Hồ Gươm chỉ nên bớt, không nên thêm

Dù mới ở mức ý tưởng nhưng rất nhiều chuyên gia và dư luận phản ứng gay gắt chuyện thêm biểu tượng rùa vàng bên Hồ Gươm.
Dù mới ở mức ý tưởng nhưng rất nhiều chuyên gia và dư luận phản ứng gay gắt chuyện thêm biểu tượng rùa vàng bên Hồ Gươm.
TP - Vừa nghe tới ý tưởng đặt tượng rùa vàng bên hồ Gươm nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói “bớt đi còn không xong nữa là thêm”, còn kiến trúc sư Lê Văn Lân đề xuất “càng tinh khiết càng tốt”.

Tháp rùa là quá đủ

“Tôi không thích đặt bất cứ cái gì ở hồ Gươm vì quá nhỏ trong khi nhiều thứ ở đó chưa xử lý được nên càng không thể thêm”, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế nói. Anh lấy ví dụ ngay khu vực quanh bờ Hồ, biển quảng cáo đếm ngược dịp Nghìn năm Thăng Long xong không dỡ đi giờ biến thành biển quảng cáo thương mại. Cạnh đó là tượng đài Cảm tử, trước đó nhiều người từng có ý kiến nên di dời vì Hà Nội có hai tượng đài cảm tử (một cái ở vườn hoa bốt Hàng Đậu) là không cần thiết.

“Đặt tượng rùa ở chỗ nào cũng khiến tôi khó hình dung. Khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục chẳng hạn, Hội Sử học băn khoăn mãi chưa thương lượng được với Hà Nội để đặt một tấm bia nhỏ ghi lại lịch sử của di tích này. Không đơn thuần có thêm một tác phẩm điêu khắc là được bởi đi theo nó là phải thêm không gian và diện tích cho những thứ phụ trợ. Tôi nghĩ nên học người Nhật ở sự trân trọng không gian rỗng, khi lượng người đông tới sẽ lấp đầy không gian và chỉ có một vài điểm nhấn. Hà Nội có quá nhiều điểm nhấn rồi”, nhà nghiên cứu Yên Thế nói thêm. Dễ dàng kể ra một loạt di tích xung quanh hồ Gươm như Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu, đài Nghiên-tháp Bút, tháp Rùa, tượng đài Lý Thái Tổ và Lê Thái Tổ ở hai bên hồ.

KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội thậm chí còn cho rằng ý tưởng đặt biểu tượng rùa vàng tại hồ Gươm “không đáng tốn công sức bàn luận”. Đây không phải lần đầu tiên tác giả ý tưởng Tạ Hồng Quân trình lên UBND thành phố Hà Nội.

“Đừng nên nghĩ rằng có truyền thuyết vua Lê Lợi gắn với rùa hồ Gươm thì phải đặt biểu tượng rùa vàng. Càng không thể thấy các nước có biểu tượng thì Hà Nội cũng phải thêm biểu tượng rùa vàng. Biểu tượng tháp Rùa hồ Gươm giải quyết được mọi vấn đề đặt ra rồi”, ông Lân nói.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng Hà Nội đã quá đủ biểu tượng rùa: Di tích đền Ngọc Sơn có trưng bày tiêu bản rùa hồ Gươm chết năm 1967. Hai tiêu bản rùa hồ Gươm mới đây được giao cho Bảo tàng thiên nhiên bảo quản và chuẩn bị đưa ra trưng bày. Chưa kể bảo tàng Hà Nội đặt một tượng rùa. “Thời nào rồi mà còn bái vật giáo-tôn thờ đồ vật, động vật”, KTS Đoàn Kỳ Thanh nói.

Cần quy hoạch Hồ Gươm

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nhấn mạnh nếu đặt tượng rùa vàng sẽ tạo thành tiền lệ đặt được cái này sẽ đặt thêm cái khác. “Cái nào cũng truyền thống, quý giá thì khó quá. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là không gian thì mọi người không tính đến và chưa làm được. hồ Gươm hiện ở trong tình cảnh bỏ đi còn chẳng bỏ được nữa là thêm vào càng làm cho không gian rối rắm, ngột ngạt.

Quy hoạch tổng thể hồ Gươm chưa giải quyết được, rồi chuyện hạ độ cao cũng chưa xong. Ngay chuyện chỉnh trang quanh Hồ Gươm, tôi theo dõi người ta loay hoay mãi bề mặt tòa Hàm cá mập nhưng cơ bản hình khối xấu rồi thì thay đổi kiểu gì cũng không được”, nhà nghiên cứu Yên Thế nói.

“Hồ Gươm để càng tinh khiết càng tốt. Chúng ta không nên nghĩ tới những biểu tượng quá tủn mủn, nên nghĩ tới quy hoạch cụ thể hơn cho hồ Gươm”, KTS Lê Văn Lân nói. KTS Đoàn Kỳ Thanh cũng cho rằng phải giảm tải cho hồ Gươm, giảm rác thị giác cho vùng lõi hồ Gươm. “Hồ Gươm cần một cách tiếp cận nhẹ nhàng, không hầm hố và phải lấy thiên nhiên làm chủ thể để con người đến đó thấy gần gũi”, KTS Đoàn Kỳ Thanh nói. Ông cũng nhấn mạnh nếu coi là tác phẩm nghệ thuật công cộng thì phải có dấu ấn nghệ sỹ, cả kích thước lẫn trọng lượng không thể tùy tiện đều do nhà quy hoạch, kiến trúc quyết định.

Năm 2011 Hà Nội trao đồng giải nhì cho hai phương án trong cuộc thi Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận. Trong đó ý tưởng do nhóm  của KTS Hoàng Thúc Hào được đánh giá cao.

Điểm chính trong ý tưởng là chỉnh trang lại nhiều không gian để trả lại không gian mở cho các công trình hiện hữu trên mặt đất quanh hồ Gươm như quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tòa nhà Bưu điện, tòa Hàm Cá Mập, tòa nhà UBND thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên tới thời điểm này ý tưởng vẫn chưa trở thành hiện thực. Mới đây UBND thành phố Hà Nội giao UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện đề án chỉnh trang không gian hồ Gươm để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. 

Rùa vàng Hồ Gươm của nhóm tác giả Tạ Hồng Quân và nhà sử học Dương Trung Quốc nhận được một số ý kiến ủng hộ của các nhà khoa học như GS Vũ Khiêu, PGS.TS Đặng Văn Bài, PGS. Hà Đình Đức. Nhóm tác giả dựa theo truyền thuyết Vua Lê trả gươm cũng như sự quan tâm của người dân tới “cụ” rùa Hồ Gươm. Dự kiến tượng bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, có chiều dài khoảng 2,5-3,5m, chiều cao gồm cả bệ khoảng 2,5m và nặng 6-10 tấn.

Hà Nội chưa nhận được ý kiến

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết chưa nhận được bất cứ văn bản nào liên quan tới ý tưởng đặt tượng rùa vàng. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nói: “Nếu nhận được văn bản chúng tôi trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố xem xét lấy ý kiến các nhà khoa học ở các góc độ khác nhau, lấy ý kiến nhân dân sau đó mới tham mưu UBND thành phố để trình Bộ VHTTDL”. Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội là Khuê Văn Các được quy định trong Luật Thủ đô 2012.

PGS. TS Hà Đình Đức cho hay, ông đã biết đến ý tưởng tượng rùa từ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Đến thời điểm này, đề án này vẫn còn nguyên tính thời sự, bởi cụ rùa trong Hồ Gươm đã chết. Vì vậy, dựng tượng lại sẽ khơi gợi cho những người đến hồ hình ảnh của cụ rùa.

Ông Đức cho rằng: Tượng rùa khác hoàn toàn với mô hình khỉ Kong mà Bộ Văn hoá thể thao và du lịch đã có đề xuất trước đây, bởi rùa gắn liền với sự tích đặt tên của hồ Gươm. Bức tượng rùa ở hồ Gươm sẽ là một dấu ấn để du khách tới tham quan, tìm hiểu lịch sử Thủ đô. Nó sẽ giúp du khách hiểu lịch sử chống giặc ngoại xâm, truyền thuyết “trả gươm Thuận Thiên cho thần Kim Quy” của vị anh hùng Lê Lợi.

Tuy nhiên, ông Đức nhấn mạnh: Nói đặt tượng đúc bằng đồng, vàng, nặng 10 tấn giữa hồ Gươm là phô trương, không phù hợp với nơi được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay thông tin 10 tấn vàng để đúc cụ rùa là không chính xác. Ông Quốc đồng tình với việc đặt biểu tượng rùa tại Hồ Hoàn Kiếm, tuy nhiên về chất liệu, hình dáng, kích cỡ ra sao cần được bàn kỹ.    

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.