Khi nhà khoa học không còn phải nói dối

Các nhà khoa học trẻ đại học quốc gia Hà nội nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Các nhà khoa học trẻ đại học quốc gia Hà nội nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Thông tư 55 về định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ vừa có hiệu lực, nhận được sự đồng thuận cao trong giới khoa học. Bởi với cách làm mới này, nhà khoa học sẽ không còn phải đối phó, nói dối để quyết toán, tình trạng “cai thầu” trong khoa học công nghệ cũng chấm dứt.

Thay đổi cách tính công lao động

Thông tư 55 liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ KH&CN, được đề xuất xây dựng từ năm 2013, ban hành ngày 22/4, có hiệu lực từ 8/6. Nói về khác biệt giữa cách làm cũ (theo thông tư 44) và cách làm mới (theo thông tư 55), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho hay, Thông tư 44 tính công lao động của các nhà khoa học bằng chuyên đề. Do định mức chi tối đa một chuyên đề rất thấp (khoảng vài chục triệu đồng), một đề tài nghiên cứu khoảng 6 tỷ đồng nhà khoa học phải vẽ ra tới 200 chuyên đề.

Nhiều nhà khoa học khốn khổ vì không thể nghĩ ra được tên của 200 chuyên đề sao cho khác nhau. Nhiều khi phải đối phó, nói dối. Việc này cơ quan quản lý khoa học biết, kiểm toán biết, kho bạc biết nhưng phải chấp nhận dù nhiều chuyên đề không xứng đáng. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế vấn đề X, nhà khoa học buộc phải chẻ ra 10 chuyên đề, mỗi chuyên đề một quốc gia, từ Thái Lan qua Hàn Quốc, Mỹ… có khi sao chép vội từ chuyên đề này sang chuyên đề kia mà tên chuyên đề là Thái Lan, nội dung vẫn là Mỹ.

Cách làm cũ, “quyền lực” nằm trong tay chủ nhiệm đề tài. Ai chủ nhiệm coi đề tài là của mình, đề tài được làm như thế nào, việc trả công cho người tham gia như thế nào, có xứng hay không - không ai biết, không ai giám sát, kể cả người đứng đầu cơ quan nghiên cứu. Tiền chi phí cho cơ quan nghiên cứu cũng rất hạn chế dù ông chủ nhiệm đề tài dùng trang thiết bị, con người của viện, trung tâm để làm.

“Nếu trước đây ông chủ nhiệm đề tài bảo đề tài thua lỗ, khó khăn, hết tiền rồi, chia được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, không ai giám sát được. Nay thì ngược lại, chi như nào, ai được hưởng từng nào sẽ minh bạch”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân

Thông tư 55 sẽ dự toán, quyết toán kinh phí theo ngày công. Một đề tài cần bao nhiêu người làm, mỗi người bao nhiêu ngày công, từ đó tính ra công lao động trực tiếp. Ngoài ra còn có các khoản chi khác như mua vật tư, thiết bị, sửa chữa, mua sắm tài sản, thuê chuyên gia nước ngoài, chi quản lý chung cho các cơ quan nghiên cứu… Từ đó dự toán ra kinh phí một đề tài nghiên cứu và tiền lương mà từng nhà khoa học được hưởng. Kinh phí nghiên cứu được chuyển trực tiếp vào quỹ lương của Viện, chi đến đâu, chủ nhiệm đề tài làm dự trù, viện trưởng duyệt chi. 

“Nếu trước đây ông chủ nhiệm đề tài bảo đề tài thua lỗ, khó khăn, hết tiền rồi, chia được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, không ai giám sát được. Nay thì ngược lại, chi như nào, ai được hưởng từng nào sẽ minh bạch”, Bộ trưởng nói.

Thông tư 55 bổ sung một số nội dung chi mà thông tư 44 chưa có như chi thuê chuyên gia nước ngoài, mua bí quyết công nghệ, mua sáng chế, thiết kế phần mềm, chuyên gia tư vấn độc lập. Định mức chi cho họp hội đồng, hội thảo, hội nghị cũng được tăng lên.

Khi nhà khoa học không còn phải nói dối ảnh 1

Thông tư 55 sẽ giúp các nhà khoa học hưởng công xứng đáng hơn trong nghiên cứu. Ảnh minh họa: Ngũ Hiệp.

Chấm dứt “cai thầu” trong nghiên cứu

Đánh giá về thông tư 55, PGS.TS Trương Xuân Lam, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, cho rằng “cách làm mới giúp cho nhà khoa học rất nhiều, đỡ phải nói dối, trả công xứng đáng, thông tin minh bạch”.

Theo PGS Lam, trước đây công nghiên cứu không được tính vào lương nên muốn được trả công, nhà khoa học phải dồn vào công tác phí, có khi phải nói dối ngày công tác, tăng hóa đơn tiền ăn, tiền ngủ khi đi công tác để được tính công. Nay thì ai tham gia bao nhiêu ngày, ở chức danh nào (nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp, chuyên gia…), làm việc gì được ghi rõ và hưởng lương. Khi quyết toán, nhà khoa học cũng không phải ngồi vẽ chuyên đề mà chỉ cần bảng chấm công và báo cáo công việc, đỡ phiền hà, rắc rối.

Cũng theo PGS Lam, tình trạng khai man số người làm đề tài, cai thầu trong nghiên cứu khoa học cũng được hạn chế. Trước đây một đề tài ghi tên 15-16 người làm nhưng thực tế chỉ có 4-5 người làm. Bây giờ phải người thật, việc thật vì chủ nhiệm đề tài phải cân đối, những ai tham gia, tham gia việc gì, bao nhiêu ngày công để trả tiền cho họ.

Trước đây có tình trạng “cai thầu” trong nghiên cứu. Một nhà khoa học cùng lúc làm chủ nhiệm nhiều đề tài, sau đó thuê người làm. Nay quy định theo ngày công, một người không thể “ôm” nhiều đề tài một lúc vì số ngày công được ghi cụ thể, tổng số ngày công một người không thể làm quá 12 tháng một năm.

Theo ông Nguyễn Đắc Đồng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT, thông tư 55 giúp người làm quản lý về khoa học công nghệ thuận lợi trong quản lý. Cách làm cũ, đọc vào dự toán thấy có quá nhiều chuyên đề, rất khó để nhìn nhận tổng quát đề tài, nhiều khi phải đọc từ nội dung đề tài ra dự toán. Cách làm mới chỉ cần nhìn dự toán là biết rõ nội dung đề tài làm những gì, ai làm, ra sản phẩm gì.

Cũng theo ông Đồng, định mức chi tối đa của thông tư 55 cho hoạt động nghiên cứu khá phù hợp với công lao động nên gắn trách nhiệm của người làm nghiên cứu với đề tài, qua đó giúp nâng cao chất lượng của nhà khoa học.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.