Lở bùn khiến 13 người thiệt mạng: Chỉ đích danh 'hung thủ'

Lở bùn từ thảm họa cháy rừng ở California, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng.
Lở bùn từ thảm họa cháy rừng ở California, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng.
TPO - Những vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra và ngày càng thảm khốc hơn, “Hung thủ” được các nhà khoa học chỉ đích danh là biến đổi khí hậu. Hiện, lở bùn từ thảm họa cháy rừng ở California, Mỹ đã làm 13 người thiệt mạng.

Năm 2015, những vụ cháy rừng bất thường tàn phá Alaska và Indonesia. Năm sau đến lượt Canada và Tây Ban Nha hứng chịu hậu quả của thảm họa cháy rừng. Năm 2017 lửa lại hoành hành nhiều khu vực ở Chile, Bồ Đào Nha.

Liên tục cháy rừng

Và trong khoảng hơn một tuần giữa tháng 10/2017, vụ cháy rừng kinh khủng nhất trong lịch sử bang California, Mỹ, đã thiêu rụi khoảng 3,5 triệu hecta rừng, 40 người chết và con số này được dự báo là vẫn còn tiếp tục gia tăng bởi hiện vẫn còn hơn 200 người mất tích.

Nỗ lực khống chế giặc lửa vẫn đang tiếp tục nếu người ta không muốn lặp lại bi kịch của năm 2015 với 4 triệu hecta rừng bị lửa tàn phá. Những vụ cháy rừng cứ liên tiếp xảy ra và ngày càng thảm khốc hơn. “Hung thủ” được các nhà khoa học chỉ đích danh là biến đổi khí hậu.

Theo Liên minh Các nhà Khoa học quan tâm đến mọi vấn đề toàn cầu (UCS), trong vài thập niên qua, con số những vụ cháy rừng tăng dần và đặc biệt là tại vùng các bang bờ Tây nước Mỹ. Không chỉ gia tăng về số lượng mà thời gian cháy còn kéo dài hơn nữa.

Lở bùn khiến 13 người thiệt mạng: Chỉ đích danh 'hung thủ' ảnh 1 Một đám cháy rừng lớn tại California, Mỹ. Ảnh: AP

Jason Funk, chuyên gia khí hậu ở UCS, đánh giá: "Năm 2015 đã được ghi nhận là năm kỷ lục về cháy rừng ở Mỹ với hơn 4 triệu hecta rừng - tức bằng diện tích Hà Lan hay Thụy Sĩ - bị lửa thiêu rụi. Năm nay, nếu ngọn lửa không sớm bị khống chế thì mức độ thiệt hại về người, tài sản và thiên nhiên sẽ lập 'kỷ lục mới".

Tuy nhiên, không chỉ có những khu rừng của Mỹ bị hỏa hoạn đe dọa mà cả nhiều khu vực khác trên thế giới - như là vùng Siberia - cũng là nạn nhân của lửa. UCS cho rằng những vụ cháy rừng tăng gấp 4, 5 hay thậm chí 6 lần trong thế kỷ này.

Nguyên nhân chính do đâu?

Với Jason Funk thì sự biến đổi khí hậu làm tăng số vụ cháy rừng mỗi năm - về quy mô cũng như thời gian. Trước kia, cháy rừng thường do lỗi từ con người như là ném tàn thuốc lá đang cháy dở hay từ thiên nhiên như tia sét. Nhưng vấn đề hiện nay là tình trạng biến đổi khí hậu khiến cho môi trường những khu rừng tự nhiên ngày càng nóng và khô hơn. Khí thải nhà kính chính là nguyên nhân làm tăng nhiệt độ toàn cầu và dẫn đến biến đổi khí hậu.

Lở bùn khiến 13 người thiệt mạng: Chỉ đích danh 'hung thủ' ảnh 2 Cháy rừng gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống.

Nhiệt độ tăng làm hiện tượng bốc hơi nhanh hơn. Hay nói cách khác, bầu khí quyển sẽ hấp thu hơi ẩm từ đất đai nhiều hơn khiến cho nó trở nên khô hơn. Nhiệt độ tăng cũng làm cho mùa tuyết tan đến sớm hơn bình thường gây hậu quả là mặt đất bị khô trong thời gian dài hơn - đó là điều kiện thuận lợi cho lửa tấn công. Funk giải thích: "Những khu vực xảy ra cháy rừng thường là những vùng đất khô hơn, nóng hơn và mùa xuân đến sớm hơn".

Điều đáng sợ là những vụ cháy rừng hiện nay xảy ra trong thời gian kéo dài khó dập tắt và gây hậu quả trầm trọng hơn về người cũng như kinh tế đất nước. Lửa cũng lan nhanh hơn và di chuyển theo nhiều hướng khó dự đoán. Funk cảnh báo: "Những vụ cháy rừng ngày nay thực sự vượt khỏi tầm kiểm soát của con người và xảy ra ngày càng thường xuyên hơn so với quá khứ".

Hậu quả nặng nề 

Ngoài ra, các loài động vật gây hại như là côn trùng cũng góp phần giết chết nhiều cây cối khiến rừng trở nên dễ bị bắt lửa hơn. Khi mùa hè kéo dài hơn do khí hậu nóng lên, côn trùng sẽ sinh sản nhanh hơn và nhiều hơn. Những hoạt động của con người như là đốn gỗ và khai mỏ cũng là nguyên nhân dẫn đến cháy rừng.

Cháy rừng đặt ra nguy cơ cho sự sống con người, tác động xấu đến sức khỏe cũng như kinh tế và cơ sở hạ tầng quốc gia. Cháy rừng cũng trực tiếp giết chết nhiều loại động-thực vật gây mất cân bằng sinh thái. Nguy cơ lớn nhất là cháy rừng góp phần làm tăng thêm khí thải nhà kính làm cho khí hậu trái đất biến đổi nặng nề hơn nữa.

Bởi vì cây cối hấp thu và lưu trữ carbon dioxide từ khí quyển, cho nên chúng bị cháy rụi càng nhiều thì trong tương lai con người sẽ mất đi vũ khí hiệu quả chống lại biến đổi khí hậu. Một vòng luẩn quẩn được tạo ra - biến đổi khí hậu gây cháy rừng và rừng cây bị cháy dẫn đến biến đổi khí hậu!

Theo đánh giá từ UCS, khu vực rừng phương Bắc (rừng Taiga) được coi là nơi rất dễ bị lửa tấn công. Rừng Taiga bao phủ khu vực bán cầu Bắc gồm các quốc gia: Canada, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Nga (đặc biệt là Siberia) và vùng Alaska. Rừng Taiga chiếm một phần ba diện tích rừng trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong hấp thu cũng như lưu giữ carbon dioxide. Theo các nghiên cứu từ UCS, những khu rừng phương bắc ở Nga và Canada dễ bị lửa tấn công do nhiệt độ ở những nơi này tăng nhanh hơn những khu vực khác trên hành tinh.

Lở bùn từ thảm họa cháy rừng ở California, 13 người thiệt mạng

Ít nhất 13 người thiệt mạng và nhiều nhà cửa bị hủy hoại do mưa lớn đổ bùn và đá tảng từ những ngọn đồi tháng trước vừa trải qua vụ cháy rừng khổng lồ ở Nam California.
Bùn đổ xuống rất nhanh trong đêm khuya từ dãy núi dốc Santa Ynez, đã cháy rụi sau đợt hỏa hoạn tháng 12/2017. Các khu vực bị cháy đặc biệt nhạy cảm, dễ gây ra lở bùn với sức tàn phá lớn do đất bị cháy không hấp thụ nước tốt và dễ bị xói mòn khi không có cây. Các nhân viên cứu hộ dùng máy bay trực thăng để giải thoát cho những người bị mắc kẹt từ những mái nhà bởi cây cối và đường dây điện hỏng chặn đường. Có người đã kẹt trong nhiều giờ và bị phủ đầy bùn đất.

Vụ hỏa hoạn ở California trải rộng trên hơn 1.140 km2, phá hủy 1.063 ngôi nhà và các công trình khác. Ngọn lửa lan sâu vào vùng rừng rậm hoang dã. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban bố tình trạng thảm họa tại California.

Bên cạnh đó,  California còn nằm trong tác động của cơn bão lớn. Lượng mưa kỷ lục 800 mm được ghi nhận ở San Francisco hôm 8/1, phá vỡ kỷ lục cũ là 600 mm từ năm 1972.

MỚI - NÓNG