Mức phạt lái xe uống rượu bia có 'đủ đô'?

Mức phạt lái xe uống rượu bia có 'đủ đô'?
TPO - Cùng với việc tăng mức phạt đối với người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở từ 1/8, thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã tăng cường xử phạt hành vi vi phạm này.

Theo Nghị định 46 của Chính phủ áp dụng từ ngày 1/8, người điều khiển ô tô trên đường có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc 0,4 miligam/lít khí thở thì bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 4 - 6 tháng; người điều khiển xe mô tô mà nồng độ cồn vượt quá 0,25 đến 0,4 miligam/lít khí thở bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 3 - 5 tháng.

Giữa tháng 8 vừa qua, Phòng CSGT CATP.Hà Nội tăng cường xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện theo Nghị định 46 của Chính phủ. Nhiều chốt kiểm tra được lập ra, nhiều trường hợp vi phạm bị xử phạt.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử phạt hơn 75.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Có những ý kiến cho cho rằng mức phạt mới theo Nghị định 46 là khá cao so với thu nhập trung bình của đa số người Việt, đồng thời cho rằng việc phạt nặng như vậy để tăng cường tính răn đe, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, qua đó có cơ sở để kiềm chế, giảm tai nạn giao thông.

Cũng cần phải nói thêm rằng, các vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ việc người điều khiển vi phạm quy định về nồng độ cồn, ngày một tăng với tính chất và mức độ nghiêm trọng.

Khi sử dụng rượu bia, người lái hoàn toàn có thể phóng nhanh, ngủ gật, mất kiểm soát xe, tức là vi phạm "kép" các lỗi kể trên. Thêm nữa, các vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia cũng phức tạp hơn, dễ xảy ra mâu thuẫn ẩu đả và dẫn tới nhiều vụ việc đang tiếc hơn.

Tuy nhiên, có một thực tế là lực lượng chức năng không thể căng mình trong một thời gian dài, cộng với việc ý thức của người tham gia giao thông chưa cao nên tính hiệu quả vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Bản thân mức phạt mới cũng chưa "nặng đô" tới mức khiến dân nhậu "run sợ.

Tại Nhật Bản, nếu bị phát hiện có nồng độ cồn vượt mức quy định, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị phạt cực nặng, kèm theo đó là hàng loạt những "chế tài" bổ sung, thậm chí có thể bị công ty sa thải - mức phạt mà bất kỳ người dân Nhật nào đều không muốn gặp phải, bởi nó không chỉ là công việc, mà còn là thu nhập và danh dự.

Ở Nhật, người mới bắt đầu làm việc sẽ nhận được mức lương cao gấp khoảng 10 lần so với mức lương sau khi tốt nghiệp Đại học tại Việt Nam. Mức lương này sẽ tăng dần theo thâm niên người đó làm việc ở một công ty. Nếu chuyển sang làm ở công ty khác, mức lương sẽ quay trở lại từ đầu. Sự khác biệt đó rất đáng để các tài xế phải suy nghĩ.

Dân Nhật Bản "nhậu" không kém gì người Việt. Sau giờ đi làm, họ gặp nhau tại những quán bia rượu dưới tầng hầm ở các thành phố lớn, hay những căn nhà mặt phố, trong ngõ ở các đô thị nhỏ. Họ có thể say lết từ quán này sang quán khác, có thể ngủ gục dưới gầm ghế hay trong hầm ga tàu, có thể đi taxi, nhưng tuyệt đối không phải là tự lái xe trở về nhà. Sự nguy hiểm khi lái xe trong tình trạng thiếu tỉnh táo có thể làm thương vong cho nhiều người, hoặc ít nhất cũng khiến họ mất việc, một sự đánh đổi rất lớn nhưng hợp lý, để họ chọn cách không cầm vô-lăng.

So sánh như vậy để thấy rằng, việc xử phạt cho những lỗi nghiêm trọng như uống rượu bia tham gia giao thông tại Việt Nam còn rất nhẹ. Ngoài biện pháp giáo dục, việc có mức xử phạt đủ mạnh là cách không thể thiếu để nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

MỚI - NÓNG