Kỳ thú Kỳ Lân

Ông Lý Ngọc Minh nâng niu những sản phẩm Kỳ Lân do mình làm ra. Ảnh: Đại Dương
Ông Lý Ngọc Minh nâng niu những sản phẩm Kỳ Lân do mình làm ra. Ảnh: Đại Dương
TP - Kỳ Lân là một trong tứ linh (Long, Lân, Qui, Phụng). Dân gian có niềm tin rằng nơi nào có Kỳ Lân xuất hiện thì nơi đó có thánh nhân ra đời cứu giúp dân chúng. Do đó, Kỳ Lân báo hiệu điềm lành về sự thái bình thịnh vượng.

Tính cách, tâm hồn Việt

Do đặc tính hiền lành nên Kỳ Lân được gọi là nhân thú (con thú có lòng nhân từ). Linh vật này xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Á, ngoài Việt Nam còn có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, không phải lúc nào và ở đâu tạo hình của Kỳ Lân cũng thể hiện được sự hiền lành, nhân từ như bản chất của chúng và đặc biệt là phù hợp với đặc điểm tính cách, tâm hồn người Việt, bởi điều đó không chỉ phụ thuộc vào năng lực mà còn phụ thuộc vào cách nhìn, gu thẩm mỹ của những người chế tác. 

“Niềm đam mê lớn nhất của cuộc đời tôi là gốm sứ. Chính vì đam mê, tôi không ngừng tìm tòi, sáng tạo vượt qua mọi trở ngại để chinh phục những đỉnh cao, và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật sứ tuyệt mỹ mà không ai có được. Đó là hạnh phúc của tôi!”.

Ông Lý Ngọc Minh

Hiểu được sự bất cập này, ông Lý Ngọc Minh, chủ hãng sứ nổi tiếng Minh Long I đã tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời những con Kỳ Lân bằng chất liệu sứ cao cấp, mang đậm văn hóa Việt. “Hàng chục năm qua, tôi đã đi đến rất nhiều nơi để tìm hiểu, nghiên cứu về tạo hình của Kỳ Lân nhằm rút tỉa những cái hay, cái đẹp của con linh vật này và sau đó tổng hợp thành con Kỳ Lân thể hiện một cách rõ nét nhất về đặc điểm tính cách, tâm hồn người Việt Nam: Hiền hòa, từ tâm, lạc quan và tươi vui. Đặc biệt, con Kỳ Lân Việt Nam có tính người nên nhìn vào thấy có nét và bóng dáng của con người trong đó”- ông Lý Ngọc Minh tâm sự.

Sau nhiều năm tìm tòi, sáng tạo và chuẩn bị, lứa Kỳ Lân đầu tiên của ông “Vua sứ Việt” - Lý Ngọc Minh ra đời, đó là những con “Kỳ Lân trẻ thơ”, miệng ngậm ngọc, chân vờn bóng rất sinh động. Khác biệt cơ bản của Kỳ Lân do ông Minh và những cộng sự sáng tạo với những Kỳ Lân khác là ở nét duyên dáng và mang tính nghệ thuật cao. Ví như, đối với “Kỳ Lân trẻ thơ” thì không đơn thuần là nhỏ về kích thước sản phẩm mà tạo hình được thể hiện đúng như tính cách một đứa trẻ; ngộ nghĩnh, hồn nhiên trong sáng và hiếu động. 

“Đã có con thì phải có bố, mẹ”- ông Minh nói, đồng thời cho biết, cùng với “Kỳ Lân trẻ thơ”, ông đang chuẩn bị để tiếp tục cho ra đời Kỳ Lân bố và mẹ. Dù là Kỳ Lân bố hay mẹ, theo ông Minh, sản phẩm đều phải đảm bảo các yêu cầu về nghệ thuật, vừa toát lên vẻ sang trọng, quyền quý và uy nghi, vừa mang đặc điểm tính cách, tâm hồn người Việt. Bộ ba Kỳ Lân này không chỉ là vật trang trí mang giá trị cao về thẩm mỹ mà còn có giá trị về phong thủy, thích hợp cho mọi gia đình người Việt.

Tinh xảo

Ông Minh chia sẻ: “Với tạo hình phức tạp, Kỳ Lân hoàn toàn được chế tác thủ công. Để hình hài Kỳ Lân được sinh động, có hồn, chúng tôi phải làm rất nhiều chi tiết rời và sau đó gắn lại với nhau. Và cái khó cũng cũng chính là ở chỗ đó, tức làm sao gắn kết rất nhiều chi tiết lại với nhau nhưng vẫn bền chặt, không bị nứt hay lộ các vết hàn gắn. Sản phầm Kỳ Lân được nung ở nhiệt độ 1360-1380 độ C, và điều này xuất hiện cái khó tiếp theo là độ co rút khi nung rất lớn (đến 20%), nên phải có những kỹ thuật, kinh nghiệm nhất định mới có thể thực hiện được”. 

