Kế hoạch làm “biến mất” các trạm thu phí

Mô hình trạm thu phí tự động.
Mô hình trạm thu phí tự động.
TP - Phòng bán vé và barrier tại các trạm thu phí sẽ dần biến mất trong thời gian tới. Thay vào đó, công nghệ thu phí tự động sẽ được Bộ GTVT đưa vào áp dụng trên mỗi tuyến đường quốc lộ trong năm nay.

Công nghệ thu phí đường bộ tự động (chủ phương tiện không phải dừng xe khi qua trạm thu phí) đã được các nước áp dụng từ lâu. Ở nước ta, thu phí cầu đường vẫn chủ yếu theo phương thức cũ, gây nhiều bất tiện và lãng phí. Thời điểm hoàn thành để thông xe những tuyến đường quan trọng đã cận kề, Bộ GTVT hạ quyết tâm xây dựng ngay các trạm thu phí áp dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay.

Qua trạm mà như không

Công nghệ được Bộ GTVT đưa vào thu phí lần này mang tên RFID (Radio Frequency Identification - nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) - một công nghệ thu phí đường bộ hiện đại nhất hiện nay do Mỹ phát triển. Theo đó, mỗi phương tiện sẽ được gắn một thẻ định danh phương tiện (E-Tag), có chức năng như tấm “lý lịch” của xe.

Thẻ E-Tag này kết nối gián tiếp với một tài khoản ngân hàng của chủ xe. Khi xe qua trạm, thiết bị đầu đọc trên “cổng chào” sẽ ghi lại toàn bộ thông tin của xe; hệ thống sẽ tự động tính toán và trừ tiền trên tài khoản chủ xe. Công nghệ này cũng hỗ trợ tối đa việc nạp tiền vào tài khoản chủ phương tiện bằng nhiều hình thức như dịch vụ “Top-up” - nộp tiền vào tài khoản bằng một tin nhắn qua điện thoại, thẻ cào điện thoại hay chuyển khoản ngân hàng điện tử...

Như vậy, thay vì phải dừng xe mua vé một cách thủ công như hiện nay, các lái xe có thể đi với vận tốc tối đa cho phép tại điểm thu phí bởi mọi giao dịch thanh toán phí đường bộ tại mỗi trạm đã được hệ thống thiết bị trên “cổng chào” xử lý nhanh chóng, chính xác.

Mặc dù có rất nhiều tiện lợi cho người tham gia giao thông, nhưng mức nộp phí đường bộ không thay đổi khi qua trạm. Với công nghệ thu phí tự động thông minh mà Bộ GTVT đang đưa vào áp dụng này, chúng ta có thể thấy ngay những lợi ích trước mắt đối với người tham gia giao thông như tiết kiệm thời gian lưu thông, tiết kiệm chi phí xăng xe, tránh gây sự phiền toái, ức chế khi tham gia giao thông.

Ngoài ra có những hiệu quả khác có sức ảnh hưởng lớn về lâu dài đối với cơ quan quản lý Nhà nước và môi trường sống như giảm lượng khí thải CO2 từ khói xe, minh bạch hóa số liệu trạm thu phí, kiểm soát và đánh giá lưu lượng xe tham gia giao thông, kiểm soát thời hạn đăng kiểm xe, kiểm soát tốc độ và tải trọng xe nhằm giảm thiểu lượng xe quá tải, đồng thời số vụ tai nạn giao thông cũng được giảm xuống.

Kế hoạch làm “biến mất” các trạm thu phí ảnh 1

Trạm thu phí tự động đang được thi công trên Quốc lộ 1A.

 Khắc phục “lỗi chủ quan”

Đưa công nghệ thu phí tự động vào việc quản lý giao thông, Bộ GTVT đã tiến thêm một bước đột phá trong việc quản lý và hạn chế những can thiệp chủ quan của con người trong khâu vận hành. Tất cả các số liệu ở các trạm thu phí tự động (có độ chính xác đến 99,99%) sẽ được chuyển đến các trung tâm dữ liệu.

Các số liệu được ghi nhận, lập báo cáo, qua đó sẽ ngăn chặn được tình trạng thất thu thuế do lái xe trả tiền mà không lấy vé hoặc nhân viên thu phí cố tình không đưa vé. Thẻ định danh phương tiện (E-Tag) được thiết kế nhỏ gọn, có độ bền cao, chịu được nhiệt độ đến 100 độ C, dán chặt trên kính hoặc đèn xe nhưng lập tức bị hỏng và vô tác dụng nếu bóc ra. Chính vì vậy, thẻ E-Tag đảm bảo độ an toàn 100% với tài khoản của chủ phương tiện, tránh sự gian lận trong việc thanh toán từ tài khoản chủ phương tiện khác.

Bên cạnh việc lắp đặt các trạm thu phí tự động, dự án còn triển khai luôn các trạm cân động, phục vụ việc phát hiện và xử lý xe quá tải. Cân động có cấu tạo hiện đại, bằng một thanh cảm biến gắn dưới mặt đường nhưng có thể cân được tất cả các xe đi qua ở tốc độ cao (từ 1km/h đến hơn 200km/h). Tuy chưa được trực tiếp sử dụng để xử phạt nhưng việc sử dụng các mẫu cân này có tác dụng cảnh báo, phân loại xe quá tải.

Cả cân động và trạm thu phí tự động đều được kết nối với trung tâm điều khiển. Các thông tin này sẽ được lưu trữ, truyền trực tiếp về văn phòng Bộ GTVT, Bộ Công an và các cơ quan quản lý Nhà nước khác. Từ đây, các cơ quan quản lý có thể ứng dụng được vào các công tác quản lý như phát hiện được các xe bị trộm cắp, kiểm soát việc đăng kiểm và nộp phí đường bộ khi xe lưu thông qua trạm cân...

Áp dụng ngay đầu năm 2015

Thu phí tự động là một trong những hạng mục của dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành khai thác trên hệ thống đường bộ. Trước mắt, Bộ GTVT lập nhóm triển khai kế hoạch này bao gồm các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ, Công ty CP Tasco, Ngân hàng BIDV và các chuyên gia của Mỹ, Đài Loan.

Hiện nay, các bên liên quan đang gấp rút triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành mô hình thu phí không dừng ngay trong tháng 2 trên QL 1A. Trước mắt, các điểm thu phí này vẫn kết hợp cả 2 phương thức thu phí tự động và thủ công. Nếu áp dụng công nghệ thu phí một dừng như trước, với đường có 4 làn xe (như QL 1A hiện nay) sẽ phải mở ra thêm 8 -10 làn thu phí.

Trạm thu phí sắp vận hành này sẽ chỉ có 6 làn, gồm 4 làn thu phí tự động và 2 làn thu phí một dừng (để áp dụng trong thời kỳ chuyển giao). Song song với việc xây dựng tại hiện trường, nhóm thực hiện đang phối hợp với Cục Đăng kiểm triển khai dán miễn phí thẻ định danh phương tiện cho các xe và các doanh nghiệp vận tải tại các trung tâm đăng kiểm.

Chủng loại cân lắp đặt kèm theo các trạm thu phí tự động cũng đang được kiểm nghiệm tại Tổng cục Đo lường Chất lượng. Khi đảm bảo độ chính xác theo tiêu chuẩn và chủ trương xã hội hóa kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng của Bộ GTVT được hiện thực, đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng trong cuộc chiến với xe quá tải .

Trong cuộc họp mới đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói “QL1A mà cứ mấy chục cây số lại phải dừng xe thu phí, ùn tắc, mất thời gian là không thể được”. Với chủ trương đi thẳng vào hiện đại, Bộ GTVT quyết định: Ngay sau khi thí điểm sẽ mở rộng, áp dụng công nghệ thu phí tự động cho toàn bộ 35 trạm trên QL1 và QL14 trong năm 2015. Sau đó, việc tự động hóa các trạm thu phí sẽ được mở rộng sang các tuyến đường khác. 

 Hiện nay, công nghệ này đã được áp dụng rộng rãi tại Mỹ và các nước có công nghệ phát triển như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Đài Loan (Trung Quốc). Theo số liệu do Cục Quản lý Đường cao tốc Đài Loan cung cấp, công nghệ thu phí tự động tiết kiệm 30 phút cho thời gian di chuyển quãng đường 370km từ Đài Bắc đến Cao Hùng, giảm 20% số lượng các vụ tai nạn trên đường cao tốc. Cơ quan này ước tính, từ 10/2/2006 đến 30/12/2012, Đài Loan tiết kiệm được 200 triệu USD nhờ việc chuyển đổi từ hệ thống thu phí thủ công sang thu phí tự động bao gồm các khoản: giảm thời gian lưu thông, giảm việc sử dụng tiền giấy, giảm phát thải khí CO2, tiết kiệm nhiên liệu.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG