Học trực tuyến: Giải pháp tình thế, trò nhanh chán

Giảng đường thời dịch Covid-19 mình thầy ngồi với máy tính - ảnh: Diệp An
Giảng đường thời dịch Covid-19 mình thầy ngồi với máy tính - ảnh: Diệp An
TP - Nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19, nhiều trường đại học (ĐH) triển khai dạy trực tuyến hoặc kết hợp hai hình thức trực tuyến và truyền thống. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dạy – học online chỉ là giải pháp tình thế.

Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội chính thức dạy học online từ  ngày 24/2. Chia sẻ về công việc có phần mới mẻ của mình, cô Dương Thị Thu Huyền, giảng viên của khoa cho biết các giờ giảng bắt đầu sớm từ ca 7h sáng. Các lớp tiếng Anh dự bị bắt đầu lúc 8h.

“Buổi sáng, giáo viên không vội vàng lao ra khỏi nhà lúc 6h30 như mọi khi, nhưng có lẽ chúng tôi vẫn phải chỉnh trang để còn kịp giờ lên lớp, mà đúng ra là lên hình. Thầy, cô đùa nhau, đang yên đang lành, nguyện một đời làm thầy giáo Thứ, nay vì Covid-19 mà biến thành Streamer hay YouTuber cả”, cô Huyền hóm hỉnh nói. Cô Huyền cho biết dù có 11 năm kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp song cô vẫn hồi hộp khi lên sóng những ngày đầu. 

Cô Huyền vẫn còn nhớ như in những buổi đầu giảng trực tuyến. Cô đang say sưa giảng bài thì thấy xuất hiện thanh tra kiểm tra sĩ số lớp. Bình thường, thanh tra đứng ở cửa lớp khoảng 2 phút, nhưng với lớp online đứng hơi bị lâu. Rồi chuyện trưởng khoa “đột xuất” dự giờ cũng khác với ngày học trực tiếp.

Nhưng có lẽ, cô Huyền ấn tượng nhất là tới phần thực hành, cô đặt 10 phút cho sinh viên viết bài, yêu cầu cả lớp tắt tiếng để viết cho tập trung thì bỗng lời bài hát “mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi” cất lên như tiếng ai đó hát karaoke.

Một bạn sinh viên thanh minh ngay: “Cô ơi, bố em hát, em tắt tiếng ngay đây”. 11h30 sáng, lớp học gần kết thúc, sinh viên đang nghe cô giao bài tập về nhà thì có câu gắt vọng lên: “Có tắt cái máy xuống dọn cơm không, ôm máy suốt từ sáng đến giờ không chán hả Minh?” làm cả lớp cười vui ồn ào hơn chợ vỡ. Ngày đầu học trực tuyến, có không ít kỷ niệm cười ra nước mắt, nhưng theo cô Huyền, cả giáo viên và sinh viên đều có những khởi đầu tốt đẹp.

Chia sẻ về việc học tập thời gian này, Đỗ Mạnh Tuấn, sinh viên trường ĐH Thương mại cho biết ngồi học online không có sự tương tác nên thực sự buồn ngủ và chóng chán. Ngồi một chút đã thấy díu mắt lại, chán quá lại vào lướt web nên hiệu quả không cao như học trên lớp. Một số sinh viên khác thì cho biết do ở quê không có mạng nên phải ra các quán game để học nên dễ bị phân tán tư tưởng, hiệu quả cũng không được như ý muốn.

Không dễ như tưởng tượng

Trong thư gửi đến toàn thể sinh viên trong trường trước khi bước vào học online (ngày 9/3),  hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ thông tin TPHCM, PGS Nguyễn Hoàng Tú Anh khẳng định đây là thách thức đối với tất cả mọi người. PGS Tú Anh cho biết, các thầy cô ở các khoa, bộ môn đã chuẩn bị tích cực cho các bài giảng online và có nhiều biện pháp hỗ trợ cho sinh viên. Bước đầu triển khai phương pháp học mới chắc chắn sẽ có nhiều sự chưa đồng bộ, khó khăn. Chính vì vậy, PGS Nguyễn Hoàng Tú Anh bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng, tất cả sinh viên của trường sẽ cùng kiên nhẫn để thích nghi với hình thức học này.

PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng thừa nhận dạy online không dễ như nhiều người tưởng. Theo ông Dũng, trường phải mất 6 năm và cần sự đầu tư lớn mới xây dựng được cơ bản thói quen học online cho sinh viên. Thế nên, với những trường chỉ mới áp dụng sẽ khó có thể đạt kết quả, chất lượng như mong đợi.

Theo ông Dũng, vấn đề nhiều trường dễ mắc phải nhất là chưa hình dung ra hết những khó khăn khi dạy online. Một số đơn vị hiểu rằng học online nghĩa là học từ xa nhưng thực tế không phải như vậy. Dạy online đúng nghĩa không phải kiểu dạy như trên truyền hình và một số trường hiện nay đang làm, giáo viên cứ quay video dài hàng tiếng đồng hồ rồi đưa lên Internet cho sinh viên nghe giảng.

Những năm đầu tiên khi dạy online, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM  chia thành 3 cấp độ. Cấp độ 1 đơn thuần là đưa bài giảng, tài liệu học tập lên mạng, sinh viên phải tải về đọc, làm bài tập. Trên lớp, thầy giáo sẽ kiểm tra và hướng dẫn thêm cho người học. Ở cấp độ 2, một nửa dạy online, một nửa dạy trên lớp. Ở cấp độ 3 là dạy toàn bộ online. PGS Đỗ Văn Dũng cho hay một bài giảng online đúng nghĩa là phải chia nhỏ học phần thành các chủ đề kéo dài khoảng 10-15 phút, ngay sau 10 phút học phải có đánh giá xem sinh viên có hiểu bài không. Sau đó mới phát tiếp nội dung học tập khác.

Đặc biệt tính chất không đồng bộ phải được các nhà trường lưu ý. Việc học online có lúc chỉ 5-7 người học với thầy cô nhưng có lúc vài chục người, thậm chí cả trăm người. Chính vì thế, PGS.TS Đỗ Văn Dũng chỉ rõ nhiều người chưa hiểu đúng bản chất của dạy online, giảng viên chưa có kinh nghiệm giảng dạy, sinh viên chưa có thói quen; hệ thống dạy học chưa chuyên nghiệp nên gây nhàm chán, không tạo ra hứng thú tương tác giữa giảng viên và người học...

Ngoài ra, giảng viên phải tâm huyết và dành nhiều thời gian cho việc xây dựng bài giảng, kiểm tra bài tập và trao đổi với sinh viên. Đây là vấn đề cần thời gian để thầy và trò cùng thích nghi. Trong bối cảnh hiện nay, PGS Dũng khẳng định dạy - học online chỉ là giải pháp tình thế.

Đây là vấn đề cần thời gian để thầy và trò cùng thích nghi. Trong bối cảnh hiện nay, PGS Dũng khẳng định dạy - học online chỉ là giải pháp tình thế.

MỚI - NÓNG