Làm rõ thông tin VN thuộc Top 10 quốc gia lộ thông tin trên Facebook

Làm rõ thông tin VN thuộc Top 10 quốc gia lộ thông tin trên Facebook
TPO - Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu nghiên cứu, xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phản ánh Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia bị lộ thông tin trên Facebook (FB) nhiều nhất.

Công văn nêu “Đài Truyền hình Việt Nam ngày 6/4/2018 đưa tin: 'Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia bị lộ thông tin trên Facebook nhiều nhất. Theo con số mà Facebook ước tính, Việt Nam có 427.466 tài khoản bị hãng Cambridge Analytica sử dụng dữ liệu phục vụ cho cuộc bầu cử Mỹ'. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT nghiên cứu, xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/4/2018”.

Trước đó, FB dính phải bê bối lớn nhất trong lịch sử thành lập khi 50 triệu tài khoản bị sử dụng thông tin trái phép phục vụ bầu cử tổng thống Mỹ. Cụ thể, ngày 17/3, hai tờ báo nổi tiếng tại Anh và Mỹ là New York Times và Guardian đã đồng loạt đưa tin kèm theo những bằng chứng về việc FB cho phép một công ty nghiên cứu tên là Cambridge Analytica lấy đi thông tin của 50 triệu tài khoản người dùng. Công ty Cambridge Analytica đã mua lại dữ liệu người dùng từ một giảng viên đại học Cambrigde – Aleksandr Kogan. Kogan thu thập thông tin người dùng qua một ứng dụng khảo sát được thực hiện với mục đích nghiên cứu học thuật. Ứng dụng yêu cầu người dùng cấp quyền truy cập hồ sơ cá nhân, vị trí của họ.

Con số sau đó cho thấy số tài khoản bị sử dụng thông tin cá nhân trái phép lên tới 87 triệu. Dữ liệu người dùng bị sử dụng trái phép phục vụ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Bê bối đã khiến cổ phiếu FB giảm mạnh và CEO của FB, ông Mark Zuckerberg phải xin lỗi người dùng và điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Đáng chú ý, trong danh sách 10 quốc gia có tài khoản bị sử dụng thông tin cá nhân trái phép nhiều nhất, Việt Nam xếp thứ 9/10 với 427.466 tài khoản.

Theo chuyên gia bảo mật Ngô Tuấn Anh, Phó giám đốc phụ trách an ninh mạng của Bkav, để khai thác thông tin người dùng có nhiều cách, trong đó phổ biến nhất là việc tạo ra các ứng dụng, trò chơi để người dùng tham gia, ví dụ như “trông bạn giống diễn viên nào nhất”, “khuôn mặt bạn 30 năm nữa trông ra sao” hay “con bạn trông như thế nào”…Khi người dùng FB đăng nhập, các ứng dụng đó sẽ truy cập vào thông tin cá nhân của người dùng như ngày tháng năm sinh, giới tính, xu hướng like, comment…Một cách phổ biến khác là tạo ra những trang giả mạo, đăng nội dung thông tin hot để thu thập thông tin người xem. Khi người dùng tương tác với trang đó thì sẽ bị thu thập thông tin dữ liệu phục vụ mục đích riêng.

Các chuyên gia bảo mật khuyên người dùng nên cân nhắc thật kỹ và xác minh mức độ uy tín của các nhà cung cấp ứng dụng khi cấp quyền truy cập thông tin cá nhân trên FB. Không chia sẻ những thông tin nhạy cảm như thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tài khoản email qua các đoạn chat trên FB Messenger. Ngoài ra nên sử dụng các mật khẩu mạnh (gồm 8 ký tự, trong đó có các ký tự viết hoa, số và ký tự đặc biệt) và thay đổi mật khẩu theo chu kỳ 3 đến 6 tháng một lần, đặc biệt là sử dụng các xác thực đa lớp.

MỚI - NÓNG