Khai quật phế tích tháp Chăm 1.000 năm ở Bình Định

Phế tích tháp Chà Rây với nền tháp chính rộng khoảng 80 m2, được khai quật sau 20 năm phát hiện.

Ba tuần nay, Viện Nghiên cứu Kinh thành - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cùng Bảo tàng tỉnh Bình Định tổ chức khai quật khảo cổ phế tích tháp Chà Rây, nằm trên một ngọn đồi ở xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn.

Khai quật phế tích tháp Chăm 1.000 năm ở Bình Định ảnh 1 Người dân địa phương cùng các nhà khoa học thực hiện việc khai quật. Ảnh: Hạ Lý.

Phó giáo sư - tiến sĩ Lại Văn Tới - Phó Viện trưởng cho biết, các nhà khảo cổ đã mời hơn chục người dân địa phương cùng tham gia. Đến nay, đoàn khai quật đã xác định nền kiến trúc của tháp chính với diện tích khoảng 80 m2, cửa hướng về phía Đông.

"Cụm tháp Chăm thường có 3 tháp: tháp chính, tháp phía Bắc và phía Nam. Sau khi phát hiện tháp chính ở vị trí cao nhất và xác định được cửa tháp, chúng tôi đang tìm hiểu hai tháp còn lại",  ông Tới nói.

Khai quật phế tích tháp Chăm 1.000 năm ở Bình Định ảnh 2 Nền tháp chính khoảng 80 m2. Ảnh: Hạ Lý.

Chuyên gia cho biết, ngói lợp ở phế tích tháp Chà Rây giống với loại ngói Khơ-me ở các tháp Chăm khác trong tỉnh, được các nhà nghiên cứu người Nhật xác định niên đại thế kỷ 11-12. Nhà khoa học nhận định đây là tháp tôn giáo nhưng chưa biết thờ vị thần nào.

20 năm trước, Viện Nghiên cứu Kinh thành và Bảo tàng Bình Định đã điều tra tổng thể và phát hiện 14 phế tích, di tích tháp Chăm trong tỉnh. Đến nay, tháp Chà Rây là tháp thứ ba được khai quật.

Việc nghiên cứu phế tích tháp Chăm có ý nghĩa quan trọng để làm sáng tỏ thời kỳ rực rỡ của nền văn minh Chămpa ở miền Trung.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG