Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Việt Nam:

Mong có những tập đoàn công nghệ trí tuệ Việt

Lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham dự lễ ra mắt Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam. Ảnh: Ngũ Hiệp.
Lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham dự lễ ra mắt Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam. Ảnh: Ngũ Hiệp.
TP - Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam vừa ra mắt. Đây là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên ở Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân nói: “Tôi biết còn rất nhiều gian nan ở phía trước nhưng mong chúng ta đồng lòng để quỹ hoạt động hiệu quả, để tiếp động lực cho nhà khoa học trẻ có ý tưởng sáng tạo vươn lên, để trong một tương lai không xa chúng ta có những tập đoàn công nghệ của trí tuệ Việt Nam”.

Sẽ cấp vốn, hỗ trợ trang thiết bị cho các ý tưởng

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, năm 2008, chúng ta đưa Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia vào hoạt động, nhằm hỗ trợ các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Ngay lập tức, nhà khoa học trẻ có cơ hội tiếp cận với đề tài, dự án cấp Nhà nước. Công bố quốc tế tăng đều đặn 20% một năm.

Cách đây ít hôm, Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia ra mắt với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Quỹ này nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy thương mại hoá các sản phẩm, dịch vụ mới. “Cơ chế quỹ đã gỡ được nút thắt của KHCN là cơ chế tài chính. Không có quỹ chúng ta vẫn tiêu từng ấy tiền của Nhà nước nhưng không có sản phẩm hoặc sản phẩm để ngăn kéo. Có quỹ, chúng ta đưa nhiều nghiên cứu vào cuộc sống, công bố quốc tế tăng lên”, Bộ trưởng Quân nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quân, phát triển KHCN chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước là chưa đủ mà phải huy động nguồn lực xã hội. Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam được thành lập theo Quyết định 1286 của Bộ Nội vụ, ngày  16/12/2014. Đây là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên ở Việt Nam (thế giới đã có nhiều), hoạt động bằng nguồn vốn huy động từ các đầu tư trong và ngoài nước.

“Chúng ta thường bị xã hội phàn nàn là nghiên cứu rồi bỏ ngăn kéo, không kết nối được người nghiên cứu với doanh nghiệp, kết quả nghiên cứu với sản xuất. Lý do là chúng ta không có tài chính. Sự ra đời của quỹ đầu tư mạo hiểm là một bước tiến quan trọng để khắc phục điểm yếu trên”. 

Bộ trưởng Nguyễn Quân

Quỹ do tư nhân điều hành dưới sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số bộ, ngành liên quan. “Các nhà khoa học, nhất là người trẻ có ý tưởng sáng tạo hoặc có những sản phẩm ban đầu rất mong muốn phát triển sản phẩm và thương mại hoá. Nếu không ai hỗ trợ, họ không thể thành công. Nếu chỉ trông ở Nhà nước thì không hỗ trợ hết được. Quỹ đầu tư mạo hiểm là cơ hội để những người trẻ có ý tưởng sáng tạo tiếp cận vốn, thị trường”, ông Quân nói.

Quỹ này sẽ hỗ trợ người có ý tưởng sáng tạo về nhiều mặt như cấp vốn, kết nối thị trường, hỗ trợ trang thiết bị, hỗ trợ đào tạo, kêu gọi đầu tư. 

Mơ ước có những “Google”, “Microsoft” của Việt Nam

“Trên thế giới quỹ đầu tư mạo hiểm sản sinh ra nhiều tập đoàn công nghệ rất thành công như Google, Microsoft. Với trí tuệ Việt Nam, chúng ta có thể tin tưởng trong một tương lai không xa cũng có những tập đoàn công nghệ thành công”, Bộ trưởng Quân nói thêm.

Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam hoạt động song song với Đề án Phát triển thị trường khoa học công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon. Ở đó, một hoặc một nhóm nhà khoa học trẻ có ý tưởng sáng tạo sẽ thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp (thế giới gọi là start up). Đề án sẽ kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư để phát triển ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm.

Chỉ hơn một năm hoạt động, 9 doanh nghiệp khởi nghiệp được thành lập với 9 ý tưởng sáng tạo táo bạo như nhóm Astro Telligent (HR.com.vn) có tham vọng tung ra một hệ sinh thái tuyển dụng nhân sự thông qua mạng xã hội. Đây là một giải pháp tuyển dụng trọn gói và hoàn thiện dành cho khách hàng doanh nghiệp. Nhóm CSK có sản phẩm xây dựng dịch vụ điện toán đám mây cho phép các doanh nghiệp bán lẻ gia tăng tỷ lệ duy trì khách hàng theo cấp số nhân và tăng tỷ lệ bán thông qua các kênh kỹ thuật số có tính năng kết nối tự động. Nhóm Olymsearch có tham vọng trở thành Google cho mua sắm trực tuyến.

Trong 9 doanh nghiệp khởi nghiệp trên, một doanh nghiệp từ con số 0 nay được định giá 1,8 triệu USD. Năm doanh nghiệp khác đã có khách hàng là những doanh nghiệp lớn. Ba doanh nghiệp khác đang đàm phán với nhà đầu tư. Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam sẽ là cơ sở để chúng ta có thêm nhiều hơn nữa các doanh nghiệp khởi nghiệp như thế.

Hiện, Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam đã có những nhà tài trợ đầu tiên.  Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam, sáng lập viên của quỹ cho biết, chúng tôi hiểu rằng đây là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên nên các sáng lập viên sẽ làm hết sức mình để quỹ có thể hoạt động hữu hiệu. Chúng tôi mong muốn tìm được các tài năng trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm khả thi để hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Duy Đông chia sẻ, có người hỏi tôi đây có phải là quỹ đầu tư mạo hiểm không? Tôi bảo quỹ mạo hiểm nhưng không mạo hiểm vì nó có những căn cứ, cơ sở hoạt động của nó.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.