Kỳ lạ, gấu trúc chán măng tre tấn công ăn thịt dê

TPO - Vì nghĩ rằng gấu trúc là loài vật vốn hiền lành, chỉ ăn cây cỏ, tre nứa nên người dân Lạc Sơn (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã không khỏi ngạc nhiên và có phần hoảng sợ sau khi phát hiện một hiện tượng kì lạ: gấu trúc tấn công và ăn thịt dê.

Gấu trúc vốn là loài động vật thuộc bộ Carnivora (bộ Ăn Thịt). Tuy nhiên, trong chế độ ăn của gấu trúc, các loại thức ăn như tre, trúc, rau cỏ chiếm tới hơn 99%.

Khác với gấu nuôi, thức ăn của gấu trúc hoang dã không chỉ bao gồm các loài thực vật mà gồm cả các loài động vật nhỏ như chim hay các loài gặm nhấm... Dù vậy, rất ít khi người ta bắt gặp gấu trúc ăn thịt và tấn công các loài động vật có kích thước lớn.

Mới đây, người dân Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã phát hiện một con gấu trúc hoang xuống núi tấn công và ăn thịt dê. Sau khi đánh chén thỏa thích, gấu trúc nán lại một lúc rồi quay trở về nơi ở của mình trên núi. 

Kỳ lạ, gấu trúc chán măng tre tấn công ăn thịt dê ảnh 1

Mảnh xương dê còn sót lại sau bữa ăn của gấu trúc.

Phát hiện này đã khiến người dân Lạc Sơn không khỏi ngạc nhiên và có phần hoảng sợ, vì gấu trúc vốn được cho là loài động vật hiền lành.

Đây là con gấu trúc hoang thứ hai xuất hiện ở khu vực Lạc Sơn trong 2 tháng trở lại đây. Trước đó, một con gấu trúc nhút nhát hơn đã bỏ chạy ngay khi nhìn thấy con người.

Theo một số nghiên cứu, gấu trúc khổng lồ vốn là động vật ăn thịt nhưng đã chuyển sang ăn chay từ cách đây khoảng 2,4 triệu năm. Tuy nhiên, hệ thống tiêu hóa của gấu trúc vẫn không thay đổi, đồng nghĩa với việc chúng vẫn có thể tiêu hóa thịt như tổ tiên cách đây hàng triệu năm.

Trước đó, máy quay giám sát tại khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Baishuijiang ở Cam Túc (Trung Quốc) cũng đã tình cờ ghi được cảnh gấu trúc hoang dã nhồm nhoàm ăn thịt.

Kỳ lạ, gấu trúc chán măng tre tấn công ăn thịt dê ảnh 2

Hình ảnh gấu trúc ăn thịt được ghi lại ở Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Baishuijiang năm 2011.

Hiện có khoảng 1.800 cá thể gấu trúc khổng lồ sống trong môi trường hoang dã ở khu vực Tây Nam Trung Quốc. Môi trường sống của gấu trúc ở đây đang ngày càng mở rộng trong vài năm qua, theo khảo sát của các nhà khoa học Trung Quốc.

Theo Theo Nhân dân Nhật báo
MỚI - NÓNG