt cọc lên tới hàng trăm triệu USD thì việc đặt cọc này là một gánh nặng rất lớn.

Cũng chính vì lý do này mà những chuyên gia thực hiện hồ sơ 3G của MobiFone phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để đưa ra một con số đặt cọc dựa trên các dự đoán về số tiền đặt cọc của các mạng di động khác. Số tiền đặt cọc này phải đảm bảo sao cho MobiFone vẫn đủ điểm để đỗ 3G nhưng lại không cao để tránh cho MobiFone không bị chôn quá nhiều tiền ở ngân hàng trong một thời gian dài.

Khi mở hồ sơ 3G, hầu hết mọi người đều ngưỡng mộ trước mức tiền đặt cọc của Viettel với con số lên tới 4.500 tỷ đồng, còn Vinaphone và MobiFone chỉ bằng 1/3. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng Vinaphone và MobiFone mới là "thí sinh thông minh" trong cuộc đua này.

Mặc dù không đạt điểm cao trong khi thi tuyển 3G, nhưng đại diện MobiFone khẳng định mạng đã chuẩn bị bị kỹ lưỡng nhất cho sự chuyển đổi công nghệ di động từ 2G lên 3G. Từ năm 2006, MobiFone đã hoàn tất việc áp dụng công nghệ EDGE trên toàn mạng - một bước đệm để chuyển đổi sang 3G. Theo đại diện MobiFone, đây là mạng di động đầu tiên tại Việt Nam hoàn tất bước đệm của 3G này.

Cũng chính nhờ việc áp dụng EDGE thành công trên toàn mạng sớm, MobiFone có ưu thế hơn so với các mạng khác trong việc sử dụng chung cơ sở  hạ tầng của 2G cho đầu tư 3G. Theo tính toán của các chuyên gia MobiFone, nhờ việc có thể sử dụng chung cơ sở hạ tầng 2G, MobiFone có thể tiết kiệm tới 40% chi phí đầu tư cho việc phủ sóng và triển khai dịch vụ 3G.

Bên cạnh đó, MobiFone cũng khẳng định, họ là mạng di động đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thành công công nghệ Extended Cell - một công nghệ giúp tăng từ 3-4 lần vùng phủ sóng của các trạm BTS, đồng thời giúp tăng cường rất mạnh chất lượng dịch vụ 2G cũng như 3G được cung cấp.

Trả lời về tiến độ cũng như chất lượng triển khai 3G của MobiFone, ông Đỗ Vũ Anh – Phó giám đốc MobiFone cho biết: “Nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, MobiFone có khả năng sẽ cung cấp dịch vụ 3G sớm hơn dự kiến đã cam kết.

Bên cạnh đó, một trong những cam kết chủ yếu mà MobiFone luôn đảm bảo với khách hàng của mình là sẽ cung cấp dịch vụ 3G với chất lượng tốt nhất trên thị trường nhờ khả năng tối ưu hoá mạng lưới tốt nhất và áp dụng các công nghệ mới nhất hiện có trên thị trường. MobiFone hy vọng các thủ tục để hoàn tất việc cấp phép và đầu tư sẽ diễn ra đúng dự kiến để các chuyên gia của MobiFone có thể thực hiện đúng các kế hoạch của mình”. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...