Khẩn cấp thí điểm công nghệ ngăn lũ bùn đá ở Sơn La, Yên Bái

Dựa trên kết quả khảo sát địa hình của từng khu vực có thể ứng dụng đập Sabo để ngăn lượng lũ bùn đá tràn xuống khu vực hạ lưu.

Công nghệ đập có thể ngăn hoàn toàn lượng bùn đá được chuyên gia Nhật Bản giới thiệu tại hội thảo khoa học do Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 9/11, tại Hà Nội.

Đập ngăn lũ bùn đá có tên Sabo Dam được thiết kế dựa trên số liệu khảo sát thực tế về chiều cao sườn dốc, khoảng cách cũng như những đối tượng phía dưới cần bảo vệ khi lũ quét, lũ bùn đá xảy ra. Đập được tính toán đủ lực để ngăn lại lượng đất đá tràn xuống phía dưới.

Khẩn cấp thí điểm công nghệ ngăn lũ bùn đá ở Sơn La, Yên Bái ảnh 1 Một số mẫu đập hở được thiết kế bởi các chuyên gia Nhật Bản. Ảnh chụp màn hình.

Sẽ có hai dạng đập được thiết kế gồm loại hở và kín. Với đập kín thì sẽ ngăn toàn bộ lượng bùn đất, gỗ tràn xuống giống một bức tường chắn. Đập hở là các kết cấu thép được thiết kế cho nước và lượng đất đá kích thước nhỏ có thể chảy qua, chỉ giữ lại đất, đá kích thước lớn. Chuyên gia cao cấp Yusuke Sakai, Viện nghiên cứu quốc tế và quản lý cơ sở hạ tầng và đất đai (Nhật Bản) cho biết, với công nghệ này cho phép ngăn hoàn toàn lượng đất, đá khi xảy ra lũ.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, công nghệ này chi phí thấp, tận dụng được nguồn nguyên liệu trong nước. Ở những khu vực có cơ sơ vật chất quan trọng (trường học, nhà dân...) cần thiết kế nhiều đập đủ để bảo vệ các đối tượng này. Còn các khu vực chỉ có sông suối không có nhà dân hay công trình nào ở dưới thì sẽ tính toán xây dựng đập phù hợp.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng Chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện Chính phủ có chủ trương xây dựng dự án thí điểm ứng dụng công nghệ để hạn chế thiệt hại từ lũ quét, lũ bùn đá.

Tổng cục Phòng chống thiên tai đã lập dự án thí điểm khẩn cấp, trình Bộ phê duyệt và báo cáo Chính phủ. Theo dự án này sẽ thí điểm ở hai địa điểm bị ảnh hưởng lũ quét, lũ bùn đá nặng nề nhất là Sơn La và Yên Bái. Hai địa phương này có địa hình phù hợp với đặc thù công nghệ này.

Cụ thể, tại Xã Nậm Păm (Mường La, Sơn La) và Thị trấn Mù Cang Chải (Mù Cang Chải, Yên Bái) sẽ thí điểm lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ bùn đá và xây dựng hệ thống đập ngăn bùn đá

Dự án cũng có tài liệu hướng dẫn và tiêu chuẩn thiết kế đập để có thể ứng dụng rộng trên cả nước ở những địa hình tương tự.

Đánh giá cao tính khả thi của công nghệ này song nhiều nhà khoa học Việt Nam bày tỏ lo ngại khi đập ngăn đá lại, đến một điểm nhất định sẽ bị đầy khiến đập không còn khả năng chứa.

Giải đáp băn khoăn này, chuyên gia Nhật Bản cho rằng, với đập hở chỉ khi xảy ra lũ lượng đất, đá khối lượng lớn mới bị dồn lại. Sau mỗi đợt xảy ra lũ địa phương cần có kế hoạch để giải tỏa phần bị lắng lại ở thành đập. Như vậy sẽ không có con số cụ thể bao nhiêu năm phải tiến hành nạo vét.

Vì vậy trước khi xây dựng sẽ phải khảo sát cụ thể để biết rõ nếu xảy ra trượt lở sẽ có bao nhiêu lượng đất đá tràn xuống và quyết định chọn đập kín hay đập hở và có kế hoạch giải tỏa tương ứng.

Công nghệ này hiện đã được ứng dụng nhiều tại các địa phương thường xảy ra lũ quét, lũ bùn đá ở Nhật Bản.

Ngày 24/6/2018, lũ quét và sạt lở đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại Hà Giang, Lai Châu và một số tỉnh miền núi phía Bắc khiến 33 người chết và mất tích; 176 nhà bị đổ, cuốn trôi, 1270 nhà bị hỏng và di dời khẩn cấp; hơn 1000ha lúa bị thiệt hại; nhiều tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ bị sạt lở nghiêm trọng.

Năm 2017, lũ quét và sạt lở đất làm 71 người chết và mất tích, 4109 ngôi nhà bị đổ sập, cuốn trôi, 13.246 hộ dân đang sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG