Lấp sông làm công viên ở Tiền Giang: Tiền lệ xấu

​Hiện trường xây dựng công viên trái cây Cái Bè.
​Hiện trường xây dựng công viên trái cây Cái Bè.
TP - Mấy tháng nay người dân ở huyện Cái Bè và Cai Lậy (Tiền Giang) đang lo lắng bởi dự án lấn sông Tiền làm công viên trái cây huyện Cái Bè được cho là sẽ làm thay đổi dòng chảy và gây sạt lở bờ đối diện.

Dự án Công viên trái cây tại huyện Cái Bè do UBND huyện Cái Bè làm chủ đầu tư với quy mô 9,78ha, nằm tại khu vực tiếp giáp giữa sông Tiền và sông Cái Bè, trong đó diện tích phần lấn sông Tiền khoảng 6,8ha với chiều dài lấn sông (chỗ lấn ra sông) lớn nhất là 160m, trung bình là 110m, chiều dài kè của dự án vào khoảng 800m với tổng lượng cát cần san lấp là 695.388m3, tương đương 434.618 tấn.

Qua khảo sát sơ bộ của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) thì hiện nay, chủ dự án đã hoàn thiện việc đóng cọc bê tông dự ứng lực, đang làm kè bằng rọ đá và chuẩn bị bơm cát san lấp sông. Việc san lấp mặt bằng và thi công, xây dựng bờ kè dự án có lấn ra sông Tiền sẽ gây ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy. Cụ thể: mặt cắt sông, hình thái thay đổi dẫn đến thay đổi dòng chảy, lòng dẫn sông và đặc biệt khả năng gây sạt lở bờ sông khu vực lân cận dự án và phía hạ lưu.

Theo chủ đầu tư, khu vực dự án là vùng nước nông, độ sâu dao động từ 1,278-1,294m vào mùa khô, chế độ thủy văn qua vùng dự án khá hiền hòa và không có xoáy, vận tốc dòng chảy dao động từ 0,2-0,9m/s. Đồng thời, phần lớn đất lấn sông nhằm phục vụ hạng mục công viên - vườn cây được phân bố thành 2 khu vực với tổng diện tích 54.149m2. Trong đó, một khu để trồng các loại cây ăn trái, khu còn lại được quy hoạch làm công viên cây xanh để du khách ngắm cảnh.

Ngoài ra, hơn 13.000m2 sẽ được sử dụng làm khu thương mại dịch vụ… Diện tích còn lại phục vụ mục đích giao thông, sân bãi nội bộ, bãi đỗ xe…

Tạo tiền lệ xấu

Chiều 1/11, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, Chuyên gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam nói rằng, việc lấn sông Tiền cũng giống như câu chuyện lấn sông Đồng Nai. “Nhiều người nói rằng nó không có tác động gì vì sông quá to như thế. Nhưng ai cũng lấn ra hết thì dòng sông không còn gì cả. Các dòng sông hiện bị xâm hại ghê gớm rồi, giờ lại còn làm như thế. Đây là một hành động rất thiển cận về mặt kinh tế, quy hoạch và sự yếu kém về quản lý nhà nước”. TS Tứ nói.

Theo TS Tứ, luật pháp quy định không được phép can thiệp bất cứ hành động nào vào dòng sông trừ những dự án chỉnh trị sông để chống xói lỡ được tính toán rất kỹ lưỡng nhưng phải có đánh giá tác động môi trường. “Phía Vĩnh Long vẫn phải bị ảnh hưởng ít nhiều từ việc lấp sông ở Tiền Giang. Vì thế, việc làm ở Tiền Giang là một trong những tiền lệ xấu. Nếu địa phương nào cũng nhìn sông là miếng “béo bở” mà lấp thì không còn gì cả” - TS Tứ nói.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cũng cho rằng, việc lấn sông Tiền chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy. “Dự án nằm ngay khu vực lõm của đoạn sông cong nên chính công trình này cũng phải gánh chịu áp lực sạt lở chứ không chỉ cù lao Tân Phong ở đối diện. Chưa kể, khi công trình hình thành sẽ gia tăng áp lực phía bên kia bờ của vàm sông Cái Bè (nằm phía hạ lưu sông Tiền), có thể làm tăng sạt lở vị trí này”, Ths Thiện nói.

GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường - Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho rằng, dự án lấn sông với diện tích lớn trên sông Tiền sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến người dân trong khu vực. “Việc lấn sông sẽ gây tác động vô cùng lớn làm thay đổi hướng chảy, thay đổi cường độ dòng chảy… có khả năng gây sạt lở đối với bờ sông bên kia. Bởi theo quy luật, khúc sông bên lở bên bồi, bồi bên này thì lở bên kia và ngược lại. Khi lấn ra sông thì bờ bên kia sẽ bị lực của dòng chảy làm xói mòn”.

Theo ông Bá, một dòng sông hình thành được phải trải qua hàng nghìn năm, thậm chí hàng chục nghìn năm, kể cả sông nhân tạo cũng phải mất một thời gian rất lâu thì dòng chảy mới ổn định. Vì vậy, nếu lấn ra sông thì phải thận trọng hết sức, phải tính toán được tác động đối với dòng chảy. “Càng lấn ra rộng thì biến dạng của dòng sông càng lớn. Nó làm lưu lượng thay đổi, tiết diện thay đổi, làm tốc độ dòng chảy càng lớn, tạo động năng lớn gấp nhiều lần tốc độ dòng chảy khi chưa lấn sông gây xói lở cho bờ bên kia, có thể mất cả một xóm làng, nguy cơ nhiều nhà dân bờ bên sẽ trôi xuống sông”, ông Bá nói.

Đề nghị dừng dự án Công viên trái cây Cái Bè

Ngày 1/11, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc ký công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Tiền Giang về nội dung liên quan đến việc xây dựng Công viên trái cây. Công văn nêu, để đảm bảo tính khách quan và khoa học và đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc đầu tư, xây dựng của dự án, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo chủ đầu tư và các sở, ban, ngành có liên quan: Một là, chỉ đạo chủ đầu tư tạm dừng thực hiện việc thi công, xây dựng dự án. Hai là, rà soát lại công tác đánh giá tác động môi trường nhất là đánh giá tác động của dự án tới thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông theo quy định. Đồng thời, rà soát lại việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường và tài nguyên nước.

Chiều 1/11, phóng viên đến UBND tỉnh Tiền Giang để liên hệ gặp lãnh đạo tỉnh tìm hiểu thông tin về dự án lấn sông nhưng nhân viên ở đây cho biết lãnh đạo bận họp, lịch công tác trong tuần cũng kín nên không có thời gian tiếp phóng viên và yêu cầu để lại câu hỏi sẽ trả lời sau. Trao đổi qua điện thoại, ông Trần Xuân Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang cũng từ chối trả lời phóng viên và đề nghị liên hệ với ban quản lý dự án. Sáng 1/11, trao đổi với Tiền Phong xung quanh vụ việc trên, ông Nguyễn Quốc Thanh - Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, hẹn phóng viên Tiền Phong ngày 2/11 sẽ làm việc về nội dung này. Còn theo ông Lê Bá Thi - Chánh Văn phòng UBND huyện Cái Bè, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo ông Nguyễn Hoàng Thảo, giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Cái Bè (chủ đầu tư dự án) chuẩn bị các nội dung liên quan để trả lời báo chí vào ngày mai.

MỚI - NÓNG