Lúa chịu mặn

Nghiên cứu lúa chịu mặn. Ảnh: Ngọc Huyền
Nghiên cứu lúa chịu mặn. Ảnh: Ngọc Huyền
TP - Tỉnh Cà Mau có giống lúa truyền thống chịu được độ mặn đến 3- 4 phần nghìn (cây trồng nước ngọt bình thường đã chết), gọi là một bụi đỏ lùn.

Giống lúa này còn chịu được phèn, có sức đề kháng sâu bệnh rất tốt (nhất là bệnh đạo ôn). Hạt gạo một bụi đỏ lùn thon dài, ít bạc bụng, ngon cơm. Tuy nhiên, sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt nên giống lúa dễ bị thoái hóa, thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp.

Năm 2009-2010, Sở KH&CN Cà Mau phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) phục tráng giống lúa và chuyển giao cho nông dân sử dụng đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Năm 2012, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau tiếp tục phục tráng, cho ra giống lúa một bụi đỏ lùn thuần có nhiều đặc tính vượt trội.

Trưởng trại giống lúa của Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau, ông Nguyễn Văn Hải, giới thiệu về lúa một bụi đỏ lùn: “Năng suất khoảng 3,5 tấn/ha, thời gian sinh trưởng chỉ 120 ngày, ngắn hơn các giống tương tự nên đủ thời gian xử lý ruộng để nuôi tôm. Đây là giống thích hợp với vùng đất lúa – tôm”.

Năm 2013, Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau đã canh tác 4 ha lúa giống nguyên chủng. Năm nay, Trung tâm mở rộng diện tích lên 15 ha, sản xuất khoảng 70 tấn giống xác nhận. Giám đốc Phạm Văn Mịch cho biết: “Lúa một bụi đỏ lùn góp phần đáp ứng nhu cầu của vùng đất Cà Mau và nhiều tỉnh ven biển ở ĐBSCL, đặc biệt trong tình hình biến đổi khí hậu nước biển dâng”.

MỚI - NÓNG