Khám phá cây cầu vượt biển dài nhất thế giới

TPO - Là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới, công trình 20 tỷ USD này phải mất đến gần một thập niên để hoàn thiện.

 Clip nguồn Internet

Ý tưởng xây dựng cầu nối Hong Kong với Chu Hải đã được đưa ra từ đầu những năm 1980. Ý tưởng chỉ trở thành hiện thực vào năm 2003 khi Bắc Kinh bật đèn xanh cho tỉnh Quảng Đông, Hong Kong và Ma Cao để khởi động việc xây cầu.

Cây cầu nằm trong đại dự án với tham vọng tạo ra một trung tâm công nghệ và khoa học kết nối 2 lãnh thổ đại lục – Hồng Kông và Macau (trung tâm sòng bài lớn nhất thế giới), với 9 thành phố lân cận.

Tổng chiều dài của cầu Hồng Kông – Chu Hải – Ma Cao là 55 km, gồm 3 cây cầu cáp treo, 2 đảo nhân tạo với diện tích rộng 100.000 m2 mỗi đảo và 1 đường hầm biển dài 6,7 km. Siêu công trình này có khả năng chịu được động đất 8 độ richter, những siêu bão lên đến cấp 16, thậm chí nó vẫn đứng vững dù bị một tàu hàng hạng nặng tông trực diện.

Gọi là “cây cầu” nhưng đây thực ra là hệ thống gồm 3 cây cầu cáp treo và 1 đường hầm dưới biển cùng 2 đảo nhân tạo. Tổng chiều dài là 54,7km, theo Business Insider.

Với năng suất kinh tế ước tính 1,5 tỷ USD, khu vực mới này với tên gọi Greater Bay Area, được dự tính sẽ cạnh tranh với thung lũng Silicon ở Hoa Kỳ. Đại dự án này cũng bao gồm một hệ thống tàu cao tốc trị giá 11 tỷ USD, đã được mở vào tháng 9/2018.

Cầu Hồng Kông-Chu Hải-Macau được thiết kế với tuổi thọ hơn 1 thế kỷ, có khả năng chịu các cơn bão và động đất lớn.

Cây cầu cũng tiêu tốn 400.000 tấn thép, gấp 4,5 lần số vật liệu được dùng để tạo nên cầu Cổng Vàng ở San Francisco, Mỹ, đủ để xây dựng 60 tháp Eiffel của Pháp, cùng 1,08 triệu m3 xi măng.

Thông báo chính thức nói rằng công trình có thể trụ được trước cơn bão có sức gió hơn 300 km/h. Cơn bão Mangkhut quét qua Hồng Kông tháng 9/2018 đã cho thấy phần nào khẳng định này, khi nó làm tốc mái nhà, nhổ bật gốc cây nhưng không thấy có báo cáo thiệt hại nào ở cây cầu. Một đường hầm dài 6,3 km kết nối 2 hòn đảo nhân tạo, giúp công trình ổn định hơn, cũng là để tàu bè loại lớn có nơi qua lại.

Cái giá phải trả

Theo các số liệu chính thức từ tháng 12/2017, chi phí ước tính của việc xây cầu đã đội lên 26%. Chi phí đội lên được 3 bên chia sẻ, cũng như các khoản vay từ các ngân hàng do Đơn vị quản lý cầu Hong Kong-Chu Hải-Ma Cao đứng ra vay.

Cơ quan giao thông Hong Kong đã viện dẫn nhiều lý do cho việc đội phi chí, trong đó có các điều kiện xây dựng phức tạp trong vùng biển sâu và các khó khăn về thi công.

Kế hoạch hoàn thành cầu cũng bị trì hoãn 2 năm so với dự kiến ban đầu là khánh thành năm 2016.

Cây cầu Hong Kong-Chu Hải-Ma Cao cũng được miêu tả là dự án đổ nhiều mồ hôi và máu của nhiều người trong lĩnh vực xây dựng tại Trung Quốc. Theo Hội vì quyền các nạn nhân tai nạn công nghiệp, 10 lao động đã thiệt mạng và hơn 600 người khác bị thương trong quá trình xây cầu kể từ năm 2010.

Những lo ngại về sự tốn kém mà hiệu quả thấp cũng đã được nêu ra hồi đầu năm nay khi giới chức tiết lộ rằng số phương tiện sử dụng cây cầu dự kiến sẽ giảm.

Theo một nghiên cứu vào năm 2008, khoảng 33.100 phương tiện và 171.800 hành khách dự kiến sẽ sử dụng cây cầu mỗi ngày đến năm 2030. Tuy nhiên, ước tính này sau đó đã giảm xuống còn 29.100 phương tiện và 126.000 hành khách, giảm lần lượt 12,08% và 26,66%.

Khu vực nước dưới cầu là nhà của Cá heo trắng Trung Quốc (hay Cá heo lưng bướu Thái Bình Dương). Số lượng loài động vật này đang giảm mạnh, từ tháng 4/2017 đến tháng 3/1018, chỉ có 47 con xuất hiện. Một số chuyên gia lo lắng, việc xây dựng cầu, thêm nữa là mở rộng sân bay tại địa phương, sẽ là tiếng chuông cảnh báo sự tuyệt chủng của loài này.

MỚI - NÓNG