Lý do khiến giới khoa học chưa tìm được lăng mộ Thành Cát Tư Hãn

Sau hơn 800 năm, lăng mộ Thành Cát Tư Hãn vẫn còn là bí mật.
Sau hơn 800 năm, lăng mộ Thành Cát Tư Hãn vẫn còn là bí mật.
TPO - Hơn 800 năm kể từ khi qua đời, Thành Cát Tư Hãn được chôn cất ở đâu vẫn là câu hỏi không có lời giải đối với giới khoa học. Ngoài ra, khối lượng tài sản khổng lồ và những vật dụng quý giá có chôn theo vị “chúa tể vĩ đại” của Mông Cổ cũng là bí mật.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Thành Cát Tư Hãn luôn được biết đến là một trong những vị vua tài ba nhất thế giới. Với khả năng cầm quân tuyệt đỉnh của mình, ông đã chinh phạt và chiếm được nhiều vùng đất giữa Thái Bình Dương và biển Caspi. Thậm chí, những cuộc chinh phạt của “vị chúa tể” này còn kéo dài trên khắp lục địa Á, Âu trước khi trở thành câu chuyện huyền thoại được nhiều người biết đến.

Thế nhưng, sau khi “quy tiên”, nơi chôn cất của Thành Cát Tư Hãn lại là câu chuyện vô cùng bí mật. Dù giới khoa học đã tốn rất nhiều thời gian và công sức, nhưng cho đến tận ngày nay, lăng mộ của thủ lĩnh người Mông Cổ này vẫn chưa tìm thấy. Vậy nguyên nhân đến từ đâu? 

Xóa dấu vết

Trước khi chết, Thành Cát Tư Hãn đã yêu cầu được chôn cất ở một nơi vô cùng bí mật. Chính vì vậy, quân lính của ông đã đưa thi thể của ông từ Tây Hạ về Kinh đô để an táng. Đáng chú ý, dọc đường đi, họ còn giết sạch những người mà mình nhìn thấy để đảm bảo bí mật.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi chôn cất xong, các tướng lĩnh còn cử 1.000 kỵ binh cho ngựa chạy qua khu mộ của Thành Cát Tư Hãn trong phạm vi rất rộng để xóa mọi dấu vết. Điều đó khiến công việc tìm kiếm lăng mộ của vị vua này trở nên vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là vô vọng.

Người dân Mông Cổ không chịu tiết lộ?

Theo National Geographic, rất nhiều nhà khoa học đang rất muốn tìm thấy lăng mộ Thành Cát Tư Hãn khi mở một dự án có quy mô lớn với tên gọi “Thung lũng Genghis Khan” và dựa vào hình ảnh chụp từ vệ tinh để tìm kiếm. Tuy vậy, hầu hết những đối tượng muốn tìm ra nơi chôn cất của vị vua vĩ đại này là người ngoại quốc. Còn người dân Mông Cổ thì không hào hứng với ý tưởng này.

Được biết, nguyên nhân khiến người dân Mông Cổ tỏ ra thờ ơ với việc tìm kiếm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn là vì họ cho rằng đây là điều kiêng kị. Thậm chí, có không ít người còn cho rằng, đây là công việc tối kị, có thể dẫn tới diệt vong cho thế giới.

Bên cạnh đó, người dân Mông Cổ rất tôn sùng Thành Cát Tư Hãn. Vì vậy, họ không muốn làm trái ý nguyện “được an nghỉ yên tĩnh” của ông và tin rằng, ai tiết lộ sẽ phải nhận “quả báo” khủng khiếp.

Diện tích quá rộng lớn

Dù có diện tích hơn gấp 7 lần so với diện tích nước Anh, nhưng hệ thống giao thông của Mông Cổ chỉ bằng 2% so với xứ sở sương mù. Điều này khiến các nhà khoa học gặp khó khăn trong việc vận chuyển các thiết bị khoa học kỹ thuật phục vụ cho việc tìm kiếm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn.

Ngoài ra, do mật độ dân số thưa thớt, đất đai chủ yếu là vùng đồng cỏ hoang vu nên các dấu vết đều trở nên vô cùng mờ nhạt.Vì vậy, để tìm thấy một lăng mộ có diện tích không lớn là điều gần như vô vọng.

Tranh cãi

Từ trước đến nay, các nhà khoa học đã tổ chức không ít cuộc tìm kiếm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn với quy mô lớn. Thế nhưng, đa phần trong số đó đều phải dừng lại giữa chừng vì các tranh cãi nổ ra giữa những người tôn sùng vị vua này và giới khoa học.

Đơn giản là vì, những người tôn sùng Thành Cát Tư Hãn không muốn làm trái với di nguyện của ông và cho rằng, giới khoa học tìm kiếm lăng mộ không chỉ vì mục đích nghiên cứu, mà còn là khối tài sản khổng lồ có thể được chôn cất cùng vị vua vĩ đại này.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.