Hiện tại ông Minh đã cho ra đời hai phiên bản Kỳ Lân, tuy giống nhau về cấu trúc, dáng hình, kích thước nhưng hoàn toàn khác nhau về công thức chế tác. Một loại được vẽ trước khi nung, loại còn lại nung rồi vẽ, sau đó cho nung hoàn thiện. Theo ông Minh, công đoạn trang trí Kỳ Lân hết sức công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đối với loại vẽ trước khi nung, mỗi con Kỳ Lân, người thợ phải mất từ 10 đến 15 ngày để hoàn thành việc vẽ, trang trí. “Loại Kỳ Lân này có màu xanh rất lạ, cổ kính nhưng rất tự nhiên, không giống với bất cứ màu xanh nào trước đó của Minh Long I hay trên thị trường, kể cả ngoài nước”- ông Minh nói. Ông tiết lộ: “Để có màu xanh này, tôi đã cho nung hoàn nguyên và lửa tự hoàn thiện sản phẩm thông qua các phản ứng hóa học, thường được gọi là hỏa biến”. 

Đối với loại vẽ sau khi nung, ông Minh cho biết, mỗi con lân, người thợ phải mất khoảng 45 ngày mới hoàn thành việc vẽ trang trí. Loại này cũng được mạ vàng ròng nên công đoạn nung hoàn thiện (sau khi trang trí) hết sức phức tạp. Khi hoàn chỉnh, sản phẩm đạt đến sự tinh xảo, sáng bóng và sang trọng. “Với một tác phẩm nghệ thuật bằng sứ, có rất nhiều tiêu chí cần phải đạt được, từ kỹ thuật đến mỹ thuật. Đây là hàng rào rất khắt khe, nhưng bằng sự đam mê, cộng với những nỗ lực và bề dày kinh nghiệm vốn có, chúng tôi đều vượt qua hết những thách thức này để cho ra đời những sản phẩm tinh xảo, hoàn chỉnh nhất”- ông Minh chia sẻ.

Thấm đẫm văn hóa Việt

Kỳ thú Kỳ Lân ảnh 1

Những họa tiết trang trí tinh xảo trên thân Kỳ Lân

“Những con Kỳ Lân đầu tiên của chúng tôi gồm có hai tone màu, một loại mang màu sắc cổ kính, thích hợp với người lớn tuổi, một còn lại có màu sáng tươi trẻ, thích hợp với giới trẻ” - ông Minh nói. Cũng theo ông “Vua sứ Việt”, điều này một lần nữa thể hiện sự kiên định với “tuyên ngôn” trong việc sáng tạo sản phẩm của Minh Long I, đó là “Bốn không”: Không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác.

Những sản phẩm đậm chất văn hóa Việt Nam nhưng người nước ngoài vẫn đồng cảm, thích thú nên không có biên giới. Trong từng sản phẩm mẫu mã hoa văn tinh xảo, sang trọng nhưng vẫn gần gũi để phù hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi nên chúng không phân biệt tuổi tác, giới tính. Những điều đó sẽ giúp sản phẩm trường tồn cùng thời gian. “Bốn không” cũng chính là cơ sở cho “Bốn có”: có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách riêng, và quan trọng nhất là có hồn. “Sản phẩm có hồn, sẽ tự biết nói”- ông Minh lý giải.  

Ông Minh cũng cho biết, dòng sản phẩm tượng của Minh Long I đã được thực hiện từ hơn hai chục năm trước và đến nay vẫn tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, những sản phẩm này chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Âu và mỗi năm xuất mấy chục triểu sản phẩm. Hiện tại, Minh Long I, phát triển một dòng tượng trang trí dành cho người Việt, và hiển nhiên những sản phẩm mang đậm văn hóa truyền thống Việt Nam. Ngoài những con giáp sản xuất theo năm, Minh Long I còn cho ra đời những con lân thuần chất Việt.

“Tôi muốn gửi gắm vào sản phẩm mong muốn của mình được khôi phục, lưu giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của ông cha. Tiếp đến, tôi gửi gắm mong mỏi sự may mắn, bình yên, phước lành đến với mọi người, mọi nhà trong năm mới nói riêng và cho cuộc sống nói chung”- ông Minh chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